TP.HCM sẽ xây dựng 7 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha. Ảnh: PPL.

 
Cẩm Tú Thứ Hai | 10/07/2023 10:46

Vướng cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp logistics khó chuyển đổi số

Việt Nam mới có khoảng 40% doanh nghiệp logistics đang sử dụng các loại hình công nghệ, khiến cho năng lực cạnh tranh toàn ngành chưa cao.

Vừa qua, tại một Hội thảo về dịch vụ logistics, các chuyên gia ước tính Việt Nam chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics đang sử dụng các loại hình công nghệ khác nhau, nên chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển. Theo đại diện Bộ Công Thương, nếu chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp có thể rút ngắn thời gian chờ tại cảng lên tới 70%.

Ông Trương Nguyên Linh, Phó ban Nghiên cứu - Đào tạo, Hiệp hội Logistics TP.HCM cho biết, điều kiện tiên quyết trong phát triển logistics là phải nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong đó, những dự án xây dựng các trung tâm logistics TP.HCM đang thiết lập phải được hiện thực hóa, tiến hành nhanh. Dựa vào điều kiện này, doanh nghiệp mới có điều kiện để áp dụng chuyển đổi số nhằm kéo giảm các bước công việc, nghiệp vụ thủ công dư thừa hiện tại. 

 

“Doanh nghiệp sẽ nâng cấp một số hệ thống thực hiện giao dịch bằng hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến, áp dụng hệ thống mã vạch, công nghệ A.I trong thông quan điện tử, theo dõi quản lý hàng hóa… Nếu làm tốt sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu công việc tay chân chiếm một phần chi phí khá lớn; giảm thời gian và rủi ro liên quan đến giao dịch tài chính; tăng tính chính xác và tốc độ xử lý", ông Linh nhận định.

Tương tự, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Văn Tài, Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP.HCM cho biết, chuyển đổi số trong logistics là quá trình sử dụng công nghệ số hóa để cải thiện hiệu quả và tăng cường quản lý trong hoạt động vận chuyển, thông quan hàng hóa. Việc này góp phần tăng cường hiệu quả và năng suất, nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, tăng cường quản lý an ninh, bình đẳng trong tiếp cận.

TP Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025
TP.HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025. Ảnh: T.L.

Có thể thấy, Singapore xây dựng hệ thống thông tin đồng nhất và tích hợp, phát triển hệ thống thông tin liên ngành; Hà Lan áp dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) và hệ thống thông tin địa lý (GIS); còn tại Đức tạo ra một hệ thống thông tin logistics thông minh, kết nối để quản lý và theo dõi hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Đối với TP.HCM, logistics được xác định có vai trò là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, TP.HCM phê duyệt đề án “Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. TP.HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỉ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP.HCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.

Theo đề án “Phát triển ngành logistics TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, TP.HCM sẽ xây dựng 7 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha bao gồm: Cát Lái – Phú Hữu (thành phố Thủ Đức); Long Bình (thành phố Thủ Đức); Linh Trung (thành phố Thủ Đức); Củ Chi (huyện Củ Chi); Tân Kiên (huyện Bình Chánh); Hiệp Phước (huyện Nhà Bè); xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn). Ngoài ra, các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng...

Có thể bạn quan tâm:

Doanh nghiệp du lịch kỳ vọng vào chính sách visa mới