Chế biến cá tại Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương

 
Thanh Hương Chủ Nhật | 06/01/2019 18:22

“Vua cá Hùng Vương” gặp may

Đi qua một năm khó khăn và phải bán nhiều tài sản để giảm nợ, thần may mắn dường như đang gõ cửa trở lại với Hùng Vương.

Tự tin bước vào Mỹ với thuế bằng 0

Hùng Vương có quá nhiều “kỷ niệm buồn” trong năm 2018 khi phải bán những doanh nghiệp từng cất công gầy dựng và đang có lợi nhuận tốt. Suốt thời gian dài nỗ lực, từ quý III/2018, công ty bắt đầu có lợi nhuận.

Kết thúc cả năm, Công ty ghi nhận lãi ròng hơn 18 tỉ đồng, trong đó đóng góp chủ yếu từ khoản lợi nhuận khác với gần 105 tỉ, trong khi hoạt động kinh doanh vẫn còn thua lỗ hơn 33 tỉ đồng. Đây là một nỗ lực lớn của Công ty Cổ phần Hùng Vương (Mã chứng khoán: HVG) nhằm vực dậy Công ty.

Với những thuận lợi đang có, Hùng Vương lên kế hoạch 2019 đạt 255 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Hùng Vương vừa đưa ra kế hoạch niên độ 2019 với lợi nhuận sau thuế là 75 tỉ đồng từ mảng kinh doanh cá, còn thức ăn thủy sản sẽ mang về 180 tỉ đồng.

Năm nay, Hùng Vương được phép xuất khẩu vào Mỹ với thuế thấp, điều này có nghĩa rất lớn với Hùng Vương vì thị trường Mỹ là thị trường lớn thứ 2 của Công ty này và lớn nhất đồi với một số công ty con mà Hùng Vương còn sở hữu.

Hùng Vương, cho biết ngày 10.9.2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1.8.2016 - 31.7.2017 đối với sản phẩm cá tra, basa Việt Nam.

Trong đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg (đối với HVG) và 1.37 USD/kg (đối với Nha Trang Seafood); thuế suất cho các bị đơn tự nguyên là 0.41 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2.39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với POR13 trước đó.

Theo đó, HVG xây dựng kế hoạch niên độ 2019 với lợi nhuận sau thuế là 75 tỉ đồng từ mảng kinh doanh cá, còn thức ăn thủy sản sẽ mang về 180 tỉ đồng. Có lẽ Hùng Vương đang tự tin với kế hoạch này vì năm nay đơn vị này được xuất khẩu vào Mỹ với thuế bằng 0.

Năm 2018, Hùng Vương khó khăn một phần do ngưng xuất khẩu cá tra vào Mỹ vì bị áp mức thuế xuất khẩu quá cao. Vì thế, năm nay Hùng Vương đã được xuất trở lại sẽ giúp cải thiện tình hình kinh doanh đang khó khăn.

“Vua ca Hung Vuong” gap may
 

Tiềm năng từ thị trường Trung Quốc

Năm 2018 HVG đã giảm hơn 39% tổng giá trị tài sản của Công ty, từ mức 13.877 tỉ về chỉ còn 8.434 tỉ đồng, sau khi dứt khỏi mảng Bất động sản, bán một kho lạnh và 2 công ty con đang “ăn nên làm ra”.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương, nhấn mạnh Công ty vẫn đang có kế hoạch rất rõ ràng, nếu trong trường hợp xấu nhất HVG sẽ bán hết tài sản hiện có. Trên thực tế thì tổng số tiền thu về sẽ rất lớn, khu Tân Tạo đã định giá 250 USD, tổng diện tích đất nuôi trồng hơn ngàn tỉ… đây cũng chính là yếu tố quyết định sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng. "Nếu không có được những giá trị trên, ngân hàng chắc đã không cho vay rồi", ông Minh khẳng định.

Bên cạnh thị trường chính là châu Âu và Mỹ (Mỹ lớn nhất với 32% kim ngạch, cùng với Trung Quốc, Tây Ban Nha, Mexico… Trong đó, thị trường Trung Quốc đang dần trở thành thị trường chính của Hùng Vương.

Ông Dương Ngọc Minh, chia sẻ “Thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn về cá tra Việt Nam, bởi nhiều nhà hàng tại đại lục đã sử dụng cá tra như một nguyên liệu quan trọng phục vụ khách hàng với nhiều món ăn chế biến theo cách riêng”.

Điều này cho thấy giá trị dinh dưỡng, hương vị con cá tra Việt Nam phù hợp với khẩu vị người Trung Quốc. Hiện Hùng Vương đang bán sang Trung Quốc loại cá tra xẻ bướm với giá 53.000đ/kg. Ông Minh cũng cho rằng thị trường Trung Quốc mở ra triển vọng rất tốt cho việc kinh doanh của Hùng Vương vì dư địa tại đây còn rất lớn.

Cá và thức ăn chăn nuôi hiện vẫn là trọng tâm cho thời gian tới của HVG. Công ty đã, đang và sẽ gom vốn lại để thực hiện 2 nhiệm vụ chính là nuôi trồng và chế biến cá tra. Các lĩnh vực khác, HVG đang tiến hành tất toán hoặc mời đối tác mua lại, ông Minh chia sẻ.