Chính phủ đã có những nỗ lực tương tự để cụ thể hóa ESG trong hoạt động kinh tế nói chung. Ảnh: Quý Hòa

 
Đinh Thị Ngọc Bích Thứ Năm | 02/05/2024 07:30

Phủ xanh mua sắm công

Đã đến lúc Việt Nam đặt ra câu hỏi các yếu tố ESG nằm ở đâu khi xét duyệt các dự án đầu tư công.

Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ đầu tư công trên GDP thuộc nhóm cao trên thế giới. Để hòa mình và trở nên nổi bật với xu thế hiện nay trên thế giới, các dự án đầu tư công nhất thiết phải gắn với các yếu tố ESG (môi trường - xã hội - quản trị).

Thị trường khổng lồ

Chính phủ đã có những nỗ lực tương tự để cụ thể hóa ESG trong hoạt động kinh tế nói chung. Ví dụ, ESG đã được hiện thực hóa trong ngành tài chính ngân hàng, vốn được coi là mạch máu của nền kinh tế. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN nhấn mạnh nội dung quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng thực hiện trong quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt, quản lý tín dụng. Hay Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 năm 2023 đã bổ sung thêm các “yếu tố ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu” như đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh.

Tiềm năng của mua sắm công xanh (GPP) như một công cụ chính sách ngày càng được công nhận và trong những năm gần đây, cam kết chính trị ngày càng tăng ở cấp quốc gia. Đáng chú ý, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, các doanh nghiệp EU đã được tiếp cận các hợp đồng mua sắm công của Việt Nam. Cơ hội được tạo ra cho cả 2 bên rất lớn nhưng cũng đồng thời đặt ra thách thức trong việc gỡ bỏ những rào cản, trong đó có việc tuân thủ các quy định về GPP.

Tại buổi hội thảo về mua sắm công tổ chức gần đây tại Hà Nội, bà Eve Devoldere, Tham tán Thương mại và Đầu tư vùng Flanders, Đại sứ quán Bỉ, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích các công ty châu Âu tham gia nhiều hơn vào hoạt động mua sắm công của Việt Nam, thúc đẩy trao đổi ý tưởng, giới thiệu các công nghệ mới, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi xanh và thông minh, đồng thời củng cố những nỗ lực phát triển bền vững tại Việt Nam”.

 

Thực tế, không chỉ tại EU, chính sách mua sắm bền vững đã được triển khai ở nhiều nước OECD (Mỹ, Nhật, Canada, Úc và Hàn Quốc) cũng như ở các nước đang phát triển nhanh chóng (như Trung Quốc, Thái Lan và Philippines).

Theo Europa, mua sắm công của EU chiếm hơn 14% GDP nên lĩnh vực này có thể tạo ra một thị trường khổng lồ cho các sản phẩm và dịch vụ. Bằng cách sử dụng sức mua của mình để lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và công trình thân thiện với môi trường, mua sắm công đóng góp ở địa phương, khu vực và quốc gia vào việc đạt được các mục tiêu chính sách môi trường và bền vững quốc gia cũng như quốc tế. Những mục tiêu này liên quan đến việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thông qua tiêu dùng và sản xuất hàng hóa bền vững cũng như giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Thách thức lớn  

Mua sắm công xanh được Ủy ban châu Âu định nghĩa là “một quá trình trong đó các cơ quan của chính phủ tìm kiếm việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ và công trình với mức tác động môi trường thấp trong suốt vòng đời của chúng so với hàng hóa và dịch vụ, công trình với chức năng tương tự khác có thể được mua”.

 

GPP nằm trong Chiến lược Mua sắm công, bao gồm 3 trụ cột là Mua sắm đổi mới sáng tạo (Innovation Procurement); Mua sắm Công xanh (Green Public Procurement - GPP) và Mua sắm Công có trách nhiệm xã hội (Socially Responsible Public Procurement - SRPP) của Liên minh châu Âu.

Nghiên cứu cho thấy trong lĩnh vực GPP, EU rất chặt chẽ trong việc đưa ra các chiến lược và quy trình mua sắm xanh cụ thể mà chính phủ các quốc gia thành viên cần phải tuân thủ và làm căn cứ cho các chính sách cấp quốc gia. Ủy ban châu Âu (EC) đã và đang phát triển các tiêu chí GPP tự nguyện cho một số nhóm sản phẩm, đó chính là Hệ thống Nhãn sinh thái EU (EcoGreen Labels) mới ban hành năm 2020.

Ngoài các tiêu chí tự nguyện, sau khi thông qua Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn năm 2020, Ủy ban đang đề xuất các tiêu chí và mục tiêu GPP bắt buộc tối thiểu trong luật pháp ngành và từng giai đoạn báo cáo bắt buộc để giám sát việc thực hiện kế hoạch này. Cụ thể là Chỉ thị về mua sắm phương tiện giao thông sạch (Clean Vehicles Directive) với những quy định bắt buộc trong việc mua sắm loại tài sản này.
Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đến năm 2030, tỉ lệ trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35% và tăng lên 50% vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy GPP.

Để thúc đẩy phát triển bền vững nói chung và GPP nói riêng, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư thay đổi công nghệ khiến chi phí sản xuất tăng cao, trước mắt có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Trong khi đó, muốn trúng thầu thì giá dự thầu phải rất cạnh tranh, tiết giảm tối đa chi phí cho ngân sách nhà nước.

Đây là thách thức rất lớn với các nhà thầu Việt Nam trong bối cảnh vẫn đang chịu tác động lớn từ dịch bệnh và kinh tế suy giảm. Tuy nhiên, các nghiên cứu chứng minh rằng GPP hiệu quả về mặt chi phí, đặc biệt trong các lĩnh vực mà sản phẩm xanh ngày càng gần với giá của sản phẩm thay thế không xanh (có tính đến chi phí vòng đời của sản phẩm). Vì hàng hóa “xanh hơn” được xác định trên cơ sở vòng đời nên GPP ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng và cũng sẽ kích thích việc sử dụng các tiêu chuẩn xanh trong mua sắm cá nhân, mua sắm tư nhân, chứ không chỉ trong lĩnh vực mua sắm công.