Thứ Năm | 09/10/2014 14:31

Moody's: Chất lượng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam cải thiện

Đánh giá tín nhiệm tích cực gần đây đối với các ngân hàng Việt Nam chủ yếu xuất phát từ sự ổn định của môi trường hoạt động trong nước.
Hãng xếp hạng tín dụng Moody's cho rằng sự kết hợp giữa ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị cải thiện đã cho thấy một số khác biệt tín dụng giữa các ngân hàng Việt Nam, mặc dù ở vẫn ở mức khiêm tốn, được phản ánh qua những đánh giá xếp hạng tích cực của 6 ngân hàng hôm 22/9 vừa qua.

Trong báo cáo với tên gọi "Xu hướng ổn định môi trường vĩ mô sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam giải quyết vấn đề chất lượng tài sản", Moody's đưa ra một số phân tích chi tiết về những yếu tố cơ bản đằng sau những đánh giá xếp hạng tích cực gần đây với các ngân hàng Việt Nam.

Ông Eugene Tarzimanov, Phó chủ tịch kiêm chuyên viên tín dụng cao cấp của Moody's chia sẻ: "Những quyết định đánh giá xếp hạng tích cực gần đây với các ngân hàng Việt Nam chủ yếu là bởi sự ổn định trong môi trường hoạt động tại Việt Nam, một dấu hiệu tích cực cho các ngân hàng bởi nó hỗ trợ khôi phục chất lượng tài sản yếu kém của các ngân hàng, mang tới sự ổn định cho các cơ sở tiền gửi và cải thiện triển vọng kinh doanh".

Ngoài ra, một số ngân hàng Việt Nam cũng cải thiện các tiêu chuẩn quản lý và giảm khẩu vị rủi ro của mình, qua đó cải thiện các tiêu chuẩn bảo lãnh tín dụng, Tarzimanov nói thêm.

Báo cáo của Moody's đưa ra cái nhìn sâu hơn vào chiến lược của bản thân các ngân hàng Việt Nam và những bước để cải thiện quản trị, nhấn mạnh rằng một số ngân hàng đã tiến hành điều chỉnh nhiều hơn các ngân hàng khác để đối phó với các điều kiện thị trường bất lợi kể từ năm 2011. Những tiến triển đó, khi đi cùng với kinh tế vĩ mô ổn định, đã làm giảm đi những vấn đề về tài sản trên bảng cân đối của các ngân hàng và cũng cải thiện triển vọng hồi phục của những tài sản có vấn đề còn lại.

Tuy nhiên, báo cáo của Moody's cho rằng hồ sơ tín dụng và xếp hạng của các ngân hàng sẽ chỉ cải thiện nếu các tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành và năng lực tạo ra vốn cũng sẽ cải thiện đáng kể, và nếu các ngân hàng phân bổ lợi nhuận nhiều hơn cho những tài sản có vấn đề và giải quyết chúng.

Báo cáo của Moody's lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã hồi phục phần nào từ mức đáy ghi nhận năm 2012, và Việt Nam đã xoay xở để lạm phát ổn định ở mức thấp lịch sử. Thành tích này cho phép Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, lãi suất tái cấp vốn đã giảm xuống 6,5% đầu năm nay từ mức 15% đầu năm 2012.

Moody's cho rằng lãi suất thấp hơn là điều tích cực cho các ngân hàng Việt Nam bởi làm giảm gánh nặng nợ của bên đi vay và dẫn tới một số cải thiện trên thị trường bất động sản.

Các điều kiện kinh tế vĩ mô hỗ trợ, bao gồm lạm phát và tỷ giá ổn định, nhu cầu vay yếu đã cải thiện thanh khoản cho toàn bộ hệ thống ngân hàng, theo Moody's. Khi tăng trưởng huy động vượt xa tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ cho vay trên huy động của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng lên 82% trong tháng 6/2014, từ mức 87% tháng 6/2013.

Moody's hiện đang xếp hạng 9 ngân hàng Việt Nam, bao gồm 2 ngân hàng nhà nước và 7 ngân hàng thương mại cổ phần.

Nguồn Theo DVO/Moody


Sự kiện