Cháy rừng tại California. Ảnh: Reuters.
Liên Hợp Quốc cảnh báo nạn cháy rừng có khả năng tăng gấp ba lần vào năm 2050
Những đợt cháy rừng đã tàn phá California, Úc và Siberia có xu hướng xảy ra nhiều hơn 50% vào cuối thế kỷ XXI. Theo báo cáo của Liên hợp quốc với hơn 50 nhà nghiên cứu quốc tế, cuộc khủng hoảng khí hậu leo thang và thay đổi sử dụng đất đang làm gia tăng các vụ cháy rừng nghiêm trọng trên toàn cầu, dự đoán tăng 14% vào năm 2030 và tăng 30% vào năm 2050.
Kết quả cho thấy cần có một sự thay đổi căn bản trong chi tiêu công cho các vụ cháy rừng. Các chính phủ hiện đang đặt tiền không đúng chỗ, bằng cách tập trung vào các dịch vụ cứu trợ khẩn cấp trong khi ngăn chặn hỏa hoạn mới là cách tiếp cận hiệu quả hơn.
Một gia đình trú ẩn trong trận cháy rừng dữ dội ở Tasmania năm 2013. Ảnh: Tim Holmes / AP. |
Ở mọi châu lục, cháy rừng như trở thành một phần không mấy gì xa lạ trong cuộc sống của người dân, ngoại trừ Nam Cực. Từ Úc đến Canada, Mỹ đến Trung Quốc, khắp châu Âu và Amazon, cháy rừng phá hủy môi trường, động vật hoang dã, sức khỏe con người và cơ sở hạ tầng, theo báo cáo được viết với sự hợp tác của GRID-Arendal, một trung tâm truyền thông môi trường phi lợi nhuận. Báo cáo cảnh báo về sự thay đổi mạnh mẽ của hỏa hoạn trên toàn thế giới, mặc dù tình hình nói chung có vẻ cực đoan nhưng chưa hẳn là vô vọng.
Mặc dù cháy rừng đôi khi là yếu tố cần thiết để một số hệ sinh thái hoạt động bình thường, nhưng những đám cháy bất thường gây rủi ro cho xã hội, nền kinh tế và môi trường. Trong tháng này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự nóng lên toàn cầu có thể gây ra đám cháy lớn nằm ngoài khả năng dập tắt tại miền nam California. Ở Mỹ, gần 3,7 triệu ha rừng đã bị cháy vào năm ngoái, với những ngọn lửa ngày càng trở nên khó kiểm soát.
Các hoạt động ứng phó trực tiếp với cháy rừng hiện nhận được hơn 50% kinh phí, trong khi lập kế hoạch và phòng ngừa chỉ nhận được ít hơn 1%. Các khoản đầu tư cần được cân bằng lại, với một nửa kinh phí tiếp tục dành cho lập kế hoạch, phòng ngừa và chuẩn bị, khoảng một phần ba là đối phó và 20% để phục hồi.
Giáo sư Sally Archibald, một nhà sinh thái học tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, người tham gia báo cáo, cho biết: “Đây là một kết luận thực sự quan trọng mà tôi hy vọng sẽ chuyển hướng tiền và nguồn lực đi đúng hướng, cũng như thay đổi chính sách. Chúng tôi không thể hứa rằng nếu thế giới bỏ tiền để chủ động kiểm soát đám cháy, thì sẽ không còn những vụ cháy nghiêm trọng nữa, vì những đám cháy này là do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Nhưng nó chắc chắn sẽ giúp giảm thiểu tác động và thiệt hại.”
Có nhiều giải pháp tự nhiên, bao gồm bắt đầu các đám cháy có kiểm soát bằng cách đốt theo quy định, quản lý cảnh quan bằng cách chăn thả gia súc để giảm tác nhân gây cháy trong khu vực, cũng như phát quang cây cối quá gần nhà dân.
Các tác giả của bài báo trước Hội đồng Môi trường LHQ tại Nairobi, cho biết cần có nhiều hệ thống giám sát dựa trên khoa học kết hợp với kiến thức bản địa và hợp tác quốc tế tốt hơn.
Các chiến lược quản lý hỏa hoạn sẽ khác nhau trên toàn cầu, nhưng theo nguyên tắc chung, các chuyên gia tin rằng các hệ sinh thái càng gần xích đạo càng nên có nhiều đám cháy được kiểm soát hơn. Trong đó có rừng nhiệt đới Amazon là ngoại lệ, nằm giữa đường xích đạo nhưng không nên gây cháy có chủ đích.
“Lửa cũng giống như mưa - bạn có thể gặp các loại lửa khác nhau ở những nơi khác nhau trên thế giới ” ông Archibald nói.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy khói ở phía đông bắc nước Nga. Hỏa hoạn bắt đầu vào tháng 5 năm ngoái khi tuyết tan ở Yakutia. Đến tháng 8, những đám cháy đã thiêu rụi phần lớn rừng thông. Ảnh: Aqua / Modis / Nasa. |
Cháy rừng đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu bởi nó phá hủy các hệ sinh thái giàu carbon như vùng đất than bùn, lớp băng vĩnh cửu và rừng, khiến cảnh quan dễ cháy hơn. Phục hồi các hệ sinh thái như đất ngập nước và đất than bùn giúp ngăn chặn hỏa hoạn xảy ra.
Biến đổi khí hậu làm tăng các nguyên do dẫn đến cháy rừng, bao gồm hạn hán nhiều hơn, nhiệt độ không khí cao hơn và gió mạnh. Tương tự, lượng khí thải carbon từ cháy rừng đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là một ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng chống cháy rừng, báo cáo cho biết.
Điều này cũng kêu gọi các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe tốt hơn cho các nhân viên cứu hỏa, bao gồm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của việc hít phải khói, giảm tiếp xúc với các tình huống đe dọa tính mạng và hỗ trợ phục hồi thích hợp giữa các ca làm việc.
Nguồn The Guardian