Sản phẩm áo thun dệt từ sợi gai dầu, nhuộm màu bằng tảo. Ảnh: Forbes

 
Tuệ Anh (Tổng hợp) Thứ Hai | 20/02/2023 11:21

Sản xuất quần áo và túi nhựa từ tảo biển để giảm rác thải

Nhiều start up được rót hàng chục triệu USD nhờ các dự án sản xuất quần áo, túi nhựa bằng tảo biển có khả năng phân hủy sinh học, không độc hại...

Tại Mỹ, startup Sway đã tạo được sự chú ý với dự án sử dụng rong biển sản xuất nhựa sinh học, thay thế cho túi mua sắm bằng nhựa và túi nhựa bọc quần áo…

Đang trong giai đoạn tối ưu hóa công thức sản xuất nhựa sinh học từ tảo biển, Sway sẽ sử dụng nguồn vốn mới để chuyển từ giai đoạn thí nghiệm sang thử nghiệm. Các thí nghiệm cho thấy, vật liệu này bền hơn polyethylene, loại nhựa dẻo thông thường.

Nhựa sinh học được sản xuất từ tảo biển có thể trong suốt hoặc mang nhiều màu sắc, kết cấu riêng biệt, cho thấy khả năng thay thế đa dạng các loại túi nhựa thông thường. Thử nghiệm cũng cho thấy nhựa sinh học có khả năng phân hủy nhanh hơn. Ông Julia Marsh, nhà đồng sáng lập và CEO của Sway chia sẻ: “Ở giai đoạn phát triển ý tưởng kinh doanh, Sway đã kêu gọi số vốn lên đến 2,5 triệu USD. Chúng tôi đã dành ra 10 năm để điều hành và phát triển hệ thống thương hiệu đóng gói này”.

Nhựa sinh học từ tảo biển bền hơn loại nhựa dẻo thông thường. Ảnh: Forbes
Nhựa sinh học từ tảo biển bền hơn loại nhựa dẻo thông thường. Ảnh: Forbes

Theo ông Jan Yoshioka, Giám đốc Đầu tư của Blue Economy tại Tổ chức Bảo tồn quốc tế, tổ chức đã đầu tư vào Công ty Sway, tảo biển là một loại nguyên liệu dồi dào và thân thiện với môi trường cũng như khí hậu, bởi vì giống như nhiều loại thực vật trên cạn khác, chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển và hấp thụ một lượng lớn khí thải hằng năm. Ngoài ra, nhiều loài rong biển còn giúp cải thiện đáng kể chất lượng và độ trong của nước, đồng thời giảm tác động tiêu cực của ô nhiễm đất liền đối với hệ sinh thái ven biển.

Trước Sway không lâu, Algaeing, một công ty khởi nghiệp tại Israel cũng phát triển loại vải dệt từ tảo biển. Tảo được trồng trong các “trang trại thẳng đứng” chạy bằng năng lượng mặt trời. Đồng nghĩa với việc quá trình sản xuất tảo không chiếm đất nông nghiệp, không sử dụng phân bón và không thải ra carbon. Bằng công thức độc quyền, Algaeing chuyển tảo về dạng lỏng có thể được sử dụng làm thuốc nhuộm hay sợi dệt khi kết hợp với cellulose, một loại sợi thực vật. Hiện tại, tuy các loại sợi dệt làm từ tảo vẫn đắt hơn các loại sợi thông thường như bông, nhưng Krebs tin rằng, tập trung làm ra sản phẩm bền vững sẽ góp phần gia tăng giá trị cho thương hiệu này.

Vải dệt làm từ tảo của Algaeing. Ảnh: CNN
Vải dệt làm từ tảo của Algaeing. Ảnh: CNN

Ngoài Algaeing, Vollebak, một công ty khởi nghiệp khác của Anh cũng đang tập trung đến các sản phẩm bền vững. Năm 2015, Vollebak sản xuất ra sản phẩm áo thun dệt từ sợi gai dầu, nhuộm màu bằng tảo và phân hủy dễ dàng chỉ sau vài tuần.

Bên cạnh các công ty khởi nghiệp với các sản phẩm bền vững kể trên, còn có hàng loạt các thiết kế thời trang từ tảo được kể đến như giày thể thao đúc phun thương hiệu Native của Canada, các trang phục sinh học từ nhà thiết kế Roya Aghighi…

Theo Bloomberg, mỗi năm ngành công nghiệp thời trang tạo ra hơn 100 tỉ bộ quần áo, và trung bình mỗi người trên thế giới sẽ sử dụng khoảng 14 bộ. Các hoạt động công nghiệp thời trang thải ra 10% lượng khí carbon dioxide trên toàn cầu.

Hơn thế nữa khi không còn giá trị sử dụng, phần lớn các rác thải thời trang không được tái chế mà sẽ bị đốt hoặc đưa đến các bãi rác để chôn lấp. Một số trôi dạt, ùn ứ trên các con sông hay bãi biển. Ở Mỹ, chỉ 15% trong tổng số các hàng dệt may thời trang được tái chế.

Có thể bạn quan tâm:

Việt Nam sẽ có thêm 5 khu công nghiệp xanh