Thứ Ba | 30/09/2014 16:46

NFSC: Chính sách cần giải phóng nguồn lực khu vực đầu tư tư nhân

Theo NFSC, đầu tư tư nhân là khu vực còn dư địa mở rộng, bởi vậy chính sách cần hỗ trợ và giải phóng tối đa nguồn lực của khu vực này.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) công bố báo cáo tình hình kinh tế 9 tháng và tháng 9/2014.

Theo NFSC, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định với chất lượng cao hơn. Đà phục hồi kinh tế được duy trì và tốc độ có dấu hiệu chuyển biến nhanh hơn, nhất là trong quý 3/2014, tạo điều kiện thuận lợi để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho cả năm.

GDP

Tuy nhiên, tổng cầu mặc dù cải thiện nhưng vẫn chưa đủ lực để tạo sức bật cho nền kinh tế và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, đầu tư tư nhân ở mức thấp.

Lạm phát cơ bản vẫn trong xu hướng giảm kể từ 1 năm qua và giảm xuống còn 3,12% trong tháng 9/2014 so với cùng kỳ. Với xu hướng trên, NFSC dự báo, nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì lạm phát cả năm 2014 chỉ trong khoảng 3 - 4%.

Lạm phát giảm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Lãi suất huy động VND phổ biến kỳ hạn 6 tháng giảm từ mức 7,2%/năm đầu năm 2014 xuống còn 6,1% ở 20/9. Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 năm cũng giảm từ mức trên 7%/năm tại đầu năm xuống dưới 5%/năm vào giữa tháng 9/2014. Thanh khoản hệ thống tiếp tục ở trạng thái tốt, hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ.

Tóm lại, trong 9 tháng đầu năm 2014 ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được đảm bảo và đà phục hồi kinh tế được duy trì. Tuy nhiên, mức độ phục hồi kinh tế còn thấp so với mục tiêu cũng như tiềm năng của nền kinh tế và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là tiêu dùng tư nhân cải thiện chậm và đầu tư tư nhân ở mức thấp.

Tổng cầu thấp và nợ xấu là hai nguyên nhân cơ bản cản trở đầu tư tư nhân. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm 2014, theo NFSC thì song song với tái cơ cấu nền kinh tế, cần có các biện pháp hỗ trợ tổng cầu, khuyến khích đầu tư tư nhân có hiệu quả.

Giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng 2014

NFSC lưu ý đầu tư tư nhân là khu vực còn dư địa mở rộng, bởi vậy chính sách cần hỗ trợ và giải phóng tối đa nguồn lực của khu vực này. Trong ngắn hạn, NFSC đề xuất gói 5 giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 2014.
Thứ nhất, trên cơ sở ổn định vĩ mô đang được đảm bảo, nhất là lạm phát có xu hướng giảm, NHNN xem xét cung cấp nguồn vốn với lãi suất thấp ưu đãi cho các tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng đến NIM của hệ thống tổ chức tín dụng.
Thứ hai, nghiên cứu sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước để VAMC mua nợ xấu. Trường hợp không tạo nguồn lực tài chính nhà nước để xử lý nợ xấu, cần kéo dài thời hạn tái cấp vốn trái phiếu đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm nguồn vốn dài hạn rẻ, từ đó mạnh dạn cung tín dụng dài hạn cho khu vực tư nhân, qua đó khuyến khích tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC.

Ban hành cơ chế đặc biệt về phát mại tài sản đảm bảo cho VAMC theo hướng tăng quyền cho VAMC quyết định phát mại tài sản, tổ chức đấu giá tài sản và các thủ tục tố tụng, thi hành án nhằm rút ngắn thời gian xử lý nợ, giảm chi phí xử lý nợ.
Thứ ba, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, nhất là đối với các dự án có tính lan tỏa cao như các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn vào nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản... Cần thiết, tạm ứng vốn đầu tư năm 2015 để hoàn thiện các dự án đầu tư công chuẩn bị hoàn thành và có hiệu quả cao.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Cuối cùng, NFSC khuyến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, cải cách hành chính, tái cấu trúc các tổ chức tín dụng.

Nguồn Theo DVO/NFSC


Sự kiện