Ảnh: pexels.com.

 
Viết Nguyên Thứ Sáu | 09/02/2024 07:30

Đi tìm sức mạnh màu xanh ngọc

Mô hình quản trị mới thúc đẩy sức mạnh nội tại của mỗi cá nhân sẽ là bước đi tiếp theo của nấc thang phát triển kinh doanh bền vững.

Khảo sát của Anphabe chỉ ra, có tới 42% người đi làm trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress thường xuyên. Để cải thiện tình hình này, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc Anphabe, cho rằng: “Doanh nghiệp cần đẩy mạnh giải pháp chăm lo các vấn đề về tinh thần, tài chính, sức khỏe thể chất... cho nhân viên”. Mô hình quản trị nào để đẩy mạnh được các hoạt động này và đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp?

Mô hình của tương lai

Frederic Laloux, nhà tham vấn từng làm việc cho McKinsey, đã dành hẳn 3 năm để nghiên cứu 50 công ty hoạt động hơn 5 năm, có ít nhất 100 nhân viên và đã có nhiều đổi mới quản lý. Frederic Laloux đề cập đến một mô hình mới mẻ hơn: Mô hình màu Xanh ngọc (Teal). Trong mô hình này, mỗi người thể hiện mình, thuần hóa cái tôi, để lương tri dẫn lối và tìm kiếm sự toàn vẹn nơi chính mình, qua kết nối với người khác và với thiên nhiên.

Mô hình này khác với nhiều mô hình truyền thống, chẳng hạn: Đỏ (áp luật từ trên xuống, Hổ phách (phân chia cấp bậc), hay Da cam (xem công ty như cỗ máy, vận hành theo quy luật), Xanh lá (tạo liên kết gắn bó hợp tác, trao quyền)... Ngoài ra, mô hình Teal còn phát triển dựa trên tính tự quản, tức thoát khỏi hệ thống ban bệ - cấp bậc với quyền hành được phân chia theo khả năng, trí tuệ mỗi người. Mô hình Teal cũng đặt mục tiêu tiến hóa và mời gọi các thành viên thay vì dự đoán, kiểm soát tương lai thì lắng nghe, hiểu được xu hướng tự nhiên mà tổ chức hướng tới. Tính nhân văn của tổ chức được khôi phục qua sự thống nhất giữa Điều Thật, Điều Tốt và Điều Đẹp.

Thế giới quan Xanh ngọc này đã thúc đẩy y tá Jos de Blok lập Công ty Buurtzorg khi ông nhận thấy mô hình Da cam mà Chính phủ Hà Lan thiết lập để vận hành hệ thống chăm sóc sức khỏe đã không còn phù hợp. Không chỉ Buurtzorg, nhiều hãng trên thế giới như Morning Star (Mỹ), Sun Hydraulics (Mỹ), Heiligenfeld (Đức), FAVI (Pháp), BSO/Origin, AES, RHD... cũng tiến lên mô hình Teal.

Đường đến nấc thang cao nhất

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có những bước đi hướng về mô hình này. Chẳng hạn, Thiên Long khuyến khích nhân viên tự do bộc lộ mình. Còn GNH tìm cách tạo không gian suy ngẫm thông qua các hoạt động thiền, yoga... Hay Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital cổ vũ nhân viên viết, kể chuyện như một cách thể hiện bản thân chân thật nhất.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp tiến đến mô hình quản trị này khi hướng đến mục tiêu tăng trưởng không chỉ hiệu quả hơn mà còn bền vững hơn. Đây là một thách thức trước chu kỳ suy giảm của kinh tế thế giới, những tranh chấp địa chính trị phức tạp có tính lịch sử, có thể định hình lại mô hình chính trị, kinh doanh, thương mại toàn cầu...

Trong khía cạnh quản trị nguồn nhân lực, sẽ có rất nhiều yếu tố mà một người lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm nhằm gia tăng nội lực và khả năng cạnh tranh. Đáng chú ý, trải qua 2 năm khó khăn sau dịch bệnh, theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, có hơn 31% doanh nghiệp ra khỏi danh sách doanh nghiệp tư nhân lớn nhất.

Điều đó cho thấy sự tăng trưởng không bền vững trong mô hình quản trị của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam. Do đó, cũng ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và áp dụng những nguyên tắc và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại theo thông lệ quốc tế. Theo PwC, thế giới đang thay đổi nhanh chóng và khó lường, buộc các chính phủ, doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách quản trị để thích ứng với tình hình mới. Tuy nhiên, dù cấp tiến nhưng mô hình quản trị Teal không phải dễ áp dụng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng bỏ KPI, bỏ thứ bậc đi thì tổ chức của họ là Xanh ngọc nhưng thực tế không tạo ra kết quả nào đáng kể. 

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, đánh giá mô hình Teal còn mới mẻ, là bước phát triển cao hơn trong quản lý doanh nghiệp nên cần một cách làm, một lý tưởng, một văn hóa tương đồng và ý thức trách nhiệm cao nơi nhân viên. Nếu không, tổ chức đó sẽ nửa vời và khó đưa tới kết quả mong đợi. Lãnh đạo của PwC nhận thấy: “Đây chưa phải là thời điểm thích hợp để áp dụng phổ biến mô hình Xanh ngọc. Có lẽ cần một bước tiến, một mức độ hoàn thiện hơn nữa”.

Dù vậy, ông Nam cũng thừa nhận, có những tín hiệu cho thấy, các doanh nghiệp đang dần rút ngắn quy trình và thứ bậc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo, để thông tin và các ý tưởng đến được nhanh, chính xác hơn. Ngoài ra, trước xu hướng con người thường chỉ phát triển tốt, đạt mức đột phá khi được tin tưởng, cổ vũ, được ở trong môi trường an toàn thoải mái.

Liên quan đến xóa bỏ chỉ tiêu thưởng phạt KPI, thách thức cho tổ chức màu Xanh ngọc là làm sao giúp nhân viên tự thấy mình có trách nhiệm liên đới và thúc đẩy họ gia tăng động lực nội tại. Mỗi người cũng sẽ tự điều chỉnh mình khi đặt trong so sánh với nhóm khác, với đối thủ, với mục tiêu chung. Chính lòng tự trọng và sự giám sát hỗ trợ của đồng nghiệp trong nhóm sẽ là lý do khiến mỗi người nỗ lực hơn.