Theo Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), cho đến năm 2025, chi phí sản xuất hydrogen sạch (bao gồm hydrogen lam và hydrogen xanh) vẫn rất cao. Ảnh: T.L

 
Tuệ Anh Thứ Hai | 19/02/2024 15:11

Lợi thế sản xuất hydrogen xanh từ điện gió ngoài khơi

Với lượng phát thải carbon bằng 0 và hiệu suất chuyển đổi cao, việc sản xuất hydrogen xanh từ điện gió ngoài khơi là giải pháp đang được Việt Nam hướng tới.

Với đặc điểm hàm lượng phát thải carbon bằng 0 và hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao, việc sản xuất hydrogen xanh từ điện gió ngoài khơi là giải pháp tối ưu đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng trong chuyển dịch năng lượng. Đây cũng là một trong những giải pháp đột phá mà Việt Nam hướng đến để đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Trên thế giới, hydrogen đã được nhìn nhận là nguồn năng lượng sạch, không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng của nhiều quốc gia để thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 40 quốc gia ban hành Chiến lược quốc gia về hydrogen cùng các chính sách hỗ trợ về tài chính lớn nhằm hình thành và phát triển ngành công nghiệp hydrogen. Đặc biệt, EU đặt mục tiêu sản xuất hydrogen xanh chiếm từ 13-14% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050 trong khi Nhật và Hàn Quốc đặt mục tiêu phát triển hydrogen sạch, bao gồm hydrogen xanh và hydrogen lam chiếm lần lượt 10% và 33% trong cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2050.

xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi gắn với phát triển đồng bộ sản xuất hydrogen xanh sẽ mang lại hiệu quả.
Xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi gắn với phát triển đồng bộ sản xuất hydrogen xanh sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: CESTI

Tại Việt Nam, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi. Theo Dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất năng lượng hydrogen và các nhiên liệu có nguồn gốc hydrogen tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, gần với khách hàng tiêu thụ lớn để hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen đồng bộ từ sản xuất đến tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen; phấn đấu sản lượng hydrogen sản xuất từ các quá trình sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh; quá trình khác có thu giữ carbon đạt 100.000-500.000 tấn vào năm 2030 và định hướng khoảng 10-20 triệu tấn vào năm 2050.

Dự thảo cũng đề xuất định hướng phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, sử dụng và cơ sở hạ tầng tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen, trong đó phấn đấu công suất hydrogen sản xuất từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác đạt khoảng 100.000-500.000 tấn/năm vào năm 2030; định hướng đến năm 2050 đẩy mạnh triển khai áp dụng và làm chủ công nghệ tiên tiến sản xuất, sử dụng năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam.

Theo Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), cho đến năm 2025, chi phí sản xuất hydrogen sạch (bao gồm hydrogen lam và hydrogen xanh) vẫn rất cao. Cụ thể, chi phí sản xuất hydrogen lam và hydrogen xanh tại Việt Nam vẫn cao gấp lần lượt 1,3 và 2,1 lần so với hydrogen xám (hydro được sản xuất bằng nhiên liệu hóa thạch như khí đốt tự nhiên hoặc than đá, chiếm khoảng 95% lượng hydro được sản xuất trên thế giới). Vì vậy, để hydrogen sạch có thể phát triển và dần hoàn thiện tại Việt Nam, việc thực thi các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ là cần thiết nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của các nguồn hydrogen sạch.

Hiện giá thành sản xuất điện gió ngoài khơi trên thế giới nhìn chung vẫn cao. Tuy nhiên, xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi gắn với phát triển đồng bộ sản xuất hydrogen xanh sẽ mang lại hiệu quả. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ cần sớm có cơ chế cụ thể để phát triển điện gió ngoài khơi, điện gió gắn với sản xuất hydrogen xanh.

Có thể bạn quan tâm:

Giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam bắt đầu sôi động