Ảnh: TL.

 
Vũ Hoài Thứ Tư | 05/08/2020 16:19

Trước sự ủng hộ lớn của thị trường, các công ty chứng khoán đã có một mùa bội thu

Quý II vừa qua được xem là mùa bội thu của các công ty chứng khoán khi thị trường tăng trưởng ấn tượng từ cuối tháng 3.

Năm 2020, nền kinh tế toàn cầu chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19. Để phòng chống dịch bệnh, Chính phủ các nước đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn nền kinh tế.

Và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không tránh khỏi vòng xoáy của COVID-19. Bắt đầu từ phiên giao dịch đầu tiên trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán (30.1), thị trường chứng khoán đã có nhiều diễn biến tiêu cực.

 

Lần đầu tiên sau hơn 3 năm, VN-Index về vùng 652 điểm (3.2020). Trong quý I/2020, thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều biến động, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 31% trong quý I, cùng với sự giảm điểm của hơn 90% cổ phiếu trên thị trường.

Sau giai đoạn khó khăn vì COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ, cùng chiều tăng chứng khoán thế giới với nhiều mã có sự phục hồi ấn tượng từ 30-50% so với vùng đáy năm 2020 được xác lập hồi tháng 3.2020. Tính riêng trong quý II/2020, chỉ số VN-Index đã tăng 24,5%, từ vùng 662,5 điểm lên mức 825 điểm hồi cuối tháng 6.  

Trước sự ủng hộ lớn của thị trường, các công ty chứng khoán đã có một mùa bội thu. Trong đó, 4 công ty chứng khoán (CTCK) top đầu thị phần môi giới trên thị trường chứng khoán Việt Nam là CTCK SSI (HOSE: SSI), CTCK TP HCM (HSC, HOSE: HCM), CTCK VNDirect (HOSE: VND) và CTCK Bản Việt (VCSC; HOSE: VCI) đều có kết quả kinh doanh vượt bậc.

Nổi bật nhất trong quý II là VNDirect với mức tăng 315,3% về lợi nhuận sau thuế. Quý II/2020, VNDirect đạt hơn 412,8 tỉ đồng doanh thu thuần, chỉ nhích nhẹ 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.  Trong đó, doanh thu từ hoạt động môi giới và hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn đều tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 42% và 86% so với quý II/2019. Xét trên yếu tố chi phí, các chi phí của VNDirect đều giảm mạnh trong kỳ, đặc biệt là chi phí hoạt động giảm tới 50% do khoản hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư. Tựu chung tác động của doanh thu và chi phí đã tạo nên mùa bội thu của VNDirect với khoản lãi sau thuế hơn 134,9 tỉ đồng.

Các công ty chứng khoán thắng lớn trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: VH.
Các công ty chứng khoán thắng lớn trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: VH.

Theo sau đà tăng trưởng của VNDirect là SSI với mức tăng trưởng 137,7% lãi sau thuế. Quý II/2020, SSI ghi nhận hơn 1.327 tỉ đồng doanh thu thuần và hơn 522,4 tỉ đồng lãi sau thuế. Đáng chú ý nhất là hoạt động tự doanh, đem về doanh thu hơn 738,4 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 con số này chỉ đạt hơn 169,1 tỉ đồng.

Giải trình về kết quả kinh doanh ấn tượng này, SSI cho biết thị trường chứng khoán đã hồi phục đáng kể trong quý II dẫn đến chênh lệch tăng về đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL quý II/2020 tăng gần 385,4 tỉ đồng so với quý II/2019. Trong khi đó, chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL quý II/2020 lại giảm gần 50,6 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, SSI cho biết quy mô giao dịch của thị trường tăng mạnh, dẫn đến doanh thu từ nghiệp vụ môi giới tăng mạnh, 45% so với cùng kỳ năm 2019.

Sau kỳ thất thu ở quý I/2020, VCSC cũng đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2020. So với quý II/2019, doanh thu của VCSC đi ngang trong quý này, ghi nhận hơn 406,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhờ diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán, việc đánh giá lại các khoản đầu tư tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) của hoạt động tự doanh chứng khoán, đó cũng là nguyên nhân chính làm cho chi phí của Công ty giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ thị trường thuận lợi, doanh thu từ hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán tăng trưởng mạnh trong quý II/2020. Ảnh: VH.
Nhờ thị trường thuận lợi, doanh thu từ hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán tăng trưởng mạnh trong quý II/2020. Ảnh: VH.

Tổng kết quý II/2020, VCSC báo lãi sau thuế hơn 205,1 tỉ đồng, tăng hơn 46,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I vừa qua, khi nhiều công ty chứng khoán còn nắm giữ lượng lớn cổ phiếu trong danh mục, thì HSC dường như đã thoát toàn bộ vị thế của mình. Tại thời điểm cuối quý I/2020, giá trị đầu tư cổ phiếu niêm yết và giao dịch trên UPCoM của Công ty chỉ còn hơn 66,2 tỉ đồng và đều là nhóm cổ phiếu trong nhóm VN30 như MWG, MBB, TCB và VPB. 

Về kết quả kinh doanh, quý II/2020 HSC đạt hơn 438,8 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 6,5% so với cùng kỳ 2019.

Trong quý II, HSC ghi nhận kết quả tăng trưởng từ hoạt động tự doanh cũng như môi giới. Song mảng cho vay margin của Công ty lại có sự sụt giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, về mức hơn 103 tỉ đồng. Tổng kết quý II, HSC lãi sau thuế hơn 150,1 tỉ đồng, tăng 35,7% so với quý cùng kỳ năm 2019.

* Có thể bạn quan tâm 

►Đầu tư chứng khoán: Tự doanh cắt lỗ, ngân hàng chốt lời khủng