Thứ Hai | 16/11/2015 11:35

Eximbank chia tay sau "thâu tóm" vì tụt dốc?

Với mức lãi trung bình 2.000 – 3.000 tỷ đồng mỗi năm, Eximbank (EIB) bỗng nhiên rơi rất sâu về doanh thu và lợi nhuận sau khi “thâu tóm” với Sacombank (STB)?

Câu hỏi này cho đến nay vẫn nóng khi mà những diễn biến mới tại EIB được dư luận tiếp tục chú ý, đặc biệt là kể từ ngày 21/10/2015, khi EIB không còn người đại diện phần góp vốn tại STB. Điều gì đang xảy ra? Còn nhớ, cuộc “tấn công” của EIB vào STB hồi năm 2010 diễn ra khá âm thầm khi giá cổ phiếu STB xuống thấp. Đầu năm 2012, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT EIB, công bố nhóm nhà đầu tư mà EIB đại diện đã nắm trên 51% vốn cổ phần của STB và yêu cầu bầu lại toàn bộ HĐQT và Ban Kiểm soát.

Bất ngờ chia tay

Từ một ngân hàng nhỏ, EIB bỗng chốc nổi bật với vai trò người dẫn dắt trong một cuộc “thâu tóm” đình đám nhất trong lịch sử ngành ngân hàng VN. Ông Phạm Hữu Phú, người của EIB, trở thành Chủ tịch HĐQT STB. Với hàng loạt các thông tin về sự hợp tác toàn diện giữa STB với EIB về vụ hợp nhất giữa 2 ngân hàng này đã tạo ra một ngân hàng hàng đầu trên thị trường với quy mô tài sản vào khoảng 330 nghìn tỷ đồng, lớn nhất trong khối ngân hàng tư nhân và bám sát Vietcombank.

Tuy nhiên, mới đây giới đầu tư lại một lần nữa bất ngờ, bởi theo thông tin công bố, ông Nguyễn Vạn Lý và ông Hà Tôn Trung Hạnh không còn là đại diện phần vốn góp của EIB tại STB. Hiện tại, EIB sở hữu gần 9,8% vốn điều lệ của STB (hơn 1.200 tỷ đồng). Còn sau khi STB sáp nhập với Southern Bank (vốn điều lệ mới là 18.852 tỷ đồng), phần vốn của EIB chiếm khoảng 6,4%. Với tỷ lệ đầu tư ban đầu 9,73% (tương đương giá trị đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng) EIB đã trở thành cổ đông lớn nhất của STB từ đầu năm 2012 đến nay. EIB – STB đã từng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược toàn diện vào đầu năm 2013 sau một thời gian EIB trở thành cổ đông lớn của STB. Bản ghi nhớ giữa hai bên đã khiến nhiều người liên tưởng đến một thương vụ hợp nhất và hai nhà băng trên sẽ về chung một nhà. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn hai ngân hàng này lại bất ngờ chia tay theo lộ trình thoái vốn của Thông tư 36 của NHNN về siết chặt sở hữu chéo

Eximbank chia tay sau

Do tụt dốc sau sở hữu chéo

Có thể nói, từ một nhà băng nổi danh đình đám với quy mô tài sản lớn và nằm trong “câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận”, hai năm sau sáp nhập, EIB đã nhanh chóng rớt ra xa khỏi tốp 5 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) lớn nhất. So về hầu hết các chỉ tiêu, EIB đang ngày càng thua xa so với ACB, MBB và SHB…

Về lợi nhuận, EIB đã lao dốc không phanh từ vị trí thứ 4 năm 2012 xuống thứ 10 năm 2013 và nằm trong số những ngân hàng tốp cuối cùng trong năm 2014. Đây thực sự là một bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư cũng như cổ đông của EIB

Báo cáo tài chính của EIB cho thấy, nguyên nhân thực sự kiến ngân hàng này có kết quả kinh doanh tụt dốc trong năm 2014 là do dự phòng rủi ro tăng mạnh. Riêng trong quý IV/2014, khoản dự phòng đã lên tới gần 600 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước đó. Và tính cả năm, dự phòng cũng tăng gấp 3 lần so với năm liền trước. Có thể thấy, việc tận dụng cơ hội đẩy trích lập dự phòng cao để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong giai đoạn này. Kéo nợ xấu xuống dưới 3% là yêu cầu bắt buộc của NHNN và cũng là điều kiện để EIB được phép cho vay kinh doanh chứng khoán theo Thông tư 36/NHNN. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khác của EIB cũng thua lỗ khá nhiều.

Trong thời gian tới, rất có thể EIB sẽ nhận sáp nhập NamABank. Điều này giúp Eximbank có sự tăng vọt về tổng tài sản và quy mô vốn. Dù vậy, điều này không có gì đảm bảo cho EIB có thể lấy lại được vị thế của mình.

Không những vậy, năm 2014, nợ xấu EIB tăng đột biến, từ 1,98% cuối 2013 lên cao điểm 3,36% và chốt năm ở 2,46%. Cuối năm 2013, nợ xấu của Eximbank chỉ 1.652 tỷ đồng, nếu cộng cả nhóm nợ cần chú y thì số tổng cũng chưa đến 3.000 tỷ đồng. Vậy, vì sao và bằng cách nào Eximbank dồn được một lượng tới 4.000 tỷ đồng để bán cho VAMC đến nay vẫn là câu hỏi đặt ra với nhiều chuyên gia tài chính? Theo chuyên viên kiểm toán KPMG Nguyễn Hữu Hùng, xử lý nợ xấu cần một quá trình và thời gian, thậm chí thời gian dài. Hơn nữa, trong hoạt động ngân hàng, tăng khả năng hạch toán lãi bằng thu hồi lãi khê đọng trong nợ xấu là yêu cầu tiên quyết, để bớt lỗ. Còn EIB nhanh chóng dồn ghi nhận nợ xấu và bán ngay cho VAMC, dĩ nhiên là tăng hạch toán lỗ. Sau khi dồn nợ xấu, cắt bán một lượng lớn 4000 tỷ cho VAMC, trích lập dự phòng tăng vọt, nên lợi nhuận từ ngàn tỷ của EIB xuống còn 57 tỷ đồng. Và đương nhiên “bồ thóc” tạo lãi của EIB cũng đột ngột bé lại. Trên báo cáo tài chính, khoản mục “Các khoản lãi, phí phải thu” những kỳ báo cáo từ cuối 2014 đến nay của EIB sụt giảm rất mạnh. Như trong kỳ có biến động nói trên, tại thời điểm 31/12/2014 chỉ còn hơn 1.407 tỷ đồng.

Kỳ vọng mạnh lên nhờ thoái vốn?

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính ngân hàng, quá trình thực hiện tái cơ cấu, EIB là ngân hàng có diễn biến khá phức tạp nhất khối các NHTMCP sáp nhập được NHNN thông qua đề án.

Năm 2015, EIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 1.000 tỷ đồng, trả cổ tức cho cổ đông dự kiến 4,8% bằng tiền mặt. Nếu ban lãnh đạo thực hiện được điều này là một nỗ lực không nhỏ của EIB, vì năm 2014 ngân hàng đã không chia một đồng cổ tức nào cho cổ đông vì phải trích lập dự phòng rủi ro quá lớn. Tính đến hết quý II/2015, EIB đã trích lập dự phòng rủi ro được 166 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý II/2015 đạt 570 tỷ đồng. Nợ xấu ở mức 2,82%. Theo ông Hùng, vấn đề cốt lõi của EIB là nhân sự và xử lý nợ xấu, những tồn đọng của những năm trước liên quan đến những cá nhân, tổ chức phải được khắc phục. Nhà đầu tư vẫn kỳ vọng sự trở lại của EIB sau những chấn chỉnh từ NHNN về hoạt động để trở thành một ngân hàng mạnh thực sự. Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Phạm Hữu Phú, TGĐ EIB cho biết, 5 năm qua (2010 – 2015) chưa có ngân hàng nào chia cổ tức cho cổ đông gần 87% lợi nhuận sau thuế như EIB. Cụ thể, số tiền năm 2010 dành chia cổ tức là 2.200 tỷ đồng, năm 2011 là 4.868 tỷ đồng, năm 2012 là 2.828 tỷ đồng, năm 2013 là 870 tỷ đồng, năm 2014 không chia dù có nhiều vấn đề chúng tôi chưa thống nhất trong cách chia

Về xử lý nợ xấu, theo bà Văn Thái Bảo Nhi, Phó TGĐ EIB, trong năm 2015 EIB sẽ xử lý khoảng 2.730 tỷ đồng nợ xấu do NHNN giao, trong đó bán cho VAMC 2.000 tỷ đồng. Tính đến 30/6, Eximbank đã bán cho VAMC là 1.526 tỷ đồng. Kế hoạch 5 năm tới (2016-2020), mỗi năm EIB cố gắng thu hồi nợ đã bán cho VAMC từ 1.500-2.000 tỷ đồng, đảm bảo tiết kiệm chi phí cho ngân hàng thông qua việc trích dự phòng rủi ro giảm (mỗi năm phải trích 20% số nợ đã bán cho VAMC).

Giá cổ phiếu của Eximbank giảm mạnh gần 50% sau ngày đại hội đồng cổ đông thường niên (21/7/2015) từ mức đỉnh 15.600 đồng/cổ phiếu giảm liên tiếp về mức đáy 11.400 đồng/cổ phiếu (8/10/2015). Giá giao dịch ngày 11/11/2015 đang tăng trở lại ở mức 12.000 đồng/cổ phiếu, mức giá này vẫn thấp hơn so với phiên mở cửa đầu năm 2015 (12.800 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính, thị trường vẫn đánh giá cổ phiếu của EIB khá tốt khi giá trị sổ sách của EIB khoảng 11.768 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách (P/B) khoảng 1,02… Từ thực tế trên cho thấy, cuộc “hôn phối” giữa EIB và STB đã không hoàn toàn suôn sẻ sau sáp nhập và việc chia tay tất yếu sẽ xảy ra. Dự kiến sau cuộc công bố chia tay, 2 ngân hàng này sẽ sớm tổ chức ĐHCĐ bất thường. STB tiến hành ĐHCĐ sau sáp nhập theo quy định còn EIB tổ chức đại hội để bầu nhân sự nhiệm kỳ mới – vốn đã bị trì hoãn từ tháng 4. Dự kiến đại diện của NHNN sẽ tham gia vào HĐQT của hai ngân hàng này.

Gần đây, NHNN đã công bố kết luận thanh tra tại EIB. Nội dung thanh tra EIB tập trung vào một số vấn đề như việc chấp hành quy chế cho vay đối với khách hàng; cho vay kinh doanh chứng khoán; nhóm khách hàng liên quan đến kinh doanh BĐS. Theo bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN rất nhiều các cuộc hôn phối MHB – BIDV, Mekong Bank – Maritime Bank… mạnh lên thông qua phương án sáp nhập. Đây là những thương vụ M&A mà giữa các nhà băng đều có chung dáng dấp của một chủ sở hữu. Thường sau khi sáp nhập các ngân hàng đều mạnh lên, tuy nhiên trường hợp của EIB là ngoại lệ, vì sau sáp nhập không được như kỳ vọng, nên NHNN quyết định siết lại hoạt động bằng Thông tư 36 về siết chặt sở hữu chéo…

Trong khi đó, ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, nếu không tính đến chuyện sáp nhập, EIB khó có thể đứng vững trong tương lai xa khi ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu và giảm số lượng ngân hàng xuống còn 20 đơn vị trong hệ thống vào cuối năm 2017.

Theo bà Hồng, mục tiêu chung của NHNN là triển khai quyết liệt M&A. Trong 3 năm qua, NHNN khuyến khích các ngân hàng sáp nhập tự nguyện. Nhưng hiện còn một số ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém và khó có thể tăng năng lực tài chính, nên phải tìm kiếm đối tác để hợp sức phát triển mới có thể tồn tại trong thời gian tới.

Cùng với đó, theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các NHTM đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quá 5% tại tổ chức tín dụng khác không còn cách nào là phải thoái vốn về mức quy định. Kết quả thanh tra của NHNN cũng cho thấy, ở không ít ngân hàng, cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu dẫn đến thao túng, chi phối, phục vụ lợi ích riêng, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch trong quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc. Vì thế, theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ “siết” tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Và trường hợp của EIB bắt buộc phải thực hiện theo Thông tư này là điều dễ hiểu.

Có thể thấy, hầu hết các ngân hàng đều phải chịu áp lực rất lớn trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống. Các ngân hàng phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2014. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà hoạt động tín dụng mang lại nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng. Không ít tổ chức tín dụng báo lợi nhuận chung cuộc tăng mạnh so với năm liền trước. EIB nằm trong số ít các ngân hàng chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ trong cuộc tái cấu trúc này.

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp