Trang trại của Vinamilk Lâm Đồng. Ảnh: TL.

 
Minh Đức Thứ Tư | 28/12/2022 08:31

Vốn xanh cho ESG

Thời điểm vàng để doanh nghiệp thực hành ESG gắn với quản trị công ty tốt.

Trên thế giới, tiếp nối Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), COP27 năm nay đưa ra cảnh báo mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5oC gần như thất bại. 

Không ESG, không có vốn!

Tại Việt Nam, hình ảnh cao nguyên Đà Lạt hay thành phố biển Đà Nẵng ngập trong nước là lời cảnh báo nghiêm khắc về hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Vì thế, không phải vô cớ Việt Nam đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26 trước những tổn thương có thể phải gánh chịu nếu không đi theo con đường tăng trưởng xanh.

Trong bối cảnh nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng bởi vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia. Một xu hướng nổi bật trong nhiều doanh nghiệp là thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) - câu chuyện phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu với tư duy lãnh đạo và quản trị công ty tốt.

VinaCapital mới đây gửi thư cho 50 doanh nghiệp liên quan đến công ty quản lý quỹ này, đề xuất doanh nghiệp nên tự đặt mục tiêu ngắn hạn, dài hạn về ESG, có chính sách, chiến lược ESG ngay và theo thực tế. Các công ty cũng cần công bố thông tin về ESG theo hướng minh bạch, cởi mở. “Các doanh nghiệp đang muốn tiếp cận vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu ra quốc tế để kêu gọi nhà đầu tư, nếu áp dụng ESG cao sẽ có lợi thế tiếp cận được nhanh hơn với nguồn vốn rẻ hơn. Bởi vì, thực tế, doanh nghiệp áp dụng chuẩn mực ESG cao thể hiện doanh nghiệp đó có tầm nhìn dài hạn, tiềm năng tăng trưởng”, bà Nguyễn Hoài Thu, thành viên Hội đồng Quản trị, Giám đốc Điều hành khối đầu tư VinaCapital, giải thích.

Ở Việt Nam, từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đến Dragon Capital, VinaCapital, Vietnam Holding và các quỹ như Tundra Frontier, AFC Vietnam Fund hiện đều xét đến tiêu chí ESG khi rót vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Thậm chí, Dragon Capital, VinaCapital còn xây dựng bộ tiêu chí riêng về ESG, lập đội ngũ phân tích để theo dõi, đánh giá và xếp hạng ESG cho các công ty trong danh mục đầu tư.

Không chỉ sức ép từ các quỹ đầu tư, tín hiệu vui là ngày càng có nhiều doanh nghiệp và tổ chức sẵn sàng thay đổi để dẫn dắt sự thay đổi tích cực theo hướng phát triển bền vững. Thực tế, cùng với những cam kết của Chính phủ, Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong thái độ của giới kinh doanh đối với vấn đề giảm phát thải carbon bằng 0 khi nhiều nhà đầu tư và tổ chức huy động vốn đã chủ động trong lĩnh vực tài chính bền vững và nhóm này có xu hướng sẽ mở rộng thêm trong những năm tới.

Tuy nhiên, báo cáo mới của PwC về ESG có tên “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022” cho thấy 60% doanh nghiệp chưa đưa ra cam kết ESG là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu kiến thức khiến các công ty vẫn chưa đưa ra kế hoạch thực hiện bất kỳ cam kết nào liên quan đến ESG. Bên cạnh đó, khoản tài chính để đầu tư cho ESG bao gồm thay đổi quy trình, con người, công nghệ... là một rào cản lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Rào cản này cho thấy vai trò của tài chính xanh ngày càng trở nên quan trọng. 

Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng gia nhập làn sóng tài chính bền vững từ năm 2019. Báo cáo do Climate Bonds Initiative và Ngân hàng HSBC công bố cũng cho thấy, tổng giá trị thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh năm 2021 tại Việt Nam đạt 1,5 tỉ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần mức 0,3 tỉ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định suốt 3 năm liền.

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm. Tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỉ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021. Trong đó, dư nợ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 47%; nông nghiệp xanh chiếm 32%...

Tìm dòng tiền xanh

“Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tiếp cận khá nhiều nguồn vốn quốc tế để thúc đẩy tín dụng xanh. Nếu tính cả dư nợ có liên quan đến tác động môi trường thì chiếm khoảng 14,5%, tuy đã rất tích cực nhưng vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu về chuyển đổi xanh và tín dụng xanh”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, cho hay, tín dụng xanh mới chỉ nằm trong tay các ngân hàng lớn, do các ngân hàng nhỏ không có nguồn vốn dài hạn, đủ lớn để có thể phục vụ những dự án lớn, lâu dài như năng lượng tái tạo.

Mặc dù vậy, với việc Việt Nam cam kết sẽ đạt được mức độ phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, doanh nghiệp không thể kéo dài các hoạt động phát thải lượng lớn carbon quá lâu. Nếu không có biện pháp kịp thời, tăng trưởng kinh tế lẫn cuộc sống đều gặp rủi ro ngày càng tăng cao.

Bà Nguyễn Thiên Hương, Lãnh đạo chương trình ESG thuộc IFC, cũng chia sẻ doanh nghiệp đầu tư vào ESG có thể nhận được ưu đãi về tín dụng và việc ưu đãi thuế cũng đang được cân nhắc. “Tại Việt Nam đang có chính sách khuyến khích đầu tư các ngành xanh và Chính phủ có thể sẽ thay đổi chính sách đối với những ngành nâu (ngành gây ô nhiễm)”, bà Hương nói. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp dịch chuyển ngành.

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, cho biết: “Một lượng vốn khổng lồ đang có sẵn, nhưng các nhà đầu tư tổ chức đều có những cam kết, chuẩn mực mà họ phải tuân thủ. Các chuẩn mực đó liên quan đến đảm bảo yêu cầu về ESG, nên nếu doanh nghiệp không đạt các yêu cầu về ESG thì không nhận được nguồn vốn này’’.

Học viện Tài chính Quốc tế (Mỹ) dự báo đến năm 2025, mức phát hành hằng năm của loại hình trái phiếu xanh có thể đạt 1.200 tỉ USD. Ước tính, đến năm 2025, các tổ chức tài chính của Việt Nam có thể đạt doanh thu khoảng 1,7 tỉ USD từ phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án ESG, trong số đó có 1,5 tỉ USD từ tài trợ chuyển đổi và trái phiếu xanh, tài trợ cho việc chuyển dịch từ các ngành công nghiệp phát thải carbon cao sang công nghiệp xanh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 2018-2021, mảng tín dụng xanh của một ngân hàng lớn đã tăng trưởng hơn 60% sau khi ứng dụng các yếu tố rủi ro môi trường và xã hội vào hệ thống phê duyệt tín dụng. Sau cam kết của Việt Nam tại COP26, HSBC đã thu xếp 12 tỉ USD cho riêng thị trường Việt Nam và tới nay tiến độ giải ngân đạt được là khả quan. Ngân hàng này cũng phát hành “tiền gửi xanh” để đầu tư vào các dự án và sáng kiến thân thiện môi trường, đồng thời đảm bảo một mức lợi nhuận ổn định và được xác định trước. “Tiền gửi xanh cũng là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Tập đoàn HSBC nhằm cung cấp từ 750-1.000 tỉ USD tài trợ và đầu tư bền vững hướng đến quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế carbon thấp”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết.

Các doanh nghiệp không thể kéo dài các hoạt động phát thải lượng lớn carbon quá lâu để đạt được mục tiêu lớn của Việt Nam. Ảnh: TL.
Các doanh nghiệp không thể kéo dài các hoạt động phát thải lượng lớn carbon quá lâu để đạt được mục tiêu lớn của Việt Nam. Ảnh: TL.

Hành trình chuyển đổi sang một thế giới phát thải carbon thấp sẽ tiếp tục định hình lại các nền kinh tế trên toàn thế giới và tất nhiên Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thời điểm này, Việt Nam cần những bước đi cụ thể trong chuyển đổi: thêm vốn đầu tư, thêm sáng kiến, công nghệ mới và thể chế chính sách thông minh cho những mục tiêu xanh hóa nền kinh tế. Doanh nghiệp mỗi ngành đều cần hoạch định con đường dẫn đến tương lai không phát thải carbon. Đây là thời điểm vàng không thể bỏ lỡ.