Ông Trần Lâm, sáng lập Julyhouse. Ảnh:TL.

 
Phi Vũ Thứ Năm | 22/08/2024 07:30

Ông Trần Lâm, CEO Julyhouse: “Sản phẩm bền vững là chưa đủ”

Mô hình chú trọng tìm đầu ra cho những sản phẩm bền vững có nguồn gốc từ nguyên vật liệu của địa phương.

Julyhouse, đơn vị cung cấp các sản phẩm từ tinh dầu thiên nhiên như bình xịt khử mùi, nước rửa chén, chăm sóc tóc..., mừng sinh nhật lần thứ 7 bằng việc công bố dự án đầu tư vùng trồng sả chanh rộng 3 ha tại huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). 

Động thái này giúp Công ty tự chủ một phần về nguồn cung nguyên liệu và quan trọng hơn, theo ông Trần Lâm, sáng lập Julyhouse, là thực hành phát triển bền vững quy mô vừa phải để tìm mô hình chuẩn trước khi nhân rộng với các sản phẩm nông nghiệp khác.

Vì sao ông lại chọn đầu tư vùng trồng sả chanh ở Châu Đức khi có rất nhiều nông sản khác có thể phát triển ở đây?

Đúng là như vậy. Châu Đức có nhiều sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, ngoài sả chanh còn có tiêu, bắp..., nhưng vấn đề là không nhiều người trẻ ở đây tham gia sản xuất nông nghiệp.

Do vị trí gần TP.HCM và các cảng biển, mức độ đô thị hóa cao cùng với việc nơi đây cũng ít cơ giới hóa nên đất bỏ hoang rất nhiều. Nhu cầu là cần một loại cây trồng dễ chăm sóc, ít tốn sức người và không sử dụng quá nhiều hóa chất. Sả chanh là lựa chọn tốt nhất khi chúng trồng một lần, thu hoạch trong 5 năm và không cần phun các loại thuốc hóa học có hại cho sức khỏe con người. Cứ 2 tháng thu hoạch một lần nên không tốn nhiều công sức như các nhóm cây trồng khác. Thứ đến, xác sả có thể tận dụng ủ lại cho đất.

 

Ai sẽ thu mua sản phẩm sau thu hoạch?

Chắc chắn là chúng tôi. Mỗi một kg lá có giá 1.000 đồng. Với cách thức này, 1 ha sẽ thu hoạch được 20.000 kg lá, tương đương 20 triệu đồng. Như vậy, thu nhập 1 năm vào khoảng 100 triệu đồng/ha. Đó là con số có thể chưa tạo cảm hứng cho nhiều nông dân khi so với các loại nông sản vào thời điểm được giá hay trúng mùa. Tuy nhiên, với sự ổn định về đầu ra, công sức họ bỏ ra không quá nhiều như các loại cây khác, thì đây là lựa chọn rất tốt.

Quan điểm về bền vững ở khía cạnh môi trường là tốt nhưng chưa đủ vì về lâu dài sẽ bế tắc do không tìm được đầu ra sản phẩm hoặc giá thành quá đắt so với sức mua chung. Chúng tôi quan niệm rằng sản phẩm phải có đầu ra thì mới phát triển bền vững được cả về môi trường lẫn con người.

Quan điểm này cũng được áp dụng cho chính tư duy kinh doanh của chúng tôi. Trước đây, ngành này đóng khung trong việc tinh dầu chỉ làm nến hoặc xông hơi nên không tiếp cận được thị trường số đông. Chúng tôi đã cải tiến đưa tinh dầu vào các sản phẩm sử dụng hằng ngày như xịt phòng, nước lau nhà..., từ đó gia tăng tần suất sử dụng của khách hàng với thương hiệu. Việc phát triển vùng trồng và bao tiêu đầu ra không chỉ giúp nông dân mà giúp cả chúng tôi vì tạo dựng được niềm tin với người sử dụng.

 

Sản phẩm này có tiềm năng xuất khẩu?

Ở Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia có thương hiệu về tinh dầu. Thái Lan nổi bật hơn nhờ vào công nghệ chế biến. Tuy nhiên, cơ hội của Việt Nam còn rất lớn dựa vào 3 yếu tố.

Thứ nhất, đất đai thổ nhưỡng ở Việt Nam rất phù hợp cho việc trồng các loại cây gia vị hay tinh dầu có chất lượng cao. Thứ 2, hướng đưa tinh dầu vào các sản phẩm sử dụng hằng ngày như Julyhouse hiện nay thì cơ hội vẫn rộng mở. Thứ 3, chính quyền địa phương hiện có rất nhiều hỗ trợ thiết thực dành cho các dự án phát triển bền vững hiệu quả, thậm chí hỗ trợ chi phí xây nhà xưởng, đầu tư thiết bị công nghệ đối với những dự án có thể tạo ra công ăn việc làm tại chỗ.

Dự án ở huyện Châu Đức sẽ thử nghiệm trong 5 năm. Trong thời gian này, chúng tôi sẽ liên tục cải tạo để tìm ra mô hình tối ưu nhất trước khi nhân rộng. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có kết quả tốt sau thời gian thử nghiệm, khi đó ngoài hướng đến xuất khẩu, chúng tôi sẽ mở sang các nông sản thế mạnh khác của địa phương như tiêu chẳng hạn.
 
Về phía nội bộ Công ty, ông định nghĩa như thế nào về quản trị phát triển bền vững?

Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm với các doanh nghiệp nhỏ và vừa như Julyhouse. Với doanh nghiệp nhỏ, việc đào tạo nhân lực đã rất khó khăn, còn nguy cơ bị đối thủ lôi kéo là chuyện không thể tránh khỏi.

Chúng tôi giải quyết bài toán này bằng việc tạo một môi trường thân thiện, sẵn sàng cho sai lầm để họ phát triển bản thân. Về định lượng, bên cạnh các quyền lợi cơ bản cho người lao động, chúng tôi mong muốn xây dựng mô hình công ty chung cho cả đội ngũ, nên từ năm 2023 chúng tôi bắt đầu việc chia 20% lợi nhuận cho đội ngũ vận hành và năm 2024 chúng tôi thực hiện việc tặng 20% cổ phần cho các nhân sự gắn bó và có đóng góp cho sự phát triển của Công ty.

Thật khó mà mơ về việc phát triển bền vững khi lực lượng nhân sự nòng cốt trong Công ty không ổn định. 

Có thể bạn quan tâm 

Giải pháp mới lưu trữ CO2 vĩnh viễn trong đại dương