VNM lặng sóng vì cạn room ngoại
Động lực tăng trưởng chính là doanh thu xuất khẩu. Ước tính trong 5 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu đã tăng trưởng 120% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Trung Đông và Campuchia đang là 2 thị trường xuất khẩu chính của Vinamilk. Có thể xem đây là bước ngoặt quan trọng của Vinamilk bởi trong nhiều năm trước, doanh nghiệp này luôn có sự đánh đổi giữa mở rộng xuất khẩu và mở rộng thị trường trong nước do năng lực sản xuất hạn chế.
Trước đây, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh chóng và được ưu tiên hơn, vì Vinamilk không đủ năng lực sản xuất để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Do đó, xuất khẩu chỉ chiếm lần lượt 10,5% và 12,7% trong tổng doanh thu năm 2010 và 2011. Trong năm nay, doanh thu nội địa đang tăng trưởng chậm hơn so với trước nên Vinamilk đã có điều kiện để mở rộng hoạt động xuất khẩu, dự báo cả năm 2012, doanh thu xuất khẩu sẽ đạt 5.000 tỷ đồng, chiếm 18% tổng doanh thu và tăng trưởng 80% so với năm ngoái.
So với mức tăng trưởng về xuất khẩu, tăng trưởng doanh thu nội địa của Vinamilk trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước sẽ khó vượt con số 20%. Ước tính, sản lượng 6 tháng đầu năm sẽ tăng trưởng 10,9% trong khi giá bán bình quân tăng 8,2%, do Vinamilk đã tăng giá bán hầu hết các sản phẩm của mình vào tháng 1-2012 (năm 2011 doanh thu tăng trưởng 35,1% và sản lượng tăng trưởng 22%).
Vinamilk hiện nắm giữ phần lớn thị phần trong các phân khúc thị trường hàng tiêu dùng chính như sữa đặc (chiếm 80% thị phần), sữa chua (90% thị phần) và sữa nước (50% thị phần). Chính vì vậy, Vinamilk khó lòng để tăng thêm được thị phần trừ phi doanh nghiệp này đưa những dòng sản phẩm hoàn toàn mới.
Kể từ đầu năm, giá cổ phiếu VNM tăng kém hơn thị trường (chỉ tăng 2,4%). Theo HSC, hiện tượng này bắt nguồn từ việc tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu hành thấp, chỉ 6%, tương đương 33 triệu cổ phiếu, trong khi room dành cho nhà đầu tư nước ngoài đã cạn.
Trong khi đó, VNM lại không có bất kỳ kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu nhằm mở thêm room cho nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù trong 6 tháng cuối năm có khả năng VNM sẽ phát hành cổ phiếu thưởng.
Do đó, để mua cổ phiếu VNM, các nhà đầu tư nước ngoài phải trả giá cao hơn so với thị giá. Dù chi tiết các giao dịch mua của nhà đầu tư nước ngoài không được công bố, nhưng nhiều khả năng giá mua cao hơn so với thị giá (trong phiên giao dịch khớp lệnh) khoảng 20-25%.
Nguồn Sài Gòn đầu tư