Trang trại xanh của Vinamilk tại Đà Lạt được đầu tư lớn nhằm hướng đến mô hình bền vững.

 
Akrum Helfaya & Phượng Bùi Thứ Sáu | 30/12/2022 14:08

Hành động xanh, đừng nói chuyện xanh!

Chiến lược của doanh nghiệp đang áp dụng và thực hiện các cam kết phát triển bền vững còn nặng về tính biểu tượng thay vì thực chất triển khai.

Trong báo cáo mới nhất, Liên Hiệp Quốc vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ các quốc gia sẽ không đạt được Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030. Cụ thể, nỗ lực của các quốc gia trong việc thông qua và thực hiện hóa SDG đã giảm đi do tác động của đại dịch COVID-19, khủng hoảng tài chính, khủng hoảng năng lượng bởi xung đột ở Ukraine. Đáng chú ý hơn nữa là các nước “đang phát triển" đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, như tăng trưởng kinh tế yếu, lạm phát gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng và nợ gia tăng, làm giảm mạnh cơ hội việc làm, kiệt quệ tài chính và bất ổn kinh tế. 

Do đó, đây là thời điểm cấp bách để chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp đề xuất và thực hiện “kế hoạch khả thi” thay vì chỉ đưa ra kế hoạch để giải quyết những vấn đề quan trọng cũng như qua đó giúp các doanh nghiệp tăng khả năng hiện thực hóa và đạt được các SDG.

Vào tháng 5/2017, Việt Nam đã thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia (NAP) hướng tới SDG nhằm thể hiện nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện SDG. Ngày nay, doanh nghiệp được coi là động cơ chính để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững này. Sau khi NAP được xây dựng, các công ty Việt Nam bắt đầu thể hiện sự cam kết thực hiện.

Chẳng hạn, Tập đoàn FPT đưa ra tuyên bố chung về nhận thức SDG trong báo cáo thường niên gần đây: “Các mục tiêu phát triển bền vững kêu gọi hành động toàn cầu hướng đến một tương lai phát triển bền vững của tất cả các quốc gia vào năm 2030. Là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT sẵn sàng tham gia và đóng vai trò trong tất cả 17 mục tiêu thiên niên kỷ này”.

Trang trại điện gió tại Trà Vinh.
Trang trại điện gió tại Trà Vinh.

Tương tự, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) nhấn mạnh: “Đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến nghèo đói, biến đổi khí hậu, thực phẩm và an ninh dinh dưỡng là một thách thức không hề nhỏ trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ lên hầu hết các khía cạnh cuộc sống. Tính đến năm 2030, chỉ còn 12 năm để các quốc gia, các doanh nghệp vàcác bên liên quan ở các cấp nỗ lực tăng tốc triển khai những hành động cấp thiết nhằm đạt được mục tiêu chung”.

Vào thời điểm hiện tại, xếp hạng của Việt Nam trên Bảng chỉ số SDG toàn cầu khá thấp so với mức trung bình và nằm ở vị trí thứ 88. Kể từ năm 2017, xếp hạng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể nhờ thực hiện NAP. Ngoài ra, Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 55 (chỉ số SDG: 72.8), bằng với điểm của năm 2021.

Kể từ năm 2015, các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á đã đạt được tiến bộ trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững so với các quốc gia ở khu vực khác. Cụ thể, trongsố các quốc gia Đông Nam Á, xét về chỉ số SDG, Việt Nam nằm ở vị trí thứ 2, xếp sau Thái Lan vào năm 2021 và 2022.

Ở giai đoạn hiện tại, 84% doanh nghiệp trong bài nghiên cứu chỉ tham gia không hoàn toàn vào 17 SDG (chỉ tập trung vào các mục tiêu cụ thể) như giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy, nhìn chung các doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai kế hoạch và chiến lược chưa thực sự gắn kết với các mục tiêu phát triển bền vững và điều này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của Việt Nam trong việc đạt được SDG.

Giảng viên Phượng Bùi, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, cho biết: “Sau khi xem xét mục trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) thuộc báo cáo thường niên, có một lo ngại đặt ra: Liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thực sự đang nỗ lực đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan về trách nhiệm xã hội và môi trường? Hay chỉ là để lấp kín các nội dung của báo cáo?".

Ngoài ra, ở cấp độ ngành, việc công bố thông tin liên quan đến SDG không giống nhau giữa các doanh nghiệp, do phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh hơn là bản chất của ngành. Hơn nữa, các công ty hoạt động trong những ngành có độ nhạy cảm với môi trường ở mức cao muốn chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến SDG hơn so với các ngành có độ nhạy cảm với môi trường ở mức trung bình và thấp.

Một phân tích các doanh nghiệp về nỗ lực thực hiện SDG chỉ ra rằng, các công ty chủ yếu tập trung vào cải thiện: Mục tiêu 1 - Xóa nghèo, Mục tiêu 8 - Tăng trưởng kinh tế và Mục tiêu 13 - Hành động về khí hậu. Đồng thời, 8% doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu hoàn toàn cam kết với SDG (bao gồm STB, VNM, VCS, PDR, NTP, BVH, TNG, PVD), chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức và bắt đầu hòa nhập với các mục tiêu phát triển bền vững.

Vì vậy, Tiến sĩ Akrum Helfaya, Đại học Keele (Anh), cho biết: “Các doanh nghiệp Việt Nam hầu như đang áp dụng “nói chuyện xanh - green talk” chứ không phải “hành động xanh - green action”. Điều này chứng tỏ các chiến lược của doanh nghiệp đang áp dụng và thực hiện để đạt 17 SDG của Liên Hiệp Quốc chỉ mang tính biểu tượng thay vì thực chất triển khai và tuân theo!”.

 

Để biến lời nói thành hành động hiệu quả, doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng thông tin được công bố về SDG như một công cụ chiến lược để tăng cường tính hợp pháp và thực sự đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan. Các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nhạy cảm với môi trường ở mức độ cao nên chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến SDG hơn để tăng cường tính hợp pháp cũng như xây dựng lòng tin của các bên liên quan. 

Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và các nhà thiết lập tiêu chuẩn nên hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng và lồng ghép SDG vào các mô hình và chiến lược kinh doanh. Những nhà hoạt động xã hội dân sự, truyền thông và môi trường Việt Nam cần đóng vai trò tích cực để theo dõi và giám sát các kế hoạch và chiến lược hành động của doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và cải thiện phúc lợi của người dân