Thứ Tư | 06/08/2014 10:04

Nhập vàng gia công cho nước ngoài

Doanh nghiệp nhập hàng trăm kg vàng để gia công cho nước ngoài sau quy định mới về điều kiện sản xuất vàng trang sức.
Làm thuê trên chính sân nhà

Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2014, cơ quan này đã cấp hạn mức cho ba DN trong nước nhập khẩu 41,407 kg vàng nguyên liệu 24k để tái xuất sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng có một DN được gia hạn giấy phép năm 2013 tạm nhập tái xuất vàng.

Số liệu của Phòng quản lý Vàng (thuộc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2013 đã cấp hạn mức 116,4 kg vàng nguyên liệu cho 6 DN trong nước tạm nhập để gia công thành phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều công ty sử dụng chưa hết hạn mức hoặc số vàng tồn đầu kỳ còn lớn, một số hết hiệu lực hạn ngạch nhập khẩu đã phải tiếp tục gia hạn.

Số vàng nguyên liệu tạm nhập vào Việt Nam thời gian qua chủ yếu được các DN trong nước cầm vàng nguyên liệu của các công ty nước ngoài để gia công thành phẩm nữ trang. Theo các đơn vị gia công, một số công ty ở nước ngoài đưa vàng vào Việt Nam cho các DN trong gia công dây chuyền, nhẫn, hoặc một phần công đoạn trong các sản phẩm trang sức. Mức phí các đơn vị gia công trong nước nhận được bình quân khoảng 3,5 USD/gram vàng tùy từng sản phẩm theo đơn đặt hàng từ phía nước ngoài.

Số liệu thống kê từ cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng khối lượng vàng các đơn vị gia công thực nhập gần 30 kg, tương đương với hơn 125 triệu USD. Theo đó, xuất khẩu thành phẩm khoảng 30,5 kg, trong đó bao gồm cả vàng 24k và 18k, tương đương với giá trị 18,5 tỷ đồng. Hiện giá trị vàng tạm nhập tái xuất tồn cuối kỳ của các DN còn khoảng gần 800 ngàn USD…

Đó mới chỉ là số lượng tạm nhập tái xuất vàng của các công ty trong nước, chưa kể những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang sử dụng hình thức này để tận dụng các ưu đãi thuế, đất đai trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và nhân công giá rẻ của Việt Nam. Riêng khu vực DN FDI nằm trong các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong nửa đầu năm nay do có sẵn giấy phép hạn ngạch, đã nhập khẩu dưới dạng nguyên liệu 462 kg vàng 24k, họ cũng xuất khẩu gần 460 kg thành phẩm cho các công ty kinh doanh nữ trang quốc tế.

Bên cạnh đó, họ còn thu mua vàng 24k ở trong nước, nhiều người dân tháo cả nhẫn trơn ra bán khi thấy giá vàng tăng. Đặc biệt những DN FDI còn chọn những thời điểm giá vàng trong nước biến động giảm giá để thu gom sản phẩm nhẫn trơn 24k để phân kim gia công cho các nhà kinh doanh nữ trang quốc tế.

Sản xuất chuyển sang kinh doanh

Đến tháng 7/2014, trong số hơn 3.000 công ty được cho là có sản xuất kinh doanh nữ trang ở TP. Hồ Chí Minh, mới chỉ có khoảng 170 đơn vị đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cấp phép lại do đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong đó, 2/3 số này chỉ sản xuất vàng nhẫn trơn 99,99 và sản phẩm thủ công nên trang thiết bị, máy móc rất đơn giản. Số DN còn lại khoảng 2.800 công ty, trước kia sản xuất nữ trang, hầu hết chuyển đổi sang hình thức mua bán nữ trang. Phần lao động dôi dư trước đây đang hoạt động trong 3.000 công ty sản xuất hiện sẵn sàng làm cho các đơn vị gia công nữ trang cho nước ngoài.

Song, Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ lại có thêm ràng buộc những điều kiện về tuổi vàng đối với các sản phẩm trang sức mỹ nghệ, nên nhiều DN sản xuất nữ trang trước nay cũng phải giải thể chuyển sang gia công cho nước ngoài. Phần lớn những sản phẩm kinh doanh được sản xuất bằng máy móc thì DN đặt gia công tại các “chành” lớn và vẫn đang đóng mỹ ký hiệu của riêng mình và chịu trách nhiệm với sản phẩm đó phân phối nội địa. Đồng thời kinh doanh thêm các sản phẩm vàng trang sức khác của những công ty vàng có thương hiệu như PNJ, VJC, SJC và những DN đầu mối lâu năm ở TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc xưởng chế tác nữ trang SJC (Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP. Hồ Chí Minh), hiện nay chi phí giá thành gia công một sản phẩm nữ trang SJC có giá đến 300.000 đồng. Thế nhưng vẫn có những đơn vị gia công nhỏ lẻ thường gom nhẫn trơn mỗi khi giá vàng xuống để về nấu chảy phân kim… làm ra nữ trang. Sau đó, mang hàng trang sức đi giao tại các tiệm kim hoàn ở các chợ trong thành phố, giao về các tỉnh lẻ sẵn sàng chiết khấu cao và giảm chi phí gia công một bộ nữ trang xuống còn 100.000 đồng.

Thực tế những đơn vị gia công nữ trang truyền thống hiện rất khó cạnh tranh với các DN quy mô lớn trong ngành nữ trang về giá đầu vào nguyên liệu, đặc biệt uy tín thương hiệu. Chẳng hạn, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC hiện nay đã rất nổi tiếng với mặt hàng nữ trang vàng và Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ có thế mạnh với trang sức bạc. Hai nhà sản xuất nữ trang uy tín hàng đầu này chiếm lĩnh toàn bộ thị phần nữ trang, số nữ trang sản xuất tại các “lò” thủ công chỉ còn tìm phân khúc tiêu dùng ở các vùng xa xôi.

“Nhà nước xác định quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng theo Nghị định 24 là trên cơ sở lâu dài. Có thể trước mắt một số đơn vị làm nữ trang gặp khó khăn nhưng trong dài hạn, các đơn vị sản xuất nữ trang phải tăng đầu tư thiết bị, tăng hàm lượng chất xám trong khâu chế tác nữ trang, giảm hàm lượng vàng trên mỗi đơn vị nữ trang. Khi đó sản phẩm xuất khẩu là “trí tuệ thợ kim hoàn Việt Nam”, chứ không phải xuất khẩu trang sức mà thực chất là xuất khẩu vàng như đã từng xảy ra mấy năm trước của các DN” – ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Nguồn Thời Báo Ngân hàng


Sự kiện