Eco-printing là kỹ thuật in hoa văn từ lá cây, hoa cỏ lên bề mặt chất liệu bằng chất cầm màu tự nhiên. Ảnh: TL

 
Hoài Hương Thứ Sáu | 19/02/2021 14:00

Nhà thiết kế Lư Bích Sơn: Đưa Eco-printing vào thời trang Việt

Nhà thiết kế Lư Bích Sơn đã tạo ấn tượng với người yêu thời trang qua hành trình sáng tạo độc đáo.

San Design Garden, thương hiệu do nhà thiết kế Lư Bích Sơn sáng lập, mang đến cảm giác tươi mát và tràn đầy cảm hứng như được ngồi trong khu vườn xanh mướt. Một cái tên chưa quá lớn trong vô số local brand của Việt Nam nhưng với hành trình sáng tạo độc đáo, cũng đủ khiến người yêu thời trang không thể rời mắt.

Nhuộm họa tiết, dấu ấn mới của thời trang Việt

Eco-printing là kỹ thuật in hoa văn từ lá cây, hoa cỏ lên bề mặt chất liệu bằng chất cầm màu tự nhiên mà không cần thêm bất cứ công đoạn xử lý tốn kém nào hay dùng bất kỳ loại mực in nào. Nhờ đó, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất cũng như giảm thiểu lượng nước thải, hóa chất tác động vào môi trường. “Có lẽ việc sinh ra và lớn lên trong một gia đình không khá giả khiến tôi luôn muốn tiết kiệm mọi thứ. Cho nên, hoa lá cỏ cây sau khi cắm rồi mà đem bỏ đi, tôi vẫn thấy tiếc”, chị dí dỏm.

Sự thú vị của kỹ thuật Eco-printing là hình dáng tự nhiên của cây cỏ sẽ in dấu lên vải, tạo ra hoa văn độc bản, bền màu và lưu được mùi hương tự nhiên. “Cái khó của kỹ thuật này chính là việc tính toán đường cắt may để họa tiết in trên chất liệu được như ý muốn. Kỹ thuật này cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn của người thực hiện để bảo đảm họa tiết in ra không bị lem hoặc bị đen, làm hỏng vải”, chị chia sẻ.

 

Tại Việt Nam, đã xuất hiện nhiều thương hiệu thời trang chọn nhuộm chất liệu tự nhiên từ nguồn nhằm kiểm soát được sắc độ màu vải. Tuy nhiên, hình thức Eco-printing như miêu tả ở trên còn khá mới mẻ, vì đòi hỏi dụng công và mất rất nhiều thời gian. “Tôi đã phải thử đi thử lại khá nhiều lần mới có thể rút tỉa được kinh nghiệm cho mình. Nhưng cảm giác khi hiện thực hóa được điều mình muốn cho bạn động lực rất lớn”, chị bộc bạch.

San Design Garden là cái tên mới toanh trong làng thiết kế nhưng ở những sản phẩm đầu tiên, ngay lập tức gây ấn tượng mạnh trong lòng người yêu thời trang. Không chỉ kỹ thuật nhuộm Eco-printing, các chất liệu mà San Design Garden sử dụng đều có nguồn gốc tự nhiên. Cotton, Line, Dupion, Hemp, Silk Haboutai, Silk Sateen... cho quần áo, khăn choàng, khẩu trang...; gỗ, sợi đay, mây, cói, sợi tơ chuối cho giày, nón và các loại phụ kiện.

“Tính thiên nhiên và thủ công là đặc trưng sản phẩm của San Design Garden. Tôi chọn lọc các kỹ thuật thủ công có thể áp dụng dễ dàng cho sản xuất, nên khi làm được một chi tiết thủ công đẹp và khả thi, tôi thực sự rất hạnh phúc”, chị nói.

 

Nhà thiết kế Lư Bích Sơn đã đi khắp các làng nghề, xưởng may lùng sục nguyên liệu nhằm đảm bảo chất lượng cho từng khối vải, từng mét sợi tơ chuối để cho ra sản phẩm ưng ý nhất. “Tất cả đều hướng đến sự thoải mái, mát mẻ (công năng của sản phẩm) vì Sài Gòn nóng quanh năm, nhưng cũng phải đảm bảo yêu cầu bền, dễ bảo quản và thân thiện với môi trường. Tôi luôn ý thức được con người hiện đại rất bận rộn, nên tôi muốn sản phẩm của mình đẹp, thơ, gợi nhớ về những điều kỳ diệu của thiên nhiên mà vẫn có thể giặt được bằng máy”, chị nhấn mạnh.

Đi một đường thật dài để hiểu thời trang

Không giống với nhiều nhà thiết kế trẻ chọn thời trang bền vững làm định hướng ngay ở buổi đầu bước chân vào ngành này, nhà thiết kế Lư Bích Sơn đã đi một quãng khá dài, kinh qua nhiều vị trí ở các hãng thời trang lớn nhỏ tại Việt Nam sau khi tốt nghiệp khoa Mỹ thuật công nghiệp, Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 2003. Chặng đường thời trang của Lư Bích Sơn có thể chia làm 3 giai đoạn: trước và sau năm 2010, từ năm 2019 đến nay.

Nếu giai đoạn trước năm 2010 giúp chị tích lũy kinh nghiệm thực tiễn tại các thương hiệu cao cấp quốc tế ở Việt Nam như SxS, Sống (của nhà thiết kế người Pháp Valerie McKenzie) thì giai đoạn sau đó, chị được thỏa sức sáng tạo khi trở thành nhà thiết kế chính của Valenciani, một thương hiệu thời trang cao cấp của Việt Nam. Năm 2009 chị đến Singapore học thêm về thời trang tại Raffles Desgin Institute.

“Thời gian làm việc tại các hãng, ngoài tính thẩm mỹ cao trong thiết kế, tôi còn học được tinh thần yêu thiên nhiên và phong cách sống lạc quan và lành mạnh”, chị nhớ lại. Công việc ở các hãng cho chị đủ không gian sáng tạo và cũng đủ để chị có cuộc sống thong dong, thư thả. Chị chưa từng nghĩ một ngày nào đó sẽ ra mắt thương hiệu thời trang riêng vì hơn ai hết, chị hiểu để khởi dựng một thương hiệu, tìm một chỗ đứng trên thị trường là điều không dễ. “Nhưng như một cái duyên, điều gì đến sẽ phải đến”, chị chia sẻ.

Ảnh:
Việc trở thành giảng viên tại Học viện Thời trang FACE Fashion Design và một số trường đại học đã giúp nhà thiết kế Lư Bích Sơn làm một cú “flash-back”. Ảnh: TL

Việc trở thành giảng viên tại Học viện Thời trang FACE Fashion Design và một số trường đại học đã giúp nhà thiết kế Lư Bích Sơn làm một cú “flash-back” những gì chị đã làm, những nơi chị đã đi và những điều chị đã trải qua. Nó đánh thức giấc mơ thời thơ bé: sống hài hòa với cỏ cây và yêu vẻ đẹp của từng bông hoa, cái lá kể cả khi chúng tàn phai. Workshop về Eco-printing do Style-Republik tổ chức đã thôi thúc chị phải làm điều gì đó, mới mẻ hơn, thú vị hơn cho thời trang.

“Khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người càng nhiều, thời trang lại là một ngành công nghiệp ô nhiễm nhất nhì, nên tôi luôn trăn trở phải làm một điều gì đó với nghề mà tôi theo đuổi. Tôi nhận ra thiên nhiên quanh mình thật kỳ diệu, những sắc màu, những dáng hình của chúng không chỉ đẹp mà còn có tác dụng xoa dịu, đem đến sự bình yên cho tâm hồn, sự an tâm cho người mặc”, chị chia sẻ.