Ngọc Thủy Thứ Năm | 06/10/2022 14:00

Đòn bẩy cạnh tranh ESG

Nhiều doanh nghiệp dần nhận ra giá trị của phát triển bền vững và tận dụng yếu tố ESG để tạo ra sự khác biệt nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Dù không phải là hội nghị đầu tiên về chủ đề ESG nhưng khách tham dự sự kiện do Deloitte Việt Nam tổ chức gần đây vẫn ngồi đông đủ đến phút cuối cùng để nghe những câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng còn rất mới. Bởi lẽ, trong hầu hết các giao dịch trên toàn cầu, ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) đang trở thành yếu tố ưu tiên hàng đầu.

Căn cứ vào số liệu khảo sát của các sở giao dịch chứng khoán trên toàn cầu, bà Trần Anh Đào, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, cho rằng thế giới đang chuyển dần sự chú ý đến ESG, nhất là yếu tố môi trường trong mọi cuộc đàm phán, giao dịch.

Môi trường: Vấn đề ưu tiên nhất

 

Ông Guy Williams, Giám đốc Khí hậu và Phát triển bền vững của Deloitte, cho rằng yếu tố môi trường là câu chuyện được quan tâm nhiều nhất lúc này. Người tiêu dùng cũng đang dành sự ưu ái cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Kết quả nghiên cứu của Deloitte cho thấy hơn 70% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen mua sắm theo hướng bảo vệ môi trường. Họ bày tỏ thiện cảm với công ty biết quan tâm đến lợi ích xã hội và sẵn lòng chi tiền nhiều hơn để chọn các thương hiệu, nhãn hàng bền vững.

Còn đối với nhà đầu tư, đầu tư có trách nhiệm là xem xét cả yếu tố khí hậu và phát triển bền vững khi quyết định rót vốn. Dragon Capital chỉ ưu tiên đầu tư vào những công ty đáp ứng được tiêu chí ESG của IFC. Theo ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Dragon Capital, Công ty là quỹ đầu tư có trách nhiệm và chú ý đến yếu tố biến đổi khí hậu còn vì nếu phải trả thuế CO2, mỗi năm Dragon Capital có thể tốn tới 9,2 triệu USD. Các công ty trong danh mục đầu tư của Dragon Capital đang thải ra môi trường mỗi năm hàng trăm ngàn tấn khí CO2. 

Ông Phương Tiến Minh, Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam, xác nhận, Prudential thông qua Công ty quản lý quỹ Eastspring Việt Nam thiết lập Ủy ban ESG để giám sát các hoạt động đầu tư cũng như tiếp tục đẩy mạnh vận động và đưa tài chính xanh (Green Finance) trở thành 1 trong 3 sáng kiến quan trọng của Prudential ở Việt Nam. Công ty cũng tích cực hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, nhằm giúp Việt Nam đạt đến mục tiêu không phát thải khí nhà kính (Net Zero) vào năm 2050.

 

Giảm mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, loại bỏ điện than đến năm 2040 là những cam kết của Việt Nam tại COP26. Để thúc đẩy việc tuân thủ và công bố thông tin về ESG, bên cạnh Thông tư 96, Việt Nam còn ban hành hàng loạt nghị định, quyết định, thông tư khác. Bà Trần Anh Đào cho biết thêm, Sở Giao dịch Chứng khoán ASEAN đã đồng tình hợp nhất chuẩn mực về báo cáo ESG cho khu vực Đông Nam Á. Đến khoảng cuối năm sau, Việt Nam sẽ có bộ chuẩn chung dành cho thị trường vốn. 

Rõ ràng, những yêu cầu về thực thi và công bố ESG sẽ ngày càng chặt chẽ và đòi hỏi cao hơn. Bù lại, khi tham gia, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo được danh tiếng, thậm chí có thể đón được dòng vốn 121.000 tỉ USD từ PRI - tổ chức quy tụ hơn 3.800 công ty/định chế tài chính khắp thế giới và chỉ đầu tư theo các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc. 

Thực hành ESG như một ADN
Không phải ngay lúc này, nhiều công ty ở Việt Nam đã sớm chuẩn bị để tiến tới xanh hóa doanh nghiệp. Trở thành một ví dụ điển hình trong thực hành ESG, nhưng cách đây 15 năm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của REE, không hề biết ESG là gì mặc dù REE sản xuất máy lạnh và nhiều thiết bị sử dụng điện khác. Nhưng giờ đây, bà hiểu rằng bất cứ ai cũng có thể tác động đến môi trường, từ những việc nhỏ như mở máy lạnh đến bật bóng đèn.

REE cũng dần chuyển hướng đầu tư năng lượng tái tạo dù chi phí để tạo ra 1 KW điện gió là khá đắt. Nỗ lực của REE đã được đền đáp khi cùng với công nghệ phát triển nhanh, chính sách thay đổi, REE và các công ty trong ngành đã tăng tốc, tạo ra 20 GW năng lượng sạch chỉ sau 3 năm.

Với Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), câu chuyện ESG là câu chuyện trách nhiệm xã hội. Bà Cao Thị Ngọc Dung, người đứng đầu ở PNJ, đã triển khai CSR (trách nhiệm xã hội) từ rất sớm và sau một hành trình dài, CSR đã trở thành ADN trong văn hóa và con người của PNJ. Trong đại dịch COVID-19, ADN ấy được biểu lộ mạnh mẽ. Tháng 6/2021, khi toàn thành phố phải đóng cửa vì dịch COVID-19 bùng phát, PNJ đã mở chuỗi siêu thị 0 đồng để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Sâu hơn nữa, PNJ đã gắn kết ESG với chiến lược kinh doanh và quản trị rủi ro ở doanh nghiệp. Năm 2022, PNJ đã lập Tiểu ban ESG trực thuộc Hội đồng Quản trị và cắt hẳn 1 thành viên Hội đồng Quản trị chuyên trách. 

Liên quan đến môi trường, từ năm 2017, PNJ triển khai chương trình thu gom bụi vàng và tiết kiệm được vài triệu USD mỗi năm. Ban đầu, PNJ phải tốn thêm chi phí cho đầu tư thiết bị trong nhà vệ sinh, hành lang..., chưa kể các chi phí vận hành.

Bài toán đặt ra cho PNJ là làm sao để không xem khoản đầu tư ấy là chi phí? PNJ đã nhìn vào một tài sản khác. Đó là ý thức của nhân viên, là sự tỉ mỉ rất cần có trong ngành vàng. Từ tài sản vô hình này, ông Lê Trí Thông cho biết, PNJ chuyển tài sản ấy qua câu chuyện kinh doanh và tối ưu hóa vận hành. Như vậy, PNJ đổ tiền vào môi trường, vào ESG nhưng sẽ thu về ở chỗ khác. Theo ông Thông, nếu chỉ nhìn nửa chu trình và thấy các khoản chi ra cho ESG là chi phí thay vì là đầu tư, doanh nghiệp sẽ bỏ cuộc trước khi thu về lợi ích.