Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng cần tập trung vào các giải pháp cụ thể. Ảnh: TL.

 
Ngọc Tâm Thứ Tư | 21/02/2024 09:57

Ngân hàng ở “thế khó”, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6%

Hiện room tín dụng không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng ngày 20/2, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.

Lý giải về tình trạng tín dụng giảm trong tháng đầu năm, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, đây là hiện tượng bình thường trong các tháng đầu năm do tâm lý khách hàng và các hoạt động kinh tế chưa sôi động do đây là mùa nghỉ lễ.

Phó Thốc đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú :
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú: "Mặc dù tín dụng có chậm lại trong tháng đầu năm nay, các ngân hàng cũng không nên cho vay bằng mọi giá, nhưng cũng không thể thắt chặt tín dụng". Ảnh: NHNN.

Theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, năm 2024 nhìn chung cơ chế dành cho tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là rất thoáng, không có vướng mắc. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm giảm do khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn chậm. Thêm vào đó, nhiều dự án đầu tư cũ đang còn những vướng mắc, chưa được các địa phương giải quyết triệt để, tồn đọng nhiều năm nên không thể giải ngân vốn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, đến hết tháng 1/2024, dư nợ cho vay của Ngân hàng giảm 2,3%, tương ứng khoảng 30.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỉ đồng, còn tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỉ đồng.

 

Với mảng tín dụng bán lẻ, nguyên nhân cho vay giảm trong tháng 1 do xu hướng vay bất động sản tiêu dùng suy giảm. Lý giải về điều này, ông Tùng giải thích, tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhu cầu vay mua nhà giảm. Số dự án mới được cấp phép cũng ít hơn, khiến nguồn cung hạn chế.

Tổng Giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, hiện lãi suất cho vay đã giảm, song nhu cầu vốn của thị trường chưa cao. Do đó, lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay trong bối cảnh hiện nay mà chủ yếu là làm thế nào để kích cầu được sức mua. Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng sụt giảm mạnh, với 16 công ty tài chính tiêu dùng nhưng trong năm qua dư nợ cho vay giảm hơn 20%, kể cả Fe Credit cũng khó tránh giảm. Mặc dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, do đó không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) ông Nguyễn Quốc Hùng, hiện room tín dụng không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay, kể cả cho vay cá nhân. Ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng. Hiện đối với tín dụng tiêu dùng xuất hiện các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội gia tăng, nhưng không có cơ quan quản lý nào xử lý, người vay chây ì trả nợ... Do đó, các công ty tài chính không dám mạnh tay cho vay. Đây cũng là cơ hội để tín dụng "đen" len lỏi vào đời sống người dân và nguy cơ gia tăng.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc tín dụng toàn hệ thống suy giảm trong tháng đầu năm một mặt cho thấy có tính chất quy luật (dịp trước và trong Tết Nguyên đán tăng trưởng tín dụng có xu hướng chững lại), mặt khác cũng cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, khiến khả năng hấp thụ vốn tín dụng yếu. Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng cần tập trung vào các giải pháp cụ thể, đơn cử như có thể định hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên và có khả năng phục hồi tốt theo như chỉ đạo của Chính phủ.

Có thể bạn quan tâm 

VinaCapital: Xuất khẩu của Việt Nam trên đà hồi phục

Nguồn Theo Ngân hàng Nhà nước