Thứ Bảy | 06/10/2012 08:06

Số ít doanh nghiệp ngoại nắm giữ phần lớn logistics Việt Nam

Hạn chế về cơ sở vật chất và dịch vụ đã làm khiến cho doanh nghiệp logistics nội kém cạnh tranh hoặc quá phụ thuộc vào doanh nghiệp ngoại.
Thị trường logistics Việt Nam bắt đầu mở cửa từ đầu năm 2012, theo lộ trình đến năm 2014 sẽ mở cửa hoàn toàn. Theo thống kê của Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), trong số hơn 800 công ty giao nhận vận tải tại nước ta, 70% là doanh nghiệp tư nhân với quy mô nhỏ.

Tất cả đều có thể cung cấp các dịch vụ logistics đơn giản như khai báo hải quan, vận tải hàng hóa bằng xe tải và container, nhưng hầu như chưa công ty nào có thể đảm nhiệm toàn bộ chuỗi dịch vụ trọn gói cho khách hàng.

Theo TS Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý Giao thông Vận tải - Đại học Giao thông Vận tải, chỉ số hiệu quả hoạt động logistics Việt Nam đứng thứ 53 trên thế giới và thứ 5 trong khu vực ASEAN. Logistics có tốc độ phát triển trung bình 20%/năm.

Tuy nhiên, đây chủ yếu là động lực từ các doanh nghiệp ngoại tham gia thị trường logistics khi thị trường đã mở cửa. Còn thực tế, hoạt động logistics của các doanh nghiệp nôi đang gặp nhiều khó khăn do luật pháp và thể chế rời rạc, không hiệu quả. Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu kém. Các nhà cung ứng dịch vụ có quy mô nhỏ, phân đoạn rời rạc, không tập trung, công nghệ, cơ sở vật chất thiếu.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Vinafco, cho rằng, do chưa chủ động được khâu vận chuyển hàng hải, còn phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài nên doanh nghiệp logistics nội chưa thật sự gắn bó với doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Dịch vụ logistics hiện mới chỉ dừng lại ở mức là người đại diện cho các nhà vận chuyển thông báo cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu về tình hình vận chuyển của hàng hóa từ cảng đi đến cảng đến, thay mặt người vận chuyển phát hành lệnh giao hàng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu sau khi hàng cập cảng và đại diện các hãng tàu thu các loại phí.

Lý do này được TS. Hoàng Thanh Minh, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực IT - Cộng hòa Liên bang Đức, giải thích, rằng hoạt động vận tải hàng hóa ở Việt Nam hiện chủ yếu là các công ty vận tải hoạt động nhỏ lẻ, khả năng cạnh tranh thấp; phương tiện thông tin liên lạc thô sơ, chậm, phức tạp; các số liệu hoạt động vận tải lưu trữ không khoa học, không minh bạch.

Điều này sẽ tạo ra những hệ lụy: vận tải hàng hóa không hiệu quả, chi phí cao, giá thành vận tải cao; chi phí sản xuất cao, giá thành sản phẩm cao đây là những rào cản lớn trong cạnh tranh.

Tại Việt Nam, hình ảnh phổ biến của nhà cung cấp dịch vụ logistics là các công ty giao nhận và vận tải hàng hóa đường bộ bằng xe tải. Các dịch vụ khác trong chuỗi logistics như thiết kế mạng lưới logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba... vẫn chưa phổ biến.

Không chỉ hạn chế về cơ sở vật chất, hầu hết các doanh nghiệp vẫn còn rối với bài toán nguồn nhân lực cho ngành. Thêm vào đó, trong số nhân lực hiện nay chỉ có khoảng 3% được đào tạo chuyên nghiệp.

Ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban đào tạo (MIL), cho biết: "Khảo sát của Viện về chất lượng nhân lực logistics cho thấy, thực trạng chung là 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên trong quá trình công tác và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyện môn của nhân viên. Điều này cho thấy nguồn nhân lực logistics có chất lượng quá thấp".

Nguồn VEF


Sự kiện