Trong nước, giá vàng miếng SJC bình quân biến động tăng theo giá vàng quốc tế. Ảnh: TL.

 
Nhật Anh Thứ Bảy | 20/04/2024 06:40

Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC

Sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng miếng trở lại để tăng cung vàng ra thị trường.

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng tăng là chủ đạo, trong đó có nguyên nhân: các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 khiến chỉ số đồng USD giảm điểm, nhu cầu về vàng tăng; Ngân hàng Trung ương một số nước tăng mua vàng; tâm lý lo ngại tình hình xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông. 

Trong nước, giá vàng miếng SJC bình quân biến động tăng theo giá vàng quốc tế. Giá vàng SJC đang lên tới 83,8 triệu đồng/lượng đối với chiều bán ra. Trong khi giá vàng nhẫn cũng đang ở mức 76,7-76,8 triệu đồng/lượng. 

Giá vàng trong nước ở mức cao. Ảnh: SJC.
Giá vàng trong nước ở mức cao. Ảnh: SJC.

Ngân hàng Nhà nước hiện đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu.

Cụ thể sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng miếng trở lại để tăng cung vàng ra thị trường. Trước đó vào năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 76 phiên đấu thầu, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng vàng và bán thành công 1.819.000 lượng, tương đương 69,9 tấn vàng. Trong số này có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường (theo VTV).

Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng lượng tiêu thụ vàng (vàng miếng và trang sức) của các chuỗi cửa hàng thương hiệu tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua vào khoảng 40-60 tấn mỗi năm. Trong khi đó, sản lượng khai thác trong nước chỉ đạt 5-6 tấn mỗi năm và các cửa hàng trang sức tái chế được 20-30 tấn vàng mỗi năm, khoảng trống còn lại là 10-40 tấn mỗi năm, tương đương 1-3 tỉ USD, phải phụ thuộc vào nguồn cung không chính thức. Con số này chưa tính đến mức tiêu thụ của các cửa hàng nhỏ lẻ. Chính sự thiếu hụt nguồn cung chính thức này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và toàn cầu.

 

Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC. Đối với chính sách quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết Nghị định 24. Tại tờ trình, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 để phù hợp với thực tế.

Ông Tuấn cho hay, các doanh nghiệp sản xuất có đơn hàng xuất khẩu vẫn được nhập khẩu vàng nguyên liệu và điều này cũng được quy định rõ tại Nghị định 24. Còn đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ trong nước, Vụ Quản lý ngoại hối sẽ tổng hợp các ý kiến, đánh giá lại và có báo cáo với Lãnh đạo NHNN xem xét.

“Vai trò quản lý thị trường vàng không chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước mà là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Do đó, để thị trường phát triển lành mạnh, ổn định cần có các giải pháp phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành có liên quan”, ông Tuấn nhấn mạnh. 

Có thể bạn quan tâm 

Tại sao đồng USD lại gây ra sự hỗn loạn ở các thị trường mới nổi?