Làm giàu từ kinh tế tiêu dùng
Ba thập niên trôi qua kể từ cột mốc Đổi mới (1986), Việt Nam đã phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột quan trọng: xuất nhập khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng và tiêu dùng. Trong đó, tiêu dùng từng giữ vai trò then chốt trong tăng trưởng kinh tế, chiếm đến 84,3% GDP năm 1990 (theo số liệu từ World Bank). Ba trụ cột này đang hoạt động ra sao và kinh tế tiêu dùng đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với tăng trưởng trong tương lai?
Bàn đạp thúc đẩy tăng trưởng
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, khẳng định: “Việt Nam từ lâu đã là nền kinh tế được tiêu dùng thúc đẩy”. Mặc dù vai trò của tiêu dùng dần bị suy yếu theo thời gian, dưới tác động của sự gia tăng đầu tư và xuất nhập khẩu nhưng nhìn chung, tỉ trọng của tiêu dùng hộ gia đình đóng góp trong GDP tại Việt Nam luôn cao, đạt 65,1% GDP (2015). Đây là con số vượt xa Trung Quốc, hơn hẳn Indonesia, Ấn Độ và chỉ thua Mỹ. Gần đây, khi tăng trưởng ở khu vực tiêu dùng 9 tháng đầu năm sụt giảm (chỉ tăng 4,9% so với mức tăng 7,3% của cùng kỳ năm ngoái), đà tăng GDP của Việt Nam cũng giảm theo (tăng 5,9% so với 6,5% của 9 tháng năm 2015).
Trong khi đó, trụ cột thứ 2 là xuất nhập khẩu, từng được kỳ vọng tạo động lực cho tăng trưởng GDP của Việt Nam, lại đang bộc lộ nhiều vấn đề. Hai năm trở lại đây, Việt Nam liên tục nhập siêu. Tỉ trọng nhập siêu này hoàn toàn đến từ khối doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, xuất khẩu của các công ty nội địa Việt Nam năm 2015 giảm 3,5% so với cùng kỳ, ngược lại với công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại đạt tăng trưởng xuất khẩu 13,8%, đóng góp 71% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa động lực tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào khối FDI. Khối này có thể rút lui nếu đầu ra bị suy giảm và nếu họ không còn được hưởng những ưu đãi riêng dành cho doanh nghiệp FDI. Đây là cơ sở để giới chuyên gia lo ngại một nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu của FDI sẽ khó bền vững.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Sơn Phạm |
Còn với trụ cột thứ 3 là đầu tư, dù tăng trưởng đầu tư vẫn được duy trì và chỉ đứng sau tiêu dùng cá nhân trong đóng góp GDP, theo số liệu của World Bank, nhưng một nền kinh tế chỉ tập trung đầu tư có thể rơi vào cái bẫy như Trung Quốc. Nước này đã tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào đầu tư, nhanh chóng trở thành công xưởng thế giới và thu về rất nhiều ngoại tệ. Nhưng khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra làm sức mua giảm, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia này. Thay vì thúc đẩy tiêu dùng trong nước, Trung Quốc lại kích thích đầu tư, rót tiền cho các địa phương phát triển tràn lan cơ sở hạ tầng, bất động sản, xây những thành phố mới. Kết quả là dân không đủ tiền mua nên nhà làm không ai ở, nhiều thành phố bỏ hoang, nợ công của địa phương và doanh nghiệp tăng chóng mặt.
Nếu không cẩn thận, Việt Nam có thể sẽ đi vào vết xe đổ này. Bộ Kế hoạch Đầu tư công bố, phân nửa vốn đầu tư hạ tầng ở Việt Nam phải dựa vào vốn vay (ODA, phát hành trái phiếu chính phủ). Trong khi đó, Việt Nam lại không mạnh về các kỹ năng xây dựng, quản lý các công trình. Tất cả có thể tạo nên rủi ro cho hoạt động đầu tư của Việt Nam.
Ông Jonathan Dunn, Trưởng Đại diện Quỹ IMF tại Việt Nam. Ảnh: Sơn Phạm |
Từ những lo ngại kể trên, nên chăng Việt Nam nhìn lại vai trò kinh tế tiêu dùng và lựa chọn tiêu dùng như một bàn đạp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai? Ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, chia sẻ: “Không chỉ Việt Nam mà tại các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, tỉ trọng đóng góp của tiêu dùng tư nhân trong GDP đang tăng”. Trung Quốc đang hướng đến tiêu dùng cũng như dịch chuyển sản xuất sang các hàng hóa cho giá trị gia tăng cao hơn. Đây là cơ hội cho Việt Nam trong việc mở rộng thị phần ở những ngành thâm dụng lao động và đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như các nước lân cận.
Ở Việt Nam, theo dự đoán của World Bank, từ nay đến năm 2018, tiêu dùng tư nhân tiếp tục tăng và đóng góp chính cho tăng trưởng GDP. Nhân tố thúc đẩy tiêu dùng gia tăng đến từ giá hàng hóa thế giới lương thực, kim loại đều đã giảm so với thời kỳ đỉnh cao (2009-2010), theo IMF. Ngoài ra, số liệu 6 tháng năm 2016 từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, khoảng 35-40% tín dụng của nền kinh tế đang đổ vào bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng. Đây cũng là những lĩnh vực đạt tăng trưởng tín dụng mạnh nhất so với cùng kỳ (27,5%). Đáng chú ý, theo báo cáo của tổ chức BCG, sự lạc quan của người tiêu dùng đô thị và tầng lớp trung lưu, giàu có ở Việt Nam ngày càng tăng, có thể đạt tới 33 triệu người vào năm 2020, hứa hẹn kích thích tiêu dùng bùng nổ.
Bài toán năng suất
Nhưng theo ông Nguyễn Xuân Thành, thách thức cho Việt Nam là tiêu dùng thường đi cùng với nhập khẩu tăng. Hiện tại, Việt Nam không chỉ nhập máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào, mà còn nhập gạo, thịt, rau quả... Đáng chú ý, Việt Nam ngày càng nhập khẩu nhiều hàng hóa thực phẩm từ Hàn Quốc, Nhật và Thái Lan. Điều này ít nhiều phản ánh thực trạng hàng hóa Việt Nam chưa thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng và sản phẩm Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. “Việt Nam chỉ tăng trưởng tiêu dùng bền vững nếu gia tăng năng lực cạnh tranh, tăng chất lượng thể chế và tăng năng suất lao động ”, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Gia tăng năng suất lao động có liên quan đến con người và công nghệ. Ở khía cạnh khác, theo ông Lương Quang Thi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp thương mại ABA, để cải tiến năng suất, Việt Nam cần tập trung làm những việc mà mình giỏi nhất, không nên làm tất cả. Ông Jonathan Dunn nhấn mạnh: “Một nền kinh tế năng suất thấp là hiện tượng không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới, nó làm chậm lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế qua tiêu dùng”. Cải thiện năng suất lao động là việc đòi hỏi nhiều thời gian và đồng bộ nhiều chiến lược phát triển. Vì thế, theo ông Jonathan Dunn, còn một cách khác để kích thích tiêu dùng, đó là “ổn định vĩ mô”. Ngoài ra, Nhà nước có thể dành ưu tiên vốn và tạo những thuận lợi về chính sách cho nghiên cứu phát triển sản phẩm, thúc đẩy sản xuất tiêu dùng và khuyến khích chi tiêu tư nhân.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thế Giới Di Động. Ảnh: Sơn Phạm |
Ở góc độ tăng năng suất trong doanh nghiệp, quan điểm của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thế Giới Di Động (MWG), là cần kích thích nhân viên “làm nhiều, hưởng nhiều”. Ông nói, khi một cái máy lạnh chuyển lên xe của nhân viên giao hàng là người quản lý có thể ước lượng được thời gian đi, đến của sản phẩm. Nhân viên không có thời gian để la cà và nhờ vậy mà năng suất lao động ở MWG luôn gấp 2-3 lần các doanh nghiệp khác. “Không có công ty nào trả cho đội ngũ giao nhận lắp ráp mười mấy triệu đồng mỗi tháng như chúng tôi. Trả cao nhưng chi phí trên một sản phẩm lại thấp nhất, vì bạn phải có một hệ thống vận hành và kiểm soát tốt”, ông Đức Tài cho biết.
Cũng với tư duy này, ông nói: “Một người làm sẽ không thể bằng 10 người, bạn cần phân quyền rất mạnh và tạo điều kiện để con người xung quanh bạn quyết định năng suất và thành quả, cũng như trách nhiệm lao động của chính họ”. Đó là lý do vì sao từ khi mới thành lập, MWG mất 3 năm để lập 40 cửa hàng đầu tiên nhưng đến nay, chỉ trong 6 tháng, Công ty đã có thể mở được hơn 300 cửa hàng mới.
Bài toán con người
Nền kinh tế tiêu dùng không chỉ có năng suất lao động tốt là đủ, yếu tố đặc biệt quan trọng hơn lại là khả năng kích thích người tiêu dùng cuối cùng. Nói cách khác là làm sao để người tiêu dùng trở thành trung tâm? Đặc thù của ngành hàng tiêu dùng là số lượng doanh nghiệp tham gia ngày càng đông đảo nên cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC chỉ ra, doanh nghiệp cần nắm bắt những chuyển biến tâm lý tiêu dùng mới. Theo đó, xu hướng tiêu dùng trong những năm tới sẽ tập trung vào tầng lớp trung lưu, nhất là ở các thị trường mới nổi. Tổ chức Trajectory ước tính đến năm 2020, số lượng người có thu nhập trung bình (10-20 USD/ngày) sẽ tăng lên 3,2 tỉ người. Đặc biệt, 5 năm tới, số người sử dụng các thiết bị thông minh sẽ đạt tới 6,1 tỉ người. Điều này đã và sẽ còn làm thay đổi hành vi tìm kiếm, lựa chọn, thanh toán và đòi hỏi của người tiêu dùng.
Hiểu rõ tâm lý, tính cách, nhu cầu của các đối tượng khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp có hướng tiếp cận phù hợp và hiệu quả. Thực tế, dù là đối tượng nào, nghiên cứu của Trajectory cho thấy, tâm lý người tiêu dùng có xu hướng chọn mua những nhãn hiệu uy tín, đáng tin cậy và rất chú ý đến yếu tố tiêu dùng bền vững. Đó là lý do vì sao Unilever theo đuổi các mục tiêu kinh doanh bền vững từ nhiều năm nay trên quy mô toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, theo bà Nguyễn Thái Hải Vân, Phó Chủ tịch Công ty Unilever Việt Nam, 70% nhãn hàng của Unilever đạt tiêu chuẩn bền vững. Theo đó, các nhãn hiệu này đều tăng trưởng 30% so với những nhãn hiệu chưa đạt tiêu chuẩn bền vững. Chiến lược phát triển bền vững của Unilver gồm 3 mục tiêu lớn là giảm tác động môi trường, chú ý đến sức khỏe-chất lượng sống và cải thiện cơ hội việc làm.
Còn đối với Công ty Vinamilk, một niềm tự hào trong lĩnh vực hàng tiêu dùng ở Việt Nam, bền vững là chú ý đến môi trường và năng lượng, có trách nhiệm với sản phẩm, trách nhiệm với người lao động, tham gia phát triển kinh tế địa phương và hỗ trợ phát triển cộng đồng. Về mặt quản trị doanh nghiệp, mô hình kinh doanh tỉ USD bền vững của Vinamilk là sự cân bằng của 4 nhóm lợi ích: nông dân (thu mua sữa, hỗ trợ kỹ thuật nuôi bò), nhân viên công ty (chế độ đãi ngộ tài chính, huấn luyện lao động bậc cao), đối tác (chăm sóc nhà đầu tư, ưu đãi đại lý, người tiêu dùng) và đại diện vốn nhà nước (cân bằng lợi ích và giải quyết mâu thuẫn).
Trong khi đó, đối với MWG, mô hình phân phối thiết bị tiêu dùng công nghệ thực hiện kinh doanh bền vững trên nguyên tắc “khách hàng là... con người”. MWG đã đi qua giai đoạn sống sót để hướng đến sự tử tế và vì khách hàng. MWG không còn chú ý đến việc săm soi túi tiền của khách hàng như nhiều năm về trước mà chỉ quan tâm đến nhu cầu, sự thoải mái, thuận tiện cho họ. Ông Đức Tài kể lại: “Năm năm đầu khởi nghiệp, chúng tôi nhìn vào túi tiền khách hàng. Một vài năm sau đó, chúng tôi nhìn vào túi tiền khách hàng và ý thức chăm sóc khách hàng của mình. Những năm gần đây, chúng tôi nhìn vào trái tim và sự mong đợi của khách hàng. Chính tinh thần kinh doanh này đã giúp MWG đi từ doanh thu vài trăm ngàn USD lên quy mô tỉ USD. Nó cũng giống như một sự chi tiêu tiêu dùng tự nguyện”.
Tuy nhiên, nỗi lo của các công ty mới ra đời là thường không đủ kinh phí để theo đuổi các kế hoạch tiếp cận khách hàng một cách có quy mô. Đây cũng là bài toán trong một nền kinh tế tiêu dùng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ như ở Việt Nam. “Không đủ tiền thì nên nhắm đến đúng đối tượng và khoanh vùng làm marketing, phân phối. Chi phí sẽ không đáng kể”, ông Đức Tài đúc kết kinh nghiệm. Ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Thái Hải Vân cho biết thêm: “Trong một nền kinh tế tiêu dùng, người tiêu dùng sẽ là trung tâm. Các doanh nghiệp thành công trong kinh tế tiêu dùng thế giới không đơn giản là bán một sản phẩm. Họ cần thấy, kể và tiếp cận tâm tư, nguyện vọng của người tiêu dùng. Chỉ khi người tiêu dùng bày tỏ được nhu cầu ẩn sâu trong họ, doanh nghiệp mới có thể tiếp cận thành công khách hàng, trước khi nghĩ đến các hoạt động khác như làm thị trường, phân phối…”
Ngọc Thủy