Thứ Năm | 20/12/2012 08:24

Không dễ ra khỏi diện công ty đại chúng

Để tránh bị thâu tóm, nhiều công ty muốn rời sàn để tái cơ cấu, tuy nhiên, các công ty không dễ dàng để ra khỏi diện công ty đại chúng.
Nhiều công ty muốn ra khỏi diện công ty đại chúng

Công ty cổ phần Nước Giải khát - Tribeco ( TRI) là một trường hợp điển hình cho việc cổ đông lớn kiểm soát mọi quyết định của công ty. Theo báo cáo thường niên năm 2011, có tới 87% số cổ phần của Tribeco do các nhóm cổ đông lớn (sở hữu trên 5% cổ phần) nắm giữ, chỉ còn lại 13% thuộc về các cổ đông nhỏ.

Từ lâu, thị trường đã biết tới việc thương hiệu nước giải khát có tiếng một thời bị chi phối bởi hai cổ đông lớn là Công ty Uni-President và “nhóm” Kinh Đô. Hai cổ đông lớn này sở hữu lần lượt 43,56% và hơn 24% cổ phần của Tribeco. Với tỷ lệ nắm giữ áp đảo này, có thể thấy, mọi quyết định tại cuộc họp Đại hội cổ đông Tribeco chỉ mang ý nghĩa thủ tục. Riêng hai cổ đông lớn này cũng đã đủ thông qua mọi quyết định quan trọng.

Thực tế đã có lúc, Tribeco gặp phiền toái về cổ đông nhỏ. Chẳng hạn, trước khi hủy niêm yết, ông Nguyễn Xuân Luân, một lãnh đạo cũ của Tribeco, phải làm thủ tục kỹ thuật chào mua công khai lại 25% cổ phần của công ty. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Công ty chứng khoán Bảo Việt - đơn vị được ủy thác, chỉ có vài chục nghìn cổ phiếu được bán lại.

Sau này, khi Tribeco bất ngờ triệu tập cuộc họp Đại hội cổ đông bàn việc giải thể, cổ đông nhỏ cũng là một trở ngại lớn. Khi đó, theo ý kiến của ông Nguyễn Tri Bổng, nguyên thành viên Hội đồng quản trị Tribeco, để đảm bảo quyền lợi với các cổ đông nhỏ, Uni-President nên mua lại số cổ phần trôi nổi bên ngoài. Giá mua là 2.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thực tế, kết quả cũng cực kỳ khiêm tốn. Theo ông Bổng, Tribeco niêm yết trên thị trường chứng khoán từ năm 2002, sau nhiều lần phát hành thêm chia thưởng, có hàng trăm nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu TRI dưới 1 lô. Với giá mua này, cổ đông không có động lực để giao dịch.

Thực tế đang xuất hiện nhiều công ty đại chúng kiểu như Tribeco. Công ty có nhiều cổ đông nhưng toàn bộ hoạt động do một nhóm cổ đông lớn chi phối, nhưng về nguyên tắc, mọi việc vẫn phải thông qua tại cuộc họp Đại hội cổ đông.

Chẳng hạn, một công ty niêm yết hiện có 89% cổ phần thuộc về 3 cá nhân. Lo ngại bị thâu tóm và nhận thấy khó có khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán vài năm tới, nhóm cổ đông muốn ra khỏi diện công ty đại chúng, hủy niêm yết để tái cấu trúc trở thành công ty cổ phần. Nhóm cổ đông lớn sẵn lòng mua lại 10% còn lại với giá cao hơn nhiều giá thị trường. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này tiên liệu khó có thể mua lại hết cổ phần từ vài trăm cổ đông, đặc biệt với những cổ phiếu lô lẻ, cổ đông không tìm thấy động cơ để giao dịch. Kết quả công ty niêm yết này vẫn đang loay hoay thuê đơn vị tư vấn.

Một trường hợp khác là một công ty cổ phần chuyên cung cấp thiết bị y tế, có trụ sở trên đường Tô Hiến Thành (TP HCM). Mấy năm trước, công ty này bán đấu giá cổ phần ra công chúng. Sau một thời gian, lãnh đạo Công ty đã mua lại cổ phần của một số cổ đông. Hiện công ty này có dưới 100 cổ đông nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng vì vướng quy định “công ty đại chúng là công ty đã chào bán cổ phiếu ra công chúng”. Lãnh đạo công ty này muốn chuyển đổi thành công ty cổ phần không đại chúng, nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được.

Muốn huỷ danh công ty đại chúng, phải chờ thêm 1 năm

Nghị định 85/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực từ 15/9/2012 quy định như sau:

Ngày trở thành công ty đại chúng được tính từ ngày hoàn thành việc góp vốn đầy đủ và số cổ đông được ghi nhận trong sổ cổ đông có từ 100 nhà đầu tư trở lên. Công ty đại chúng có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban chứng khoán (UBCK) trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày không đáp ứng được các điều kiện là công ty đại chúng.

Ngày công ty không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng là ngày mà vốn điều lệ đã góp không đủ 10 tỷ đồng tính trên báo cáo tài chính năm gần nhất có kiểm toán hoặc có số lượng cổ đông thấp hơn 100 người theo xác nhận của Trung tâm Lưu ký chứng khoán hoặc sổ cổ đông hoặc cả hai điều kiện trên.

Ngoại trừ trường hợp công ty không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng do hợp nhất, sáp nhập, phá sản, giải thể, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc bị sở hữu bởi một tổ chức hoặc cá nhân khác, sau 1 năm kể từ ngày không còn đáp ứng được các điều kiện là công ty đại chúng, UBCK xem xét huỷ đăng ký công ty đại chúng.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện