Lộ trình xanh hóa Việt Nam và phát triển bền vững đòi hỏi sự vào cuộc của toàn nền kinh tế, đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

 
Thanh Nga Thứ Hai | 21/08/2023 13:42

Tiềm năng hợp tác giữa Doanh nghiệp và Tổ chức xã hội trong giảm thiểu carbon

Từ xu hướng giảm thiểu carbon trong bối cảnh quốc tế và Việt Nam đến Tiềm năng cho hợp tác giữa Doanh nghiệp và Tổ chức xã hội.

Tháng 8/2023, Dự án "Win - Win for Vietnam" (Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED Communication) & ProNGO! e.V.) phối hợp với Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E) đã tổ chức Hội thảo chủ đề “Hợp tác Doanh nghiệp và Tổ chức xã hội trong giảm thiểu carbon: Xu hướng và Cơ hội” tại TP.HCM và tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, bà Brenda Candries, đã chia sẻ mối quan tâm và sự khuyến khích của Liên minh châu Âu về tầm quan trọng của hợp tác của khu vực doanh nghiệp với các nhân tố phi chính phủ (NSAs) để đạt được sự phát triển bền vững và thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm trong tất cả các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, giảm thiểu carbon và hành động khí hậu.

Biến đổi khí hậu (với nguyên nhân chính từ sự gia tăng phát thải khí CO2 và các khí nhà kính khác), hiện tượng thời tiết cực đoan, thực trạng môi trường là những thách thức toàn cầu lớn hiện nay, đặt ra yêu cầu hành động mạnh mẽ trong thay đổi trong thói quen sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Các từ khóa “giảm thiểu carbon”, “phát thải ròng bằng 0 (net-zero)” và “trung hòa carbon”, “hành động khí hậu”, “thị trường tín chỉ carbon”... ngày càng thu hút sự quan tâm của cả khối doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức xã hội và cộng đồng.

Tại Việt Nam, cam kết của Chính phủ trong Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu Quốc gia về mục tiêu net-zero vào năm 2050 cùng với những quy định trong thương mại quốc tế vừa là động lực vừa là yêu cầu bắt buộc cho khu vực doanh nghiệp. Mặt khác, ở cấp độ địa phương, Nghị quyết 98/2023/QH15 về Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM mở ra những tiềm năng, cơ hội từ việc thí điểm cơ chế tài chính mới liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Trong bối cảnh trên, lộ trình xanh hóa Việt Nam và phát triển bền vững đòi hỏi sự vào cuộc của toàn nền kinh tế, đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội hiệu quả hơn, tăng khả năng tác động, lan tỏa để tạo giá trị chung (CSV - creating shared value).

Tại nhiều quốc gia phát triển, hợp tác tạo giá trị chung (CSV) đã trở thành xu hướng mới so với CSR truyền thống khi doanh nghiệp biến các thách thức xã hội, môi trường trở thành cơ hội, chiến lược kinh doanh bền vững. Hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội đóng góp tích cực trong mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường, tạo động lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, nâng cao vị thế, uy tín thương hiệu và hướng tới đạt được lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường bền vững.

Có thể bạn quan tâm:

Xu hướng phát triển bền vững của ngành F&B