Mức giá hiện tại của mặt hàng cà phê nhân đã gấp hơn 2 lần so với mức giá của cùng kỳ năm 2023. Ảnh: PV.

 
Nhật Anh Thứ Sáu | 08/03/2024 11:58

Giá cà phê trong nước vượt mốc 90.000 đồng

Số liệu từ Giacaphe.com, giá cà phê trong nước đã vượt mốc 90.000 đồng/kg.

Trong đó, Đắk Nông và Đắk Lắk là hai tỉnh có mức giá cà phê cao nhất, lần lượt là 90.100 và 90.000 đồng/kg. Trong khi mức giá ở Lâm Đồng và Gia Lai lần lượt là 88.700 và 89.200 đồng/kg. Mức giá hiện tại của mặt hàng cà phê nhân đã gấp hơn 2 lần so với mức giá của cùng kỳ năm 2023. 

Một số đại lý thu mua cà phê ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho hay, do nguồn cung tại thị trường đang khan hiếm nên giá được đẩy lên cao. Một phần do trước đó nhiều gia đình đã thực hiện chốt giá khi cà phê lên mức 70-80.000 đồng. 

Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên. Nguồn: Giacaphe.com
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 7/3. Nguồn: Giacaphe.com

Về phía người dân, nhiều gia đình vẫn đang trữ cà phê trong kho để chờ đợi giá tăng thêm. Chia sẻ với Phóng viên Nhịp Cầu Đầu Tư, cô Nguyễn Thị Xoan (Di Linh, Lâm Đồng) cho hay, khi giá cà phê lên 80.000 đồng, cô đã có ý định bán toàn bộ số cà mà gia đình thu được trong vụ mùa 2023, tuy nhiên, hàng xóm vẫn đang giữ cà phê trong kho, nên cô cũng chưa vội bán. 

Một trường hợp khác, chú Trần Đình Hữu (hàng xóm với cô Xoan) chia sẻ rằng, hiện tại lãi suất ngân hàng đang thấp, nên chú Hữu chọn giữ cà phê trong kho để chờ giá tăng, thay vì bán cà phê và gửi ngân hàng như những năm trước. 

 

Theo Báo Công Thương, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 438 nghìn tấn cà phê, thu về 1,38 tỉ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục khi vượt qua mốc 1 tỉ USD chỉ sau 2 tháng. Điều này khiến nguồn hàng trong nước thiếu hụt, nhất là trong bối cảnh sản lượng năm qua giảm, từ đó cũng thúc đẩy giá cà phê trong nước tăng cao. 

Theo Công ty tư vấn và thông tin thị trường Mordor Intelligence, thị trường cà phê đang phát triển do văn hóa tiêu thụ cà phê như một thức uống giải khát ngày càng tăng trong giới trẻ, đặc biệt là ở Ấn Độ, Ý, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines. Ngoài ra, thu nhập khả dụng ngày càng tăng cùng với quá trình đô thị hóa là yếu tố chính góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường cà phê. Mặt khác, những lợi ích sức khỏe khác nhau của việc tiêu thụ cà phê, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đốt cháy chất béo và tiêu thụ năng lượng cao từ lượng caffeine tăng đột biến, cũng đang thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.

Nhiều quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là người tiêu dùng trà truyền thống. Tuy nhiên, sự thâm nhập ngày càng tăng của cà phê hòa tan vào các thị trường như Ấn Độ đã thúc đẩy doanh số bán chung của loại cà phê này. Nhật Bản là nước nhập khẩu cà phê và các sản phẩm cà phê lớn thứ năm.

Chẳng hạn, theo Tổ chức Cà phê Quốc tế, trong năm 2020-2021, Nhật Bản đã nhập khẩu 6.751 bao hạt cà phê xanh. Tương tự như nhập khẩu, Nhật Bản đã tiêu thụ 7.479 bao vào năm 2021. Ngoài ra, cà phê đã trở thành một phần văn hóa ở Trung Quốc đại lục. Chẳng hạn, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), từ năm 2018 - 2019 đến 2020 - 2021, tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc đã tăng 140%. Ngoài ra, nhu cầu uống cà phê ngày càng tăng và sự sẵn sàng thử các mùi hương mới ngày càng tăng đã thúc đẩy nhu cầu cà phê trong khu vực.

Có thể bạn quan tâm 

Mỗi ngày Việt Nam thu gần 2.800 tỉ đồng từ xuất khẩu máy móc