baodautu.vn

 
Viết Nguyên Thứ Hai | 23/10/2017 12:30

SCIC tiếp tục thoái vốn khỏi Vinamilk

Theo tính toán của SCIC, nếu thị trường diễn biến tốt, đợt thoái vốn lần này có thể giúp SCIC thu về 6.500-7.000 tỉ đồng.

Một trong những vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là câu chuyện thoái vốn nhà nước tại Vinamilk. Liệu nhà đầu tư có thể tìm thấy cơ hội mới ở Vinamilk từ động thái rút vốn này?

Thoái vốn lần hai

Theo SCIC, đơn vị đại diện vốn nhà nước ở Vinamilk, ngày 10.11.2017, tại sàn TP.HCM, SCIC sẽ chào bán hơn 48,3 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 3,3% vốn điều lệ ở Vinamilk. Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC, cho biết: “SCIC không giới hạn nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu VNM, chỉ cần đạt điều kiện theo quy định”. Như vậy, mọi nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức, trong nước lẫn ngoài nước đều có quyền đăng ký mua cổ phiếu VNM trong đợt này. Để giá khởi điểm sát với giá thị trường và không làm ảnh hưởng đến giá VNM, SCIC cho biết sẽ công bố giá khởi điểm và nhận đăng ký, đặt cọc từ ngày 1.11.2017.

Thực tế, toàn bộ số cổ phiếu VNM nói trên nằm trong phần còn tồn đọng ở đợt chào bán trước. Tháng 12.2016, SCIC từng thoái vốn lần đầu khỏi VNM với mục tiêu chào bán 9% vốn, tức khoảng 130,6 triệu cổ phiếu. Nhưng chỉ 2 tổ chức, thuộc Fraser & Neave (F&N), tập đoàn đồ uống Singapore đăng ký mua 78,4 triệu cổ phần, tương đương 60% tổng cổ phần chào bán.

Kết quả này từng khiến thị trường kinh ngạc bởi Vinamilk là một doanh nghiệp hàng đầu, luôn được khối ngoại săn lùng. Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, từng giải thích, đó là do cách thức chào bán không thành công. Trong đợt thoái vốn đầu tiên, cơ chế chào bán đã cho thấy sự bất hợp lý. Chẳng hạn, SCIC chỉ cho phép mỗi pháp nhân đăng ký mua tối đa 2,7% vốn điều lệ. Hay về việc đặt cọc, mặc dù SCIC và tổ tư vấn (liên danh Morgan Stanley Asia, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và VinaCapital Corporate Finance Việt Nam, với Morgan Stanley đứng đầu) đã đưa thêm hình thức ký quỹ bằng USD bên cạnh đặt cọc bằng tiền đồng nhưng thủ tục ký quỹ bằng USD vẫn rất phức tạp, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thể tiếp cận...

SCIC tiep tuc thoai von khoi Vinamilk

Ở lần thoái vốn này, ông Nguyễn Đức Chi khẳng định, các vướng mắc kể trên đã được giải quyết. Chẳng hạn, nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần VNM mà không bị giới hạn tỉ lệ mua, được đặt cọc bằng USD, ký quỹ ở tất cả các ngân hàng được cấp phép, cho nợ xin cấp thủ tục mã giao dịch chứng khoán...

SCIC cũng vừa hoàn tất chọn lựa đơn vị tư vấn vào ngày 25.9, với liên danh tư vấn mới gồm UBS AG - chi nhánh Singapore (UBS) và SSI. Liên danh này sẽ tư vấn cho SCIC về phương án bán vốn, định giá khởi điểm, tư vấn tổ chức giới thiệu tìm kiếm nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện các thủ tục liên quan để tổ chức bán cổ phần. Trước mắt, liên danh mới đã cùng với SCIC tổ chức 2 buổi giới thiệu với nhà đầu tư tại Singapore và Hồng Kông. Theo ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc SCIC, “buổi roadshow tại Singapore đã có 24 nhà đầu tư quan tâm, còn tại Hồng Kông là 11 nhà đầu tư. Trong số đó, có những quỹ đầu tư tài chính lớn như BlackRock, JPMorgan, Wellington...”. Trong nước, hôm 18.10, SCIC cũng đã tiến hành roadshow tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Theo tính toán của SCIC, nếu thị trường diễn biến tốt, đợt thoái vốn lần này có thể giúp SCIC thu về 6.500-7.000 tỉ đồng. Vốn nhà nước tại Vinamilk sau đó sẽ giảm từ hơn 39,3% về mức 36% vốn điều lệ.

Nhà nước vẫn nắm quyền

36% là tỉ lệ đủ để SCIC vẫn là cổ đông lớn nhất và vẫn đảm bảo khả năng phủ quyết. Ông Nguyễn Đức Chi cho biết, việc SCIC có tiếp tục thoái vốn ở Vinamilk nữa không, để giảm sở hữu về dưới 36%, sẽ tùy vào quyết định của Thủ tướng và Chính phủ. Nhưng như chia sẻ trước đó từ phía SCIC, tinh thần chung là sẽ thoái vốn từ từ, nhiều lần, dựa trên khả năng hấp thụ của thị trường. Ngoài ra, Nhà nước vẫn muốn duy trì quyền sở hữu cổ phần ở mức đủ cao để có quyền phủ quyết tại nhóm doanh nghiệp lớn.

Vinamilk nằm trong danh sách những con gà đẻ trứng vàng của SCIC. Thời điểm SCIC còn sở hữu gần 45% vốn điều lệ tại Vinamilk, hằng năm, SCIC thu về hàng ngàn tỉ đồng tiền cổ tức. Bây giờ, nếu SCIC thoái vốn thành công như kế hoạch và nắm giữ 36% vốn, tương đương 522,6 triệu cổ phiếu VNM, nguồn thu từ cổ tức vẫn rất lớn. Riêng đối với F&N (đầu tư vào Vinamilk từ năm 2005 và liên tục mua vào), theo báo cáo tài chính hợp nhất quý  III/2017, khoản đầu tư này tăng gần 24 lần so với giá trị đầu tư ban đầu, mang về 1,2 tỉ đô la Singapore cho F&N.

Thắng lợi đó của F&N, SCIC và các cổ đông khác là nhờ hoạt động kinh doanh khả quan ở Vinamilk. Theo Vinamilk, tính đến cuối tháng 9.2017, Công ty nắm giữ 57,8% thị phần sữa Việt Nam. Thị trường nội địa là động lực tăng trưởng chính khi Vinamilk chiếm lĩnh thị phần ở hầu hết các mặt hàng chủ lực như sữa nước, sữa chua, sữa bột. Trong nửa đầu năm 2017, dù giá sữa nguyên liệu tăng 30%, Công ty vẫn đạt doanh thu gần 10.000 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng 16%, đạt xấp xỉ 5.900 tỉ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch năm.

Trong tương lai, ông Trần Chí Sơn, Trưởng Bộ phận Tài chính Vinamilk, cho biết, Công ty đặt kế hoạch doanh thu đến năm 2021 đạt 80.000 tỉ đồng, tương đương 3,52 tỉ USD. Thị trường nội địa sẽ chiếm khoảng 75% doanh thu, còn lại là  xuất khẩu. Để làm được điều này, Phòng phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, Vinamilk sẽ phải duy trì tăng trưởng nội địa 10%/năm bằng cách chiếm thị phần của các đối thủ cũng như tận dụng mức tăng trưởng chung toàn ngành khi tỉ lệ tiêu thụ sữa trên đầu người ở Việt Nam còn thấp (chỉ 17 lít/người/năm so với 35 lít của Thái Lan và 45 lít của Singapore, theo Kantar World Panel).

Đối với xuất khẩu, Vinamilk đặt kế hoạch tăng trưởng trung bình 17,1% bằng việc mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới qua châu Phi và đặc biệt là Trung Quốc. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, cho biết: “Vinamilk vừa ký kết với một số khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, do vướng quy định nên một số sản phẩm của Vinamilk không vào được. Công ty đang chờ ký kết hiệp định về ngành sữa để có thể mở rộng thêm danh mục sản phẩm sang Trung Quốc.” Theo Euromonitor, người tiêu dùng Trung Quốc hiện dần chuyển sang các sản phẩm cao cấp, nhiều dinh dưỡng như sữa tươi. Vinamilk có thể tận dụng thế mạnh về sữa tươi để dần dần thâm nhập vào thị trường rộng lớn này.

Viết Nguyên