Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ nên cần có sự hướng dẫn, đào tạo để thay đổi tư duy, thói quen sử dụng nhiều hóa chất. Ảnh: T.L

 
Cẩm Tú Thứ Sáu | 19/08/2022 14:33

Làm nông nghiệp xanh để tối ưu hóa nguồn lực

Nông nghiệp xanh sẽ sản xuất thực phẩm nhiều và chất lượng hơn, nhưng tốn nguyên liệu và đóng góp lượng phát thải khí nhà kính ít hơn.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm, nông nghiệp Việt Nam phát thải 88,6 triệu tấn CO2. Nếu điều chỉnh con số này xuống thấp hơn trong tương lai, ngành nông nghiệp có thể dần hướng đến một nền nông nghiệp sạch, xanh.

Để phát triển một nền nông nghiệp xanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt mục tiêu đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm vô cơ chuyển dần sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ, có 30% thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục sản xuất, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đạt 20% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng hàng năm.

Từ nền nông nghiệp thâm dụng tài nguyên chuyển sang nông nghiệp xanh, Việt Nam gặp nhiều thách thức. Ảnh: T.L
Từ nền nông nghiệp thâm dụng tài nguyên chuyển sang nông nghiệp xanh, Việt Nam gặp nhiều thách thức. Ảnh: T.L

Tuy nhiên theo ý kiến người trong ngành, từ nền nông nghiệp thâm dụng tài nguyên chuyển sang nông nghiệp xanh, Việt Nam gặp nhiều thách thức. Trước hết, một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, áp dụng cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến cần có cơ sở hạ tầng tương ứng và hệ thống logistics hiệu quả. Tiếp đến là cần thay đổi tư duy và thói quen của nông dân. Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ nên cần có sự hướng dẫn, đào tạo để thay đổi tư duy, thói quen sử dụng nhiều hóa chất sang sản xuất sinh thái, tuần hoàn, tạo thêm giá trị gia tăng mà lại giảm được phát thải khí nhà kính.

Theo nhận xét của Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiện nay nông dân Việt Nam đã bắt đầu rút kinh nghiệm khi sản phẩm của mình xuất khẩu sang các thị trường khó tính bị trả về với lý do vi phạm về các chất cấm, chất lượng không đảm bảo… Nhiều người nông dân đã nhận thấy cần phải thay đổi trong sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh. Lúc này, cần đưa nông dân vào các hợp tác xã, tổ đoàn kết sản xuất… để cùng sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch.

Sản xuất nông nghiệp không phát thải, nông dân cũng có thể được thụ hưởng từ việc bán tín chỉ cac-bon.  Ảnh: T.L
Sản xuất nông nghiệp không phát thải, nông dân cũng có thể được thụ hưởng từ việc bán tín chỉ cac-bon. Ảnh: T.L

“Khi nông dân cùng tham gia sản xuất với quy trình chuẩn thì sản phẩm của họ sẽ được tiêu thụ bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với giá cao hơn. Khi liên kết sản xuất, nông dân sẽ được áp dụng những khoa học kỹ thuật mới. Sản xuất nông nghiệp không phát thải, nông dân cũng có thể được thụ hưởng từ việc bán tín chỉ carbon. Việc bán tín chỉ carbon cũng thu được khoản tài chính cho nông dân nhưng cái được lớn hơn là giúp cho không khí, môi trường nước sạch, phù hợp với sinh thái tự nhiên.”, Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích.

Hiện nay, năng suất trung bình từ canh tác hữu cơ thấp hơn khoảng 20% so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng có nhiều cách giải để quyết vấn đề này thông qua nông học, phát triển các giống năng suất cao cho nông nghiệp hữu cơ, đào tạo và khuyến khích người nông dân. Chẳng hạn với những phát minh mới về phân bón hữu cơ, nông dân ở nhiều vùng Ấn Độ có thể trồng được nhiều vụ mùa hơn, ổn định hơn mà không cần dùng tới phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay khai thác lượng lớn nước ngầm vốn hạn hẹp. Trung bình sản lượng lúa tăng 30-40% mỗi năm kể từ khi nông dân ở đó chuyển đổi sang canh tác hữu cơ trong khi các chi phí cho sản xuất nông nghiệp cũng giảm 35%.

Tại Việt Nam, gần đây các sản phẩm của thương hiệu Huy Long An như chuối Fohla, bưởi da xanh đã đảm bảo đạt 141 tiêu chí về an toàn thực phẩm và an toàn môi trường sản xuất, nên đã được các doanh nghiệp nhập khẩu của Nhật Bản lựa chọn. Để có kết quả này, Huy Long An lựa chọn hướng sản xuất tuần hoàn từ nuôi bò, sử dụng phân bò đã được xử lý bằng men vi sinh, bón cho vườn chuối và bưởi da xanh, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật vô cơ.

Có thể bạn quan tâm:

Phát triển bền vững là sự “sống còn” của doanh nghiệp