Giá dầu thô tăng cao sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với chỉ số giá giao thông vận tải. Ảnh: Quý Hòa.

 
Việt Hà Thứ Hai | 18/04/2022 13:54

Lạm phát có thể tăng nhanh trong những quý cuối năm

Lạm phát trung bình trong quý I/2022 đã tăng 1,92% so với cùng kỳ (so với mức 0,3% so với cùng kỳ trong quý I/2021).

Mặc dù ở quý I/2022, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên giới phân tích cho rằng áp lực lạm phát sẽ tăng dần trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao tại các nền kinh tế lớn trên thế giới. Cụ thể, lạm phát trong tháng 2 của Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 1/1982. Lạm phát trong tháng 2 của Anh cũng tăng 6,2% so với cùng kỳ, là mức cao nhất trong 30 năm qua. 

Trong báo cáo mới nhất về tình hình vĩ mô trong nước, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết họ nhận thấy rủi ro lạm phát gia tăng trong những quý cuối năm do tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. 

Đầu tiên là giá dầu thô và khí đốt tự nhiên đã tăng đáng kể do khủng hoảng Nga - Ukraine. Giá dầu thô Brent trung bình ở mức 97,9 USD/thùng trong quý I/2022 (+59,7% so với cùng kỳ). VNDirect cho rằng giá dầu thô và khí đốt tự nhiên khó có thể sớm trở lại mức trước khủng hoảng. Do đó, trong kịch bản cơ sở, công ty chứng khoán này nâng dự báo giá dầu thô bình quân năm 2022 lên 88 USD/thùng. Giá dầu thô tăng cao sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với chỉ số giá giao thông vận tải.

Giá dầu thô tăng cao sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với chỉ số giá giao thông vận tải.
Giá dầu thô tăng cao sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với chỉ số giá giao thông vận tải.

Ngoài ra, việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào như than, thép, đồng, nhôm và giá cước vận chuyển cũng có thể tác động đến giá thành sản xuất của Việt Nam. Xung đột càng kéo dài thì tác động càng lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.

Đồng thời, việc tăng giá phân bón và các mặt hàng nông sản (lúa mì, ngô, lúa mạch) cũng có thể gây áp lực lên giá lương thực, thực phẩm trong nước, mặc dù tác động sẽ tương đối hạn chế.

 

Do đó, VNDirect kỳ vọng lạm phát sẽ nóng lên trong tháng tới và dự báo lạm phát trong quý II/2022 bình quân ở mức 3,1% so với cùng kỳ (so với 1,9% so với cùng kỳ trong quý I/2022). Công ty chứng khoán này cũng bày tỏ quan điểm tin rằng Chính phủ vẫn có thể kiểm soát được lạm phát bình quân năm nay dưới 4,0% như mục tiêu đề ra hồi đầu năm. “Chúng tôi nhận thấy Chính phủ đang thực hiện các giải pháp cần thiết để kiềm chế lạm phát trong năm nay, bao gồm giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để hạ giá xăng dầu trong nước và điều chỉnh giá dịch vụ công như học phí. Nhìn chung, chúng tôi duy trì dự báo lạm phát bình quân năm 2022 ở mức 3,45% so với cùng kỳ”, VNDirect nhận định. 

Đối với chính sách tiền tệ hiện hành, VNDirect đánh giá áp lực lạm phát khó có thể đảo ngược chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ít nhất là trong 3 - 6 tháng tới. VNDirect kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý II/2022 do 3 nguyên nhân chính. 

Đầu tiên, mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mức trần 4%. 

Thứ hai, sức cầu trong nước vẫn tương đối yếu, chưa phục hồi hoàn toàn về mức bình thường trước đại dịch và cuối cùng là Ngân hàng Nhà nước vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. 

Có thể bạn quan tâm 

Lạm phát 2022: Ẩn số của sức cầu

Những rủi ro đáng tiếc phát sinh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ là sự việc đơn lẻ