Ngành cà phê hướng vào tiêu dùng nội địa
Theo đại diện của Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa), mặc dù cà phê là thứ đồ uống có mặt ở Việt Nam từ rất lâu, nhưng trước đây sản phẩm này chỉ phổ biến ở khu vực thành thị. Có lẽ vì lý do này mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong đó có Simexco Daklak, Minh Tiến tập trung tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh chế biến xuất khẩu.
Qua hơn 20 năm hoạt động, Simexco Daklak đã khẳng định là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam. Từ năm 1994 đến nay, công ty đã xuất khẩu hơn 1,6 triệu tấn cà phê (chiếm 8% sản lượng cà phê Việt Nam) đến 64 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Thành lập muộn hơn, nhưng doanh nghiệp tư nhân Minh Tiến cũng kịp xây dựng cho mình vùng nguyên liệu ở các vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp với cây cà phê như Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Lạt, Đăk Lăk, Buôn Ma Thuột để tạo ra các sản phẩm chủ lực Arabica, Robusta và Cheery để xuất khẩu tới các nước Nhật Bản, Đức, Mỹ, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới nên việc xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn, mặt khác nhu cầu tiêu dùng cà phê trong nước tăng cao, đặc biệt là sản phẩm cà phê hòa tan. Sau nhiều năm “đi xa” góp phần quảng bá cà phê Việt ra thị trường thế giới, các DN cà phê đã, đang quay về chinh phục người tiêu dùng trong nước bằng những sản phẩm độc đáo mang hương vị riêng, thông qua việc mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc hiện đại, liên kết vùng nguyên liệu, đẩy mạnh quảng bá, truyền thông...
Nỗ lực chinh phục người tiêu dùng
Để chinh phục khách hàng trong nước, ngoài việc cải tiến chất lượng, dịch vụ, các doanh nghiệp trong ngành cà phê Việt Nam cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước… nhằm tăng tỷ lệ cà phê chế biến quy mô công nghiệp từ 20 lên 40% năm 2015 và 70% năm 2020, đồng thời nâng cao mức tiêu thụ nội địa lên 15% trong 10 năm tới.
Điểm độc đáo trong chương trình, chính là sản phẩm mà các doanh nghiệp mang đến, rất đa dạng, đảm bảo 100% nguyên chất với hương vị cà phê thuần Việt. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp đều đã tự xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa từ liên kết phát triển vùng nguyên liệu, đến thu hái, chế biến... Đồng thời góp phần hỗ trợ phát triển bền vững cho cộng đồng dân cư trồng cà phê bằng cách tư vấn, hướng dẫn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật canh tác... đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.
Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký ViCoFa - cho biết: Sau hơn một tháng tổ chức, chương trình đã thu hút nhiều khách hàng đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, sứ quán nước ngoài tham dự và có những gợi ý hợp tác, đầu tư phát triển sản phẩm cà phê thương hiệu Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với thị trường gần 90 triệu dân, mức tiêu dùng cà phê nội địa mới đạt khoảng 8,6%, quá thấp so với các nước như Braxin (trên 43%), Indonesia (33%)... Điều này cho thấy sản phẩm cà phê của doanh nghiệp Việt chưa đủ sức hấp dẫn, hay các công ty chưa biết cách quảng bá thương hiệu? Trong khi đó các quán cà phê thương hiệu hoặc có hơi hướng nước ngoài như Stabucks, Highland, Gloria Jean’s, The Coffee Bean & Tea Leaf... vẫn thu hút đông khách hàng.
Nguồn Báo Công thương