Ảnh: T.L

 
Cẩm Tú Thứ Tư | 14/02/2024 15:43

Giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam bắt đầu sôi động

Một số dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập được các đơn vị giao dịch theo cơ chế tự nguyện đã xuất hiện.

Mới đây, ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thương mại (Intraco) cho biết: Một công ty thành viên của Intraco đã ký kết hợp tác thỏa thuận với Citigroup phát triển dự án chống biến đổi khí hậu, gồm Chương trình bếp sạch Việt Nam và Chương trình cung cấp nước uống an toàn cho người dân. Dự án dự kiến tạo ra khoảng 26,6 triệu tín chỉ carbon từ việc phân phối khoảng 850.000 bếp và 364.000 máy lọc nước cho các gia đình.

Theo hợp đồng đã ký, công ty thành viên này sẽ nhận 20,8 triệu USD và chuyển giao cho Citigroup 7,9 triệu tín chỉ carbon trong 3 năm 2022, 2023, 2024. Tính đến thời điểm hiện nay, công ty đã chuyển giao cho Citigroup hơn 1 triệu tín chỉ carbon. Cũng theo ông Dũng, giao dịch giữa hai bên đang theo cơ chế tự nguyện. Việt Nam cũng đã thử nghiệm mô hình mua bán tín chỉ carbon. Đó là Thỏa thuận thanh toán giảm thiểu phát thải (ERPA) với Quỹ Đối tác carbon rừng thuộc Ngân hàng Thế giới ký vào tháng 10-2020. Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải CO2 từ 6 tỉnh Bắc Trung bộ cho đến năm 2025 để nhận 51,5 triệu USD.

Một giao dịch đáng chú ý khác là tỉnh Quảng Bình cũng mới nhận được hơn 82 tỉ đồng cho nỗ lực giảm phát thải nhà kính, trở thành địa phương đầu tiên ở Việt Nam nhận thanh toán theo ERPA. 

Tháng 10/2023, Tập đoàn CT Group đã chính thức ra mắt Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon Asean (CCTPA). Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc CCTPA cho biết sàn CCTPA được thành lập dựa theo Quyết định số 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng về phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Sàn CCTPA có một số nhiệm vụ như: đánh giá môi trường và khí thải carbon, tính toán đo lường khí thải; báo cáo và xác nhận sau khi đo lường, tư vấn dự án carbon và sẽ trình cơ quan chức năng chứng nhận hoặc tổ chức quản lý carbon để xác nhận kết quả… 

Cũng theo ông Trường An, từ khi sàn CCTPA thành lập đã có khoảng 10 doanh nghiệp FDI lớn, có lượng phát thải nhà kính nhiều liên hệ để tìm kiếm nguồn tín chỉ carbon trong ngắn hạn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt sẽ chịu ảnh hưởng bởi thuế carbon khi xuất khẩu sang châu Âu.

Theo Sở TN-MT TPHCM, sau khi Nghị quyết 98/2023/QH15 được ban hành, UBND TPHCM đã có Quyết định số 2856/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, trong đó giao Sở Tài chính, Sở TN-MT chủ trì xây dựng Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Trên cơ sở 6 tiêu chí lựa chọn các dự án, Phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tham mưu lãnh đạo sở để cùng các sở ngành đề xuất lựa chọn 2 dự án tiềm năng là: dự án thay thế đèn đường LED và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công sở.

Theo tính toán, chỉ riêng đối với 2 dự án được lựa chọn thí điểm nêu trên, tổng lượng giảm phát thải CO2 trong 10 năm dự kiến gần 1 triệu tấn CO2 với nguồn thu chỉ riêng từ bán tín chỉ carbon có thể đến 220 tỉ đồng (chưa tính phần tiết kiệm điện).