Thứ Tư | 02/07/2014 12:51

Ủy ban Giám sát Tài chính: Thanh khoản ngoại tệ đang chịu áp lực

Tiền gửi ngoại tệ giảm 5,5% nhưng cho vay lại tăng 7% là lý do dẫn đến lo ngại thanh khoản ngoại tệ đang chịu áp lực nhất định.
Trong báo cáo về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tiếp tục đề cập những áp lực đối với ngoại tệ. Số liệu của cơ quan này cho hay từ đầu năm đến tháng 5, tiền gửi bằng ngoại tệ vào các tổ chức tín dụng giảm 5,5% thì cho vay lại tăng 7%. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ngoại tệ (LDR) tăng từ 84,3% cuối năm ngoái lên 95,5% trong tháng 5/2014.

Bên cạnh đó, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3% một năm lên khoảng 0,4% một năm và dao động mạnh hơn. Với những dữ liệu này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Giám sát cho rằng: "Thanh khoản đối với ngoại tệ đang chịu áp lực nhất định".

Ngược lại với diễn biến ngoại tệ, thanh khoản tiền đồng của hệ thống vẫn được duy trì tốt do cho vay nội tệ tăng chậm hơn huy động. LDR giảm từ 82,4% cuối năm 2013 xuống còn 79% trong tháng 5. Sau 5 tháng, cho vay VND mới tăng 1,1% so với đầu năm, chỉ bằng một nửa cùng kỳ 2013. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sau khi có dấu hiệu tăng trong tháng 5 cũng đã giảm trở lại trong tháng 6.

Theo lý giải của Ủy ban Giám sát, khả năng huy động tiền gửi bằng VND của các nhà băng không bị ảnh hưởng trước xu hướng giảm lãi suất huy động từ đầu năm đến nay. Cơ quan này dẫn số liệu cho thấy, sau 5 tháng, lãi suất huy động VND kì hạn 6 tháng đã giảm 0,8 điểm % so với đầu năm, từ mức 7,2% một năm xuống 6,4% một năm nhưng tiền gửi vào hệ thống vẫn tăng 7,1%. "Nguyên nhân là tỷ lệ lạm phát cũng giảm 1,4 điểm % (từ mức 6,1% trong tháng 12/2013 xuống 4,7% trong tháng 5/2014), giúp duy trì lãi suất thực", Ủy ban lý giải.

Cũng vì lạm phát đang được kiểm soát tốt, trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban iám sát khuyến nghị nên xem xét điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản. Theo đánh giá của cơ quan này, lạm phát năm 2014 chỉ khoảng 5% nếu không có những biến động về giá các mặt hàng cơ bản.

Báo cáo của Ủy ban cũng phân tích, dù lạm phát có dấu hiệu tăng nhưng lạm phát cơ bản (dựa trên CPI không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và giá dịch vụ công) đã liên tục giảm kể từ tháng 10/2013. Điều này cho thấy tổng cầu vẫn chậm phục hồi. Do đó, cơ quan này khuyến nghị chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014.

GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5,18%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước. Như vậy, GDP hàng quý tiếp tục tăng kể từ quý II/2013. "Với xu hướng trên và chưa tính đến ảnh hưởng trễ trong 6 tháng cuối năm của sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan, tăng trưởng GDP năm 2014 trong khoảng 5,7-5,8%", Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo.

Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng sự kiện biển Đông có thể khiến GDP chỉ tăng trưởng dưới 5% do những căng thẳng trên biển Đông, trong đó có mối quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Thay vào đó, ông cho rằng bằng mọi biện pháp phải quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã được đề ra từ đầu năm 2014.

Nguồn VnExpress


Sự kiện