Ảnh: dantri.vn
Vinamilk vs Coca-Cola
Theo Nielsen công bố, cả sản phẩm sữa tươi 100% của Vinamilk và ngành hàng sữa nước của Vinamilk tiếp tục dẫn đầu về sản lượng và doanh số bán ra tại Việt Nam. Tham gia vào ngành sữa với 3 dòng sữa nước, Coca-Cola sẽ làm gì hiện vẫn còn là dấu chấm hỏi.
Cục diện cuộc “lấn sân” của ông lớn ngành nước giải khát
Cách đi của Coca-Cola khá bài bản khi liên doanh với hãng cung cấp nguyên liệu sữa hàng đầu thế giới là Fonterra. Sau khi giới thiệu các sản phẩm đầu tiên dưới thương hiệu Nutriboost tại Việt Nam, liên doanh sẽ tung ra các mặt hàng tương tự tại Indonesia và Thái Lan rồi trải rộng ra khu vực Đông Nam Á.
Nhưng theo giới phân tích, việc lấn sân vào ngành sữa còn là động thái hạn chế rủi ro cho chính Coca-Cola khi lĩnh vực cốt lõi đang đối mặt với nguy cơ bị áp thuế cao hơn. Lý do là trên khắp Đông Nam Á đang rộ lên cuộc vận động đánh thuế đồ uống có đường để kiểm soát thực trạng béo phì hay đái tháo đường, trong đó Thái Lan, Brunei, Philippines đang là các quốc gia đi đầu.
Việt Nam cũng cân nhắc các sắc thuế mới nhằm hạn chế thực trạng lạm dụng chất ngọt trong thức uống và đồ ăn. Theo đề xuất, Bộ Tài chính dự kiến sẽ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) đối với nhiều mặt hàng nước ngọt, trong khi nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ không phải là đối tượng chịu thuế.
Bên cạnh đó, tổng doanh thu của Coca-Cola trong năm 2018 bất chợt giảm mạnh 10% xuống còn 31,9 tỉ USD - điều có thể làm chùn bước kế hoạch đầu tư mặt hàng sữa nước trong ngắn hạn. Mặt khác, sữa là một mặt hàng khá nhạy cảm khi người tiêu dùng có xu thế tin dùng các mặt hàng có thương hiệu, chất lượng ổn định. Ở đó, các công cụ cạnh tranh về giá bán và chiết khấu có thể sẽ không mang lại hiệu quả kinh doanh như mong muốn. Thậm chí, định vị “nước ngọt, nước giải khát” của Coca-Cola có thể sẽ không hỗ trợ mà còn là điểm trừ cho nhãn hiệu khi cung cấp sản phẩm dinh dưỡng.
Thách thức còn đến từ năng lực quản trị chất lượng sản phẩm. Dễ thấy vai trò của Coca-Cola trong liên doanh lần này chủ yếu nằm ở khâu xây dựng thương hiệu, marketing và phân phối. Còn khâu cung cấp nguyên liệu, sản xuất và đóng gói sẽ do đại diện của New Zealand đảm trách.
Dù vậy, năng lực về nguyên liệu sữa tươi, một điều kiện quan trọng trong ngành này, là chưa rõ ràng. Hơn nữa, quá khứ cho thấy Fonterra từng không thành công ở thị trường Trung Quốc. Năm 2017, Fonterra bị trọng tài quốc tế tại Singapre buộc phải trả cho đối tác Danone (Pháp) khoản tiền bồi thường là 125 triệu USD do những thiệt hại trong vụ bê bối sữa xuất khẩu của Fonterra bị nhiễm khuẩn.
Nguyên liệu sữa tươi - vũ khí chiến lược của Vinamilk
Trả lời phỏng vấn của NCĐT, xung quanh sự có mặt của đối thủ mới, ông Phan Minh Tiên, Giám đốc Điều hành Marketing Vinamilk, cho biết: “Vinamilk đã bắt đầu xây dựng nguồn nguyên liệu sữa tươi từ những năm 1990, đến nay, Vinamilk đã có hệ thống 12 trang trại bò sữa chuẩn quốc tế và đàn bò cung cấp sữa cho Công ty đã xấp xỉ 130.000 con. Đây chính là chiếc chìa khóa chiến lược của Vinamilk khi cạnh tranh với các đối thủ trong ngành sữa. Thực tế cho thấy Vinamilk vẫn đang dẫn đầu thị trường sữa tươi tại Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp”.
“Vinamilk đang dẫn đầu Việt Nam về sữa tươi, đã trụ vững trước các đối thủ ngoại nổi tiếng như FrieslandCampina nên không hề e ngại để cạnh tranh sòng phẳng với Coca-Cola”, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, đã trả lời khi được hỏi về sự gia nhập của Coca-Cola vào ngành sữa.
Theo số liệu do Vinamilk cung cấp, sản lượng sữa tươi của công ty này hiện đạt từ 950-1.000 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày, tương đương khoảng 5,5 triệu hộp sữa tươi/ngày (hộp 180ml). Theo Công ty Tư vấn Kantar Worldpanel, trong năm 2018, thị trường sữa và sản phẩm liên quan tại Việt Nam chứng kiến sụt giảm 2,6% về khối lượng, 0,7% về giá trị ở 4 thành phố lớn (gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ). Đi kèm với đó là xu thế tăng của giá nguyên liệu khiến các hãng sữa gặp không ít khó khăn.
Nhưng vị thế của Vinamilk được giới phân tích đánh giá vẫn khá vững chắc, bất chấp sự gia nhập ngành của các đối thủ ngoại hùng mạnh. Sở hữu thị phần lên đến 58%, Vinamilk có đủ quyền lực để quyết định cục diện cạnh tranh của thị trường sữa. Quan trọng nhất là việc sở hữu vùng nguyên liệu sữa tươi lớn sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp này trước sức ép cạnh tranh từ những cái tên mới.
Hiện nay, sản phẩm sữa Coca-Cola vừa ra mắt không phải là sữa tươi, vì vậy chưa thể gọi đây là cuộc đối đầu trực tiếp của 2 gã khổng lồ này cũng như khó để dự đoán được chiến lược và mức độ tham gia của Coca-Cola vào thị trường sữa, nhất là sữa tươi. Nhưng về phía Vinamilk thì chiến lược giữ thị phần có vẻ đã rõ nét với yếu tố “vùng nguồn nguyên liệu sữa tươi”. Liệu có sự bất ngờ nào từ “người chơi mới” Coca-Cola để cạnh tranh được ở yếu tố then chốt này?