Hình ảnh tại Cảng ICD Transimex. Ảnh: TMS.

 
Minh Đức Thứ Sáu | 16/07/2021 15:31

Khi nào giá cước vận tải biển đảo chiều?

Sự leo thang của các yếu tố ngắn hạn có thể đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao mới và mức này sẽ không bền vững trong dài hạn.

Giá cước giao ngay tiếp tục tăng trên tất cả các tuyến dịch vụ trong những tháng gần đây. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc xu hướng này có thể tiếp tục duy trì trong bao lâu trước khi điều chỉnh về mức ổn định hơn.

Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research, hiện nay có rất nhiều yếu tố tác động đến thị trường vận tải biển. Khó có thể nói chính xác mức độ tác động của mỗi yếu tố vào tình trạng này.

Tuy nhiên, SSI Research cho biết họ nhận thấy rằng một số yếu tố chỉ mang tính chất tạm thời và chắc chắn sẽ đảo chiều trong thời gian thích hợp, trong khi một số yếu tố khác là khá dài hạn và sẽ không sớm thay đổi. Điều này cho thấy sự leo thang của các yếu tố ngắn hạn có thể đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao mới, mức giá cước cao như vậy sẽ không bền vững trong dài hạn. Theo đó, SSI Research đưa ra một số yếu tố ngắn hạn có thể giảm dần trong thời gian tới.

 

Thứ nhất, nhu cầu dồn nén sau dịch và hoạt động tăng nhập hàng tồn kho ở Bắc Mỹ/Châu Âu. Thông thường có hai mùa cao điểm xuất khẩu từ Châu Á sang Bắc Mỹ/Châu Âu, đó là tháng 7 (mùa tựu trường) và tháng 10 (mùa Giáng sinh). Hiện tại, một số hãng đã bắt đầu áp dụng phụ phí mùa cao điểm cho các tuyến dịch vụ này. Đây là động lực ngắn hạn tác động mạnh nhất đến việc tăng giá cước và chúng tôi cho rằng điều này sẽ chưa kết thúc cho đến cuối năm 2021.

Thứ hai, giãn cách xã hội và tắc nghẽn tại các cảng Trung Quốc. Các sự kiện gần đây ở các cảng Yan Tian và Kaohsiung (Cao Hùng) có thể sẽ được kiểm soát trong vài tuần. Tương tự như sự kiện Kênh đào Suez, các sự kiện cục bộ này gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể mất vài tháng để giải quyết các tắc nghẽn này. Ngoài ra, các nhà đầu tư nên theo dõi các sự kiện tương tự - ít nhất là cho đến khi chuỗi cung ứng được bổ sung nguồn cung.

Thứ ba, Ấn Độ kiểm soát được dịch COVID-19 và phục hồi năng lực sản xuất. Các ca nhiễm COVID-19 mới của Ấn Độ đã đạt đỉnh và giảm mạnh trong thời gian gần đây, và một số khu vực đang gỡ bỏ một số biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên khó có thể dự báo chắc chắn về thời điểm Ấn Độ có thể phục hồi hoàn toàn năng lực sản xuất, vì luôn có nguy cơ bùng phát dịch COVID đặc biệt là với sự xuất hiện của biến thể Delta Plus.

 

Thứ tư, nguồn cung tàu biển mới sẽ được đưa vào hoạt động từ nửa cuối năm 2022 và năm 2023, rất có thể khi nhu cầu tăng trong ngắn hạn đã trở về mức bình thường. Theo dữ liệu của Alphaliner, tỉ lệ đơn đặt hàng trên tổng công suất hiện tại đã tăng từ 10% vào tháng 1.2020 lên 18,4% trong tháng 6.2021.

Tuy nhiên, SSI Research đánh giá điều này sẽ không giúp giảm bớt tình trạng thiếu cung trong thời gian tới, vì nhu cầu sẽ tăng nhanh hơn nguồn cung trong năm 2021 và 2022. Alphaliner cũng ước tính rằng công suất hoạt động sẽ tăng ở mức 4,2% trong năm 2021 và 3,2% trong năm 2022, trong khi sản lượng vận tải toàn cầu sẽ tăng ở mức 5,8% trong năm 2021 và 4,0% trong năm 2022. Công suất tăng thêm trong năm 2023 ước tính sẽ tăng gấp đôi so với năm 2022 và nguồn cung dự kiến sẽ tăng tốc kể từ năm 2023.

Như vậy, trong ngắn hạn những yếu tố tác động đến giá cước vận tải biển có thể thay đổi, tác động phần nào đến sự đảo chiều của xu hướng này. 

Có thể bạn quan tâm 

Giá cước vận tải tăng cao mở ra cơ hội cho doanh nghiệp khai thác tàu và kho bãi