Vai trò của chợ truyền thống trong đô thị
Mỗi sáng thức dậy, để chuẩn bị đồ ăn cho cả gia đình trong một ngày, bạn sẽ tìm mua thực phẩm ở đâu? Siêu thị? Hay chợ dân sinh, chợ truyền thống gần nhà? Câu trả lời người tiêu dùng lựa chọn chắc hẳn là chợ gần nhà thay vì vào siêu thị.
TS. Alan David Treadgold – thành viên Hội đồng tư vấn Viện Quản lý bán lẻ Oxford tại đại học Oxford (Anh), trong một cuộc trao đổi tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2014, nêu lên sự khác biệt trong thói quen mua sắm, tiêu dùng của người Việt Nam và phương Tây. Ông nói, phần lớn các gia đình ở phương Tây mua đồ ăn cho gia đình từ các siêu thị hay trung tâm thương mại và dùng trong cả tuần, nhưng tại Việt Nam, mọi người thích ăn đồ tươi hơn nên đi chợ hàng ngày. Theo ông, chính tâm lý đó là một phần tác động đến sự tồn tại bền bỉ của chợ truyền thống trong các đô thị sầm uất.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2013, cả nước có gần 9.000 chợ các loại, khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của các hộ gia đình, 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, vài trăm cửa hàng tiện ích. Hiện, tỷ trọng hàng hóa bán qua hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích chiếm 25% tổng mức bán lẻ và có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, có thể thấy, 75% người dân vẫn giữ thói quen mua sắm tại chợ truyền thống.
Chợ truyền thống là loại hình thương nghiệp khá phổ biến ở nước ta, là sự tồn tại của không gian thị trường mỗi vùng, mỗi địa phương và tập trung nhiều nhất ở các đô thị, các thành phố lớn. Nguồn cung và nguồn cầu, nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng tiền hoặc hiện vật đều được hiện hữu tại chợ. Nói cách khác, chợ là nơi tập trung hoạt động mua bán hàng hóa giữa người sản xuất, người buôn bán và người tiêu dùng.
Chợ tạo nên nét văn hóa riêng biệt
Trên mảnh đất hình chữ S trải dài hơn 3.000 km này, mỗi vùng miền lại có một đặc trưng riêng về loại hình chợ truyền thống. Nếu vùng châu thổ sông Hồng đặc trưng bởi nét văn hóa chợ nổi thì vùng cao lại là những ngày hội của chợ phiên; đất kinh kỳ nhộn nhịp với những cái tên chợ Đồng Xuân, chợ Đuổi, chợ Hôm, chợ Bưởi thì TP Hồ Chí Minh lại tấp nập với chợ Bến Thành, chợ Tân Bình, chợ Nhật Tảo.
Trong một nghiên cứu của mình, GS. TS Trần Ngọc Thêm chỉ rõ sự khác biệt giữa siêu thị và chợ truyền thống. Theo TS. Trần Ngọc Thêm, trong siêu thị, sản phẩm phải tự nó bán nó, nhưng tại chợ, người bán hàng chính là người bán sản phẩm. Vì vậy, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy những dòng chữ trên sản phẩm "thêm 20%", "ngon tuyệt", "hảo hạng" trên sản phẩm trong siêu thị, còn tại các chợ, người bán hàng mau mắn và nhanh nhẹn sẽ giới thiệu và thuyết phục người mua hàng.
Cũng theo TS. Thêm, siêu thị sạch sẽ, đó là một lợi thế khiến nhiều người thích bước vào. Trong khi ở chợ hàng hóa được bày bán khá hỗn loạn, thịt treo trong nhiệt độ ngoài trời, ruồi nhiều, chuột cống cũng nhiều, những sạp hàng tươi có vẻ không được vệ sinh. Nhưng cũng bởi vì những hệ thống làm lạnh, bao bì đóng gói tưởng như vô trùng trong siêu thị lại chứng tỏ một điều rằng thực phẩm trong siêu thị rõ ràng không thể nào tươi bằng ở chợ!
Về giá cả, siêu thị luôn bán đúng giá niêm yết. Đây cũng được xem là một ưu điểm nữa vì người mua hàng không sợ bị hớ, bị lừa. Nhưng đó là chi tiết đi ngược với truyền thống thích trả giá của người Việt.
Trả giá là một kỹ năng xã hội mà nhiều người sẽ cảm thấy trống vắng nếu thiếu nó. Đó là cơ hội để chứng tỏ khả năng nhạy bén với thị trường, kỹ năng mua bán và cơ hội cho người bán hàng biết được khẩu vị của người mua hàng! Xét về khía cạnh này, siêu thị kém xa. Khách hàng ở siêu thị không cần phải nói một lời. Điều duy nhất người bán hàng nói là giá tiền. Chi tiết đó không mang tính xã hội chút nào.
Trong một mối quan hệ tương quan, việc mua sắm, lựa chọn đồ tại siêu thị cần có thời gian thì tại các chợ, người tiêu dùng chỉ cần vài chục phút, thậm chí là vài phút để mua một bó rau tươi, một con cá tươi... cho bữa ăn gia đình.
Chợ: kênh phân phối tiêu thụ
Thời gian vừa qua, nhiều người dân có ý kiến phản đối xây dựng chợ, trung tâm thương mại. Tiểu thương quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh phản đối dự án đầu tư xây dựng chợ Tân Bình mới, tiểu thương Hà Nội phản đối xây trung tâm thương mại trên nền chợ Thành Công. Kết quả, dự án xây mới chợ Tân Bình đã được UBND quận Tân Bình ra quyết định ngưng triển khai.
Ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) trong một lần trả lời báo chí, cho biết chợ truyền thống đã và đang đóng góp một vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống phân phối tiêu thụ hàng hóa ở Việt Nam.
Theo ước tính, hiện nay lượng hàng hóa được mua bán, lưu thông qua hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn cả nước vào khoảng trên 40%. Bên cạnh đó, các chợ truyền thống đã và sẽ vẫn luôn chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, du lịch... không thể tách rời.
Tại 2 đô thị lớn của cả nước, Hà Nội hiện có khoảng 500 chợ, TP Hồ Chí Minh có khoảng 250 chợ. Theo quy hoạch phát triển hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội sẽ phát triển 595 chợ dân sinh, trong đó xây dựng mới 24 chợ hạng một, 79 chợ hạng hai, 478 chợ hạng ba. Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ nâng cấp 381 chợ, xây mới 213 chợ và giải tỏa 14 chợ.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, theo quy hoạch phát triển chợ do Sở Công Thương xây dựng, số chợ sẽ giảm xuống còn 235 vào năm 2015. Về quy mô, TP. Hồ Chí Minh hiện có 17 chợ loại 1, 48 chợ loại 2 và 178 chợ loại 3, với khoảng 67.000 hộ tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ.
Nguồn Theo DVO