Chủ Nhật | 02/12/2012 08:48

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập

Thanh khoản, thủ tục mở tài khoản, nhiều công ty chứng khoán phát sinh lỗ là những bất cập của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đó là nhận định của Nhóm công tác vốn và thị trường vốn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 (VBF)- đây là Diễn đàn thường niên được tổ chức trước thềm Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG).

Nhóm công tác chỉ rõ, mặc dù giờ giao dịch đã được nới rộng, nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục là một vấn đề do tỷ lệ biên độ giao dịch hiện hành đang hạn chế sự dịch chuyển tự nhiên của giá cả.

“Đành rằng những biên độ này được thiết lập để bảo vệ nhà đầu tư trước những biến động quá lớn nhưng cũng cản trở đến sự vận hành tự nhiên của thị trường”, ông Terry Mahony, đại diện nhóm này giải thích.

Từ sự dẫn giải đó, nhóm đề xuất giải pháp là quy định tạm dừng giao dịch trong vòng 30 phút khi có biến động giá lên xuống mạnh. “Tạm dừng giao dịch theo cách này sẽ tái lập sự ổn định cho thị trường”, ông Terry Mahony nhận định.

Bên cạnh đó, nhóm công tác cũng chỉ ra rằng, việc mở tài khoản hiện nay còn rườm rà và chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Bởi, theo quy định, phải mất gần 6 tháng mới được mở tài khoản, trong khi ở hầu hết các nước khác chỉ mất một tuần.

Quy định phải có lý lịch tư pháp và xác nhận không có tiền án của nước xuất xứ đối với người mở tài khoản gây mất thời gian và tốn kém. Quy định này cần được thay thế bằng cơ chế đơn giản như công chứng hộ chiếu hợp lệ. Bằng cách này sẽ thu hút được thêm nhà đầu tư nước ngoài, và quan trọng nhất là nguồn vốn cho thị trường chứng khoán.

Nhóm công tác cũng lưu ý rằng, hiện nay có quá nhiều công ty chứng khoán (105 công ty) trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó riêng 10 công ty lớn nhất đã chiếm tới hơn 50% thị phần.

Những công ty còn lại đều là công ty nhỏ, hoạt động không hiệu quả. Nhiều công ty chứng khoán hầu như không hoạt động, phát sinh lỗ, làm tiêu hao vốn của cổ đông, gây rủi ro cho những nhà đầu tư chính đáng mở tài khoản giao dịch ở những công ty này. Lỗ phát sinh của các công ty chứng khoán chủ yếu là do tự giao dịch, vay vốn quá lớn và thiếu thận trọng trong cho vay, trong khi cơ chế quản trị rủi ro yếu.

Vì vậy, Nhóm công tác đề xuất 2 khuyến nghị:
Một là, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các công ty chứng khoán nhằm giảm số lượng công ty, tập trung vào nâng cao chất lượng, năng lực tài chính. Từ đó, tăng cường sự lành mạnh cho thị trường. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần giám sát, áp dụng triệt để các quy định, yêu cầu tách bạch giữa tài sản của nhà đầu tư và tài sản của công ty chứng khoán;

Hai là, cơ quan chức năng cần kiểm tra định kỳ về năng lực tài chính, chất lượng quản trị công ty, cơ chế quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán để bảo đảm an toàn cho toàn bộ thị trường chứng khoán và quyền lợi của nhà đầu tư.

Ngoài ra, yếu tố tăng cường quản trị công ty và minh bạch cũng được nhóm công tác nhắc đến.

Theo ông Terry Mahony, mặc dù khung pháp lý hiện nay về cơ bản có quy định về công bố thông tin và các vấn đề quản trị công ty, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghiêm chỉnh những quy định này, gây hoang mang cho nhà đầu tư. Nhóm Công tác đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường giám sát, kiểm tra, có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm để tăng cường thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức cho những đối tượng tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, cần kịp thời công bố lịch thông tin kinh tế tới nhà đầu tư với những chỉ số vĩ mô tổng hợp từ những nguồn chính thức như Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính/Ủy ban Chứng khoán Chứng khoán Nhà nước.

Đặc biệt, “Báo cáo nghiên cứu của các công ty chứng khoán cần công bố đầy đủ, trung thực, khách quan mọi trường hợp mâu thuẫn lợi ích tiềm ẩn”, Nhóm công tác nhấn mạnh.

Nguồn CafeF/TTVN


Sự kiện