Trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ, giá điện gió được cho là sẽ rẻ hơn. Ảnh: T.L

 
Cẩm Tú Thứ Ba | 23/08/2022 10:58

Bài toán cân bằng của điện gió

Chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than có thể tốn 64 tỉ USD từ đây đến năm 2040.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới vừa công bố, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng tới phát thải ròng bằng 0 có thể lên tới 368 tỉ USD trong giai đoạn 2022-2040, xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.

Chỉ tính riêng lộ trình xây dựng khả năng chống chịu sẽ chiếm khoảng 2/3 số tiền này vì cần huy động lượng vốn đáng kể để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương. Chi phí của lộ trình khử carbon chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng gồm chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than, có thể tiêu tốn khoảng 64 tỉ USD từ năm 2022 đến năm 2040.

 

Phân tích của các chuyên gia WB cho thấy sẽ cần khoảng 166 tỉ USD (giá trị hiện tại) để đầu tư cho ngành điện tới năm 2040 để chuyển dịch theo các mục tiêu của COP26. Con số này đang cao hơn khoảng 50% so với con số 109 tỉ USD được ước tính theo kịch bản trong dự thảo Quy hoạch điện VIII sơ bộ. Khi đó, giá điện trung bình cũng có thể tăng khoảng 25% vào năm 2040. Theo đó, câu hỏi đặt ra là phải làm sao để cân bằng giữa chuyển dịch năng lượng và đảm bảo an sinh xã hội, cũng như giá thành hợp lý của năng lượng để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng, song hành với việc chuyển đổi thành một nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 của Chính phủ. 

WB cho rằng Việt Nam còn có tiềm năng to lớn về gió thổi từ đất liền ra biển. Phân tích cho thấy khoảng 370 GW năng lượng tái tạo có thể được tạo ra thêm vào năm 2040 để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Đại diện WB đánh giá, thời gian qua, Việt Nam đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ như việc áp dụng giá ưu đãi FIT với điện gió, góp phần tạo ra sự "bùng nổ" về phát triển nguồn năng lượng này. Thế nhưng, do thời gian áp dụng các cơ chế này khá ngắn, cộng với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 suốt 2 năm vừa qua khiến cho nhiều dự án lâm cảnh “lỡ hẹn giá FIT”. Cơ chế chính sách cho điện gió sau đó đang chậm ban hành, khiến nhà đầu tư không thể hoạch định ra các kế hoạch đầu tư trong tương lai"

Việc đẩy nhanh tiến độ bằng mọi giá đã làm nảy sinh vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai tại hàng loạt dự án điện gió ở Tây Nguyên. Ảnh: T.L
Việc đẩy nhanh tiến độ bằng mọi giá đã làm nảy sinh vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai tại hàng loạt dự án điện gió ở Tây Nguyên. Ảnh: T.L

Trong số 29 dự án điện gió, với hơn 85.000 tỉ đồng đã được đầu tư các tỉnh Tây Nguyên, điểm nóng điện gió thời gian qua, có tới 15 dự án bị lỡ tiến độ, không thể phát điện. Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, khả năng phát của điện gió rất thấp. Tính đến tháng 4 năm nay, không nhiều thời điểm hệ thống đạt được 50% tổng công suất, có lúc chỉ đạt 0,37%. Kết quả này mâu thuẫn rất lớn với số liệu khảo sát gió, đánh giá khả năng phát điện đã được thực hiện trước đó, nhất là ở Tây Nguyên, nơi các dự án đều báo cáo rằng có khả năng phát điện trên 5.000 h mỗi năm.

Chẳng hạn, từ một tỉnh đầy hứa hẹn về điện gió, nay Đăk Nông là nơi các doanh nghiệp bị sa lầy nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. Cùng với thua lỗ của doanh nghiệp về kinh tế là những phức tạp gia tăng về an ninh trật tự tại địa phương, gồm xung đột chưa có hồi kết trong khâu giải phóng mặt bằng và nhiều trường hợp vi phạm ở khung hình sự đang chờ xét xử, khi họ đã phá nhà dân để thi công điện gió.

Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông thừa nhận, điện gió là lĩnh vực đầu tư công nghiệp rất mới tại địa phương, quá trình triển khai đã chưa tính toán hết các kịch bản, rủi ro. Việc triển khai 6 dự án với tổng công suất 430MW giai đoạn vừa qua trên địa bàn tỉnh có nhiều bất cập, đặc biệt là việc nhà đầu tư làm tắt, tự ý nâng mức giá đền bù khi giải phóng mặt bằng, dẫn đến phản tác dụng.

Nhiều ý kiến trong ngành cho biết: “Các doanh nghiệp chạy theo làn sóng săn giá FIT, lách luật để đầu tư, mua bán, sang nhượng dự án; các địa phương chấp nhận làm tắt, để doanh nghiệp đảo ngược quy trình, bất chấp các rủi ro… Nếu thành công thì doanh nghiệp thu lợi nhuận, địa phương nhận thành tích, mà thất bại thì lại đổ lỗi và kêu cứu!”.

Có thể bạn quan tâm: 

Làm nông nghiệp xanh để tối ưu hóa nguồn lực