Tập đoàn thương mại SK Group của Hàn Quốc vừa hoàn tất kế hoạch rót vốn trị giá 100 triệu USD vào chuỗi nhà thuốc Pharmacity. Ảnh: Quý Hòa.

 
Vũ Thiện Thứ Hai | 28/02/2022 14:00

Bán lẻ dược phẩm: Cuộc đua tam mã

Bài học đầu tư để làm chủ được các công nghệ lõi, tránh bị động trong cuộc chiến độc quyền.

Tại Việt Nam, thị trường bán lẻ dược phẩm có tính phân mảnh rất cao, với hơn 50.000 nhà thuốc hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỉ USD vào năm 2021 lên 16,1 tỉ USD vào năm 2026. Ngành dược có tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11%, tính theo tiền đồng Việt Nam. Các chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn như Pharmacity, Long Châu và An Khang sớm nhận diện cơ hội này và đang tăng tốc mở rộng quy mô, với tham vọng hợp nhất thị phần.

Thành lập từ hơn 10 năm trước, hệ thống Pharmacity hiện là chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam, với hơn 800 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Nam. Tính riêng năm 2021, Pharmacity đã mở hơn 300 cửa hàng.

Đáng chú ý, Tập đoàn thương mại SK Group của Hàn Quốc vừa hoàn tất kế hoạch rót vốn trị giá 100 triệu USD vào chuỗi nhà thuốc Pharmacity. Với lượng vốn dồi dào này, Pharmacity vừa công bố kế hoạch tham vọng, đặt mục tiêu mở 5.000 cửa hàng trên toàn quốc đến năm 2025, tương ứng mức doanh thu 1,5 tỉ USD. Ông Chris Blank, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Pharmacity, cho biết, chuỗi 5.000 cửa hàng sẽ cho phép 50% người dân Việt Nam có thể đến nhà thuốc chỉ trong vòng 10 phút lái xe.

 

Trái ngược với chiến lược đánh đổi thị phần của Pharmacity, chuỗi nhà thuốc Long Châu của Tập đoàn FPT đang theo đuổi mục tiêu kép, tăng trưởng nhưng vẫn chú ý tới hiệu quả. Theo báo cáo của Long Châu, tính đến cuối năm 2021, chuỗi này đã sở hữu 400 nhà thuốc trên 53 tỉnh, thành, mở 200 nhà thuốc so với đầu năm. Trong đó, chỉ riêng trong quý IV, gần 100 cửa hàng Long Châu được mở mới. Đáng chú ý, năm 2021 đánh dấu mốc nhà thuốc Long Châu của FPT Retail đã có lãi với doanh thu chuỗi đạt 3.977 tỉ đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2020.Thực tế, thị trường nhà thuốc Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào thống lĩnh thị trường. Tham vọng thống lĩnh của Pharmacity dựa trên cơ sở vị thế dẫn đầu, cùng bộ đệm tài chính lớn, không chỉ được SK Group hỗ trợ, đằng sau Pharmacity còn là sự hậu thuẫn của Mekong Capital và TR Capital. Do đó, Pharmacity sẵn sàng đánh đổi lợi nhuận để lấy thị phần. Năm 2020, chuỗi nhà thuốc này dù đạt doanh thu gần 2.000 tỉ đồng nhưng chịu lỗ hơn 400 tỉ đồng.

Lợi thế của Long Châu nằm ở lượng SKU (lượng đầu thuốc trong kho hàng) nhiều gấp 6-7 lần so với các nhà thuốc khác, giúp doanh thu trên cửa hàng luôn dẫn đầu thị trường. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), doanh số/cửa hàng/tháng của Long Châu đã đạt 978 triệu đồng, vượt trội so với mức 568 triệu đồng của Pharmacity và 454 triệu đồng của An Khang và Phano.

Hình ảnh chuỗi nhà thuốc Long Châu. Ảnh: Quý Hòa.
Hình ảnh chuỗi nhà thuốc Long Châu. Ảnh: Quý Hòa.

Cũng nhờ Long Châu trước khi về tay FPT Retail đã là chuỗi nhà thuốc lâu đời có tiếng, với gần 20 năm hoạt động và giá bán luôn thấp hơn 20% so với thị trường nên FPT Retail có điều kiện thuận lợi để khai phá vùng đất bán lẻ dược phẩm.

Lợi thế của một nhà bán lẻ điện tử, điện máy của FPT Retail cũng tạo thuận tiện cho Công ty ứng dụng công nghệ vào chuỗi nhà thuốc hay FPT Retail có thể hỗ trợ mặt bằng cho chuỗi Long Châu thông qua việc chuyển đổi một số cửa hàng FPT Shop thành Long Châu.

Một đối thủ khác là chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế Giới Di Động. Sau giai đoạn 2018-2019 chững lại và quan sát, tập đoàn bán lẻ số 1 Việt Nam cho biết sẽ tập trung phát triển mạnh chuỗi An Khang. Cụ thể, Thế Giới Di Động vừa chính thức sở hữu 100% cổ phần tại nhà thuốc An Khang, sau khi mua lại 1,29 triệu cổ phiếu Công ty Bán lẻ An Khang, bắt đầu trở lại đường đua bán lẻ dược phẩm.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, từng cho biết: “Thị trường dược phẩm tại Việt Nam còn rất phức tạp nên Thế Giới Di Động vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian ngắn”. Tuy vậy, với những dấu hiệu bão hòa của chuỗi Thế Giới Di Động và chuỗi Điện Máy Xanh, cùng kế hoạch tập trung cải thiện hiệu quả, không mở mới của Bách Hóa Xanh, chuỗi An Khang sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính của Thế Giới Di Động trong năm sau.

 

Báo cáo của Thế Giới Di Động cũng cho thấy, sau khi đạt hiệu quả kinh doanh tích cực ở cấp độ công ty với 178 cửa hàng cuối năm 2021 và chính thức hợp nhất vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ được đầu tư cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Khác với Pharmacity và Long Châu sở hữu mặt bằng riêng, chuỗi nhà thuốc An Khang được tích hợp vào hệ thống sẵn có của Bách Hóa Xanh, với trên 80% số nhà thuốc đang được mở cùng mô hình Bách Hóa Xanh, nhằm tận dụng lưu lượng khách hàng sẵn có từ hệ thống.

Theo World Bank, số người từ 65 tuổi trở lên của Việt Nam sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040, chiếm 18% tổng dân số, thúc đẩy chi tiêu chăm sóc sức khỏe. Câu chuyện này từng xảy ra ở Trung Quốc cách đây 10 năm, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) phân tích, chi tiêu cho thuốc trên đầu người của Trung Quốc trong năm 2010 ngang bằng với Việt Nam vào năm 2018 (41 USD) và đạt tốc độ tăng trưởng 11% trong giai đoạn 8 năm sau đó.

Do đó, tiềm năng tăng trưởng chi tiêu cho dược phẩm ở Việt Nam vẫn còn rất khả quan, đặc biệt ở một thị trường phân mảnh, chưa có người thống trị và đầy tiềm năng như bán lẻ dược phẩm