Chủ Nhật | 24/08/2014 12:50

Chỉ số CPI tháng 8 tăng 0,22%

Trong 11 nhóm hàng hóa, có 8 nhóm hàng hóa tăng giá và 3 nhóm hàng hóa giảm giá. Tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Hôm nay (24/8), Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số đô la Mỹ cả nước tháng 8/2014.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI cả nước tháng 8 tăng 0,22% so với tháng trước, và tăng 4,31% so với cùng kỳ tháng 8/2013. So với tháng 12/2013, CPI tăng 1,84%, thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Trong 11 nhóm hàng hóa được dùng để tính CPI, có 8 nhóm hàng hóa tăng giá và 3 nhóm hàng hóa giảm giá.

Tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 0,45% so với tháng trước. Trong đó, thực phẩm tăng 0,54%, lương lực tăng 0,45% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,16%. Nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tháng 8 tăng 0,32% so với tháng 7, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,32%.

Ba nhóm hàng giảm giá là nhà ở và vật liệu xây dựng với 0,31%, giao thông với 0,06% và bưu chính viễn thông với 0,02%.

8 tháng đầu năm 2014, nhóm hàng giáo dục tăng 11,24% so với cùng kỳ 2013, mạnh nhất trong 11 nhóm hàng hóa. Xếp ngay sau là thuốc và dịch vụ y tế với 6,99%. Nhóm hàng tăng ít nhất trong 8 tháng đầu năm 2014 là văn hóa, giải trí và du lịch.

Bưu chính viễn thông là nhóm duy nhất giảm giá trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2013, với mức giảm 0,47%.

Nguồn: GSO/Gafin.
Nguồn: GSO/Gafin.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 8 đã giảm 0,34% so với tháng 7 và 3,06% so với cùng kỳ năm trước. 8 tháng năm 2014, giá vàng giảm 5,16% so với cùng kỳ 2013.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8 cũng giảm 0,26% so với tháng 7 và 0,07% so với cùng kỳ tháng 8/2013. Tám tháng, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,57% so với cùng kỳ năm trước.

Báo điện tử Vietnamplus dẫn lời bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân tăng chỉ số CPI tháng này là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tăng cường thu mua gạo để xuất khẩu nên giá gạo ở các tỉnh miền Nam tăng.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong những ngày lễ như Rằm tháng 7 cũng đẩy giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao. Tháng 8 cũng là thời điểm học sinh chuẩn bị tựu trường nên việc mua sắm quần áo, giày dép và sách vở cũng tăng hơn trước.

Nguồn Theo DVO/GSO


Sự kiện