Tổng quan triển vọng các ngành trong 2 quý cuối năm
Quý II/2016 tuy chỉ mới đi được 1/3 chặng đường, nhưng Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng nhà đầu tư có thể mạnh dạn giải ngân ở nửa đầu quý hiện tại. Theo đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục tìm đến những vùng giá cao hơn do đón nhận tin tích cực từ mùa đại hội cổ đông, kỳ vọng khối ngoại tiếp tục mua ròng hay kế hoạch nới room của các doanh nghiệp. Ngoài ra, triển vọng ở nhiều ngành nghề cũng dần sáng sủa.
Đầu tiên là ngành thép. Trước những khó khăn do thép nhập khẩu giá thấp gây ra (khiến sản xuất phôi thép năm 2015 chỉ đạt 50% công suất, tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng nội địa chỉ bằng 1/4 so với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ cả nước...), Bộ Công Thương mới đây đã ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời, không quá 200 ngày (từ 22.3.2016) đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Mức thuế nhập khẩu mới cho phôi thép và thép dài lần lượt là 23,3% và 14,2%, so với mức 10% và 0-5% trước đó.
Rõ ràng, áp thuế tự vệ tạm thời sẽ tác động tích cực lên các doanh nghiệp thép của Việt Nam. Nhưng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn và chỉ có lợi cho các doanh nghiệp vừa luyện phôi vừa sản xuất thép như Hòa Phát, Thép Việt Ý hay Thép Pomina. Còn các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thép như Thép Tiến Lên, SMC... sẽ phải tìm kiếm cơ hội tăng trưởng và cải thiện biên lợi nhuận gộp từ nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh và nguyên liệu giá thấp còn tồn kho. Thực tế, giá quặng sắt thế giới đã tăng gần 34% từ đầu năm đến nay.
Trong các doanh nghiệp thép niêm yết, Hòa Phát và Hoa Sen được đánh giá cao hơn hẳn. Ngoài lợi thế về quy mô và thị trường do là doanh nghiệp đầu ngành, P/E của 2 doanh nghiệp này khoảng 6-7 lần, thấp đáng kể so với mức P/E trung bình ngành, hiện là 20 lần.
Ðối với ngành hàng tiêu dùng, giới đầu tư cũng có thể lạc quan về khả năng giữ vững đà tăng trưởng. Theo MBKE, kỳ vọng sẽ nằm ở khả năng gia tăng chi tiêu của người dân. Euromonitor cũng dự báo mức chi cho tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tăng 47% từ nay đến năm 2019. Cơ cấu dân số đông và phần lớn trong độ tuổi lao động cũng là tiền đề tốt để ngành hàng tiêu dùng tiếp tục phát triển.
Ðể nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp tham gia ngành này đã và đang tìm cách mở rộng hoạt động thông qua các thương vụ M&A. Năm 2014, tiêu dùng chiếm 21% tổng số thương vụ M&A tại Việt Nam. Sang năm 2015, sóng M&A vẫn tiếp tục quét mạnh ở lĩnh vực này. Sắp tới, khi Luật Đầu tư đang xem xét khả năng cho phép nhà đầu tư ngoại có thể tham gia vào 18 ngành mới và các hiệp định FTA có hiệu lực từ năm 2016 trở đi, dự báo M&A ngành bán lẻ và tiêu dùng sẽ càng “nổi sóng”.
Trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ và hàng tiêu dùng, Vinamilk, Thế Giới Di Ðộng hay Điện Quang là những công ty nổi bật. MBKE dự báo biên lợi nhuận ròng của Vinamilk trong 3 năm tới có thể được duy trì ở mức 17-18%, tức cao gấp đôi mức bình quân của các công ty cùng ngành trong khu vực.
Cùng với tiêu dùng, dược phẩm luôn là ngành được chú ý, nhất là khi cổ phiếu của 4 công ty dược niêm yết gồm Dược Hậu Giang, Imexpharm, Domesco và Traphaco đã tăng giá bình quân gần 45% tính từ đầu năm. So với diễn biến chung của thị trường, đây là đà tăng ấn tượng. Trong đó, nổi bật là DMC của Domesco đã tăng giá hơn 80%. Theo MBKE, kỳ vọng bỏ trần quy định 49% đối với tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và việc SCIC thoái vốn đã khiến giá cổ phiếu của 4 công ty dược kể trên biến động mạnh. Mặt khác, nhà đầu tư ngoại rất chuộng cổ phiếu dược, bởi tính ổn định cũng như khả năng giúp họ tham gia sâu thêm vào ngành này.
Trong dài hạn, triển vọng của ngành dược Việt Nam vẫn khá lạc quan với tỉ lệ tăng trưởng tổng chi tiêu thuốc kỳ vọng ở mức hai con số, theo Cục Quản lý Dược. Ngoài ra, theo số liệu từ Bloomberg, định giá cổ phiếu ngành dược Việt Nam tương đối hấp dẫn với P/E kỳ vọng chỉ 11,3 lần, so với mức trung bình 24 lần của các thị trường dược phẩm mới nổi tại châu Á.
Ngành xây dựng, nhất là lĩnh vực phát triển hạ tầng, cũng có nhiều tín hiệu tích cực bởi có nhu cầu rất lớn. Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc mới được Thủ tướng phê duyệt, trong 15 năm tới, Việt Nam sẽ quy hoạch 21 tuyến cao tốc đường bộ với tổng chiều dài 6.411 km. Trong đó, 2.703 km dự kiến sẽ được đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2020 với vốn đầu tư gần 350.000 tỉ đồng.
Do ngân sách nhà nước hạn chế, nguồn vốn theo hình thức PPP (hợp tác công tư) được kỳ vọng sẽ là dòng chảy chủ đạo hiện thực hóa quy hoạch nói trên. Riêng trong năm nay, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến khởi công, lựa chọn nhà đầu tư cho khoảng 23 dự án lớn theo hình thức PPP, có tổng mức đầu tư 40.000 tỉ đồng.
Những doanh nghiệp tham gia lĩnh vực phát triển hạ tầng dưới hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) còn có thể tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua tăng phí giao thông. Từ đầu năm 2016, các trạm thu phí BOT đã đồng loạt tăng mức phí giao thông lên bình quân 20-30%. Ngoài ra, thu phí giao thông đường bộ cũng là lĩnh vực được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, như miễn thuế trong 4 năm đầu kể từ khi có lãi và giảm 50% thuế 9 năm tiếp theo.
Các doanh nghiệp tham gia phát triển hạ tầng tiêu biểu có thể kể đến như CII, Idico (HTI), Cường Thuận Idico (CTI), Tasco (HUT). Trong đó, HTI và CTI là hai cổ phiếu đáng chú ý do P/E kỳ vọng (dựa trên kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2016) khoảng 8 lần, thấp hơn mức 11-12 lần trung bình ngành. Dù vậy, giới phân tích lưu ý rằng nhóm doanh nghiệp tham gia BOT hay BT (xây dựng - chuyển giao) thường sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Ngành nhiệt điện cũng “bất ngờ” trở nên hấp dẫn do tình trạng nắng nóng kéo dài. Các công ty nhiệt điện như Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2), Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) đã hoạt động hết công suất. Đây cũng là các doanh nghiệp có cổ phiếu tăng giá mạnh thời gian qua. Hạn hán chưa hạ nhiệt và thiếu hụt điện vẫn xảy ra ở miền Trung, miền Nam khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến tăng trưởng phụ tải điện sẽ còn tăng cao trong quý II/2016, khoảng 13% so với cùng kỳ. Giới phân tích cũng lưu ý khả năng đợt El Niño có thể sẽ kết thúc vào thời điểm cuối năm, làm giảm nhu cầu phụ tải điện.
Đối với ngành săm lốp, triển vọng sẽ đến từ tình hình tiêu thụ xe tiếp tục khả quan. Mức tiêu thụ xe trong quý I/2016 đã tăng 23% và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong các quý còn lại, theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất ôtô như Trường Hải và TMT bắt đầu sản xuất ôtô tải hạng nặng. Điều này thúc đẩy tiêu thụ lốp radial trong nước, mà cụ thể là thúc đẩy sản lượng cho Cao su Miền Nam (CSM) và Cao su Đà Nẵng (DRC).
Tuy nhiên, giá đầu vào là cao su thiên nhiên có dấu hiệu tăng trở lại và cạnh tranh từ các sản phẩm săm lốp Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp săm lốp Việt. Đây cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp này thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm 2016.
Ở lĩnh vực dệt may, do Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên ngành này được dự báo sẽ hưởng lợi nhờ miễn thuế một khi TPP có hiệu lực vào năm 2018. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội, do yêu cầu của TPP về xuất xứ sản phẩm từ sợi trở đi. Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp nội mới chỉ tự chủ được 2% nguyên liệu bông và 12,5% nguyên liệu vải. Hiện tại, chỉ May Thành Công (TCM) là đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ.
Thủy Ngọc