Việt Dũng - Nguyệt Nguyễn Thứ Ba | 21/02/2017 07:30

4,4 tỷ USD có cứu được nông nghiệp công nghệ cao?

Liệu gói cho vay hỗ trợ lớn chưa từng có 100.000 tỉ đồng có giúp các nông hộ trong giấc mơ chuyển mình thành nền nông nghiệp công nghệ cao?

Với hơn 24 triệu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng tỉ trọng đóng góp trong GDP chỉ có 17% và giảm dần trong nhiều năm qua, nông nghiệp đang mất dần chỗ đứng của mình. Có nhiều lý do ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của lĩnh vực này, một trong số đó là lượng vốn chảy vào đây chỉ chiếm vỏn vẹn 10% quy mô cho vay. Tuy nhiên, cục diện này sắp được thay đổi. Với gói cho vay hỗ trợ 100.000 tỉ đồng, nền nông nghiệp quốc gia sẽ được đánh thức. Đây là nguồn vốn lớn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành nông nghiệp Việt và có giá trị lớn bằng một nửa giá trị gói kích cầu mà Chính phủ từng áp dụng nhằm chặn đà suy thoái kinh tế năm 2009, khoảng 9 tỉ USD.

Nhưng băn khoăn không nằm ở quyết tâm chính sách thông qua giá trị những con số. Bởi lẽ, muốn nâng cao giá trị nền nông nghiệp Việt Nam thì nút thắt liệu có phải chỉ nằm ở vấn đề thiếu vốn? Nói cách khác, khâu thực thi làm sao cho hiệu quả, để “nắn” dòng vốn và những chính sách vào đúng “vùng trũng” nông nghiệp và nông dân nhằm bứt phá trở thành nền kinh tế nông nghiệp công nghệ cao?

“Mưa vốn” cho nông nghiệp

Chuyện bắt đầu từ “cú hích” trị giá gần 4,4 tỉ USD nói trên dành cho mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp. Con số này được đồn đoán là đến từ một phát biểu lúc “cao hứng” của lãnh đạo công ty công nghệ. Cụ thể, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của FPT cũng đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA), đã đưa ra đề xuất một gói tín dụng 50.000 tỉ đồng tại một hội thảo với chính phủ về tương lai của nông nghiệp công nghệ cao. Đây là nơi tập hợp tiếng nói của khoảng 300 doanh nghiệp thành viên cùng chung mục tiêu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp này đều cho rằng lĩnh vực nông nghiệp thực sự khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

4,4 ty USD co cuu duoc nong nghiep cong nghe cao?
 

Nhiều năm nay, với hàng loạt chính sách ưu đãi, có thể thấy rõ nông nghiệp vẫn luôn là lĩnh vực được ưu tiên. Còn nhớ 8 năm trước, các dự án nông nghiệp và nông dân vẫn có phần (2,9 tỉ USD) trong gói kích thích kinh tế gồm 2 gói giải ngân trị giá tổng cộng 9 tỉ USD mà Việt Nam áp dụng lần đầu tiên trong lịch sử. Khi ấy, với Quyết định 497/QĐ - TTg, những dự án nông nghiệp và các doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến nguyên liệu đầu vào của người nông dân như phân bón, con giống, máy móc thiết bị nông cụ… cũng đều được Nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay 4%/năm trong thời gian tối đa 24 tháng.

Năm nay, nông nghiệp vẫn không bị đẩy ra ngoài dòng vốn vay dù “van” tín dụng của cả nền kinh tế đang có xu hướng siết lại. Trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính trung hạn mới được tất cả các đại biểu thông qua, định hướng từ nay sẽ không sử dụng ngân sách nhà nước để tham gia tăng vốn các ngân hàng thương mại. Bề nổi, động thái này lý giải vì sao Ngân hàng BIDV và VietinBank nhận được “tâm thư” từ Bộ Tài chính yêu cầu phải trả cổ tức 2015 bằng tiền mặt, nên qua đó không tăng được vốn. Nhưng sâu xa hơn, việc phải đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo chuẩn Basel II mà không được tăng vốn khiến cho tổng nguồn vốn hệ thống tài chính cung ứng cho nền kinh tế (cả năm 2016 là 4,5 triệu tỉ đồng, trong đó khu vực ngân hàng cung ứng tới 68%) từ 118 tổ chức tín dụng sẽ bị thu hẹp trong năm 2017. Cơ quan điều hành dự kiến “khoanh phần” sẵn cho nông nghiệp với việc từ đầu quý I năm nay xem xét áp dụng gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao.

Hơn ai hết, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) là đơn vị hiểu rõ nguyên nhân sâu sa của những ưu ái này. Bởi lẽ, các phân tích khoa học thực tiễn 10 năm qua đã chứng minh mối tương quan mạnh giữa các gói tín dụng nông nghiệp với tăng trưởng GDP. Theo đó, kích cầu 1% GDP cho nông nghiệp sẽ làm tăng GDP cả nước lên 1,2%, tăng 1,6% thu nhập cho một hộ nông dân và tạo thêm ít nhất 1 triệu việc làm mới liên quan.

4,4 ty USD co cuu duoc nong nghiep cong nghe cao?
Agribank đang là kênh chủ yếu để cung cấp vốn cho lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: kinhdoanh.net

Từ trước đến nay, mô hình trợ vốn nông nghiệp chủ yếu thông qua Ngân hàng Agribank, hiện đang chiếm khoảng 50% quy mô thị phần cung cấp vốn cho lĩnh vực nông nghiệp. Một hệ thống cấp tín dụng khác là thông qua các tổ chức đại diện cho nông hộ như hợp tác xã hay tổ hợp tác. Hệ thống tín dụng ở cấp nhỏ hơn nữa là các tổ chức tài chính vi mô. Đặc trưng của các khoản vay nông nghiệp này thường có quy mô nhỏ. Ngay cả những khoản vay ưu đãi nông nghiệp trong Nghị quyết 55 của Chính phủ ban hành năm 2015, thì hạn mức tín dụng cũng chỉ tối đa 3 tỉ đồng, trong khi lĩnh vực nông nghiệp gắn mác “công nghệ cao” hẳn nhiên cần nhiều vốn hơn. Có vẻ như cũng là lý do vì sao người đứng đầu Chính phủ đưa ra quyết sách tăng quy mô vốn ưu đãi ban đầu từ 60.000 tỉ đồng lên 100.00 tỉ đồng ngay trong đầu năm nay.

Ai hưởng lợi?

Nếu các doanh nghiệp nông nghiệp lớn được coi như những tán cây to cao lớn, còn nông dân và các nông hộ như tầng cây thấp, thì những cơn “mưa vốn” trên diện rộng, theo lẽ thường, sẽ được thẩm thấu từ trên cao xuống thấp. Băn khoăn của số đông vẫn đang tập trung về việc liệu rằng nguốn vốn tín dụng này chỉ giúp kích thích những đại gia thành danh ở lĩnh vực trọng yếu đang tập trung nguồn lực sang “đại dương xanh mới” là vào lĩnh vực nông nghiệp. Nổi bật như Thép Hòa Phát đầu tư lĩnh vực thức ăn chăn nuôi; Công ty Chứng khoán SSI đầu tư vốn vào các công ty giống cây trồng, thủy sản, chăn nuôi; Masan cố gắng rót vốn mạnh tay vào chuỗi súc sản và gần đây là Trường Hải lắp ráp máy móc nông nghiệp. Danh sách các công ty trong câu lạc bộ công nghệ cao cũng không thiếu những doanh nghiệp đầu ngành niêm yết như FPT, Lộc Trời, Nafoods.

Chưa rõ các tập đoàn, công ty có quy mô lớn đầu tư để đa ngành hay vì nông sản thực sự hấp dẫn, nhưng điều chắc chắn là sẽ có nhiều chính sách thay đổi ở gói tín dụng này so với các gói ưu đãi tín dụng trước đây. Rào chắn cao nhất phân cách giữa tỉ lệ vốn đổ vào cho nông nghiệp và giá trị tăng trưởng ngành này mỗi năm chính nằm ở vấn đề quy hoạch và triển khai vốn. Xét về mặt quy mô, gói tín dụng này chiếm đến 20% quy mô tín dụng mà các tổ chức tín dụng rót vào lĩnh vực nông nghiệp từ trước đến nay.

4,4 ty USD co cuu duoc nong nghiep cong nghe cao?
 

Thực ra, chính sách tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được đưa vào trong điều 15, Nghị định 55 ban hành năm 2015 của Chính phủ. Theo chia sẻ của đại diện Ngân hàng Nhà nước tại diễn đàn nông nghiệp cuối năm ngoái, Agribank đang chủ trì gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao. “Hiện đã giải ngân cho 31 dự án thuộc các khu nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước với tổng số vốn gần 3.000 tỉ đồng”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ. Dù vậy, khái niệm “công nghệ cao” ở đây cần phải được làm rõ. “Đổi con trâu thành máy cày không phải là nông nghiệp công nghệ cao”, Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác, Trường cán bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II, cho biết. Cả nước mới chỉ thừa nhận 2 khu nông nghiệp công nghệ cao và chỉ mới có vài doanh nghiệp được công nhận. Liệu chăng ngân hàng sẽ cần đến một tấm giấy chứng nhận “công ty nông nghiệp công nghệ cao” mới xem xét hồ sơ?

Việc xác định đối tượng cho vay là rất quan trọng trong các chính sách trợ vốn ưu đãi, vì nó ảnh hưởng đến yếu tố đáng bàn thứ hai là việc kiểm soát đích đến của dòng vốn. Bài học điển hình gần nhất là chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 4% kích cầu năm 2009. Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhiều năm sau đó nhận định rằng đã có trường hợp trục lợi gói vay này. Giới tài chính vẫn còn nhớ giai đoạn năm 2011-2012 khi hệ thống ngân hàng thương mại rơi vào thế khó. Một bên là áp lực tìm nguồn giá rẻ từ hệ thống liên ngân hàng và từ thị trường mở OMO. Còn một bên là tìm khách hàng hoạt động đúng trong lĩnh vực nông nghiệp để giải ngân với hệ số rủi ro quản lý được. Thời đó, không ít ngân hàng thương mại bị thiếu thanh khoản đã phải đi gõ cửa thị trường mở (OMO) với hồ sơ vay vốn đảm bảo được gom góp từ hệ thống của họ với các dự án nông nghiệp, để đổi lấy nguồn vốn ngắn hạn lưu động từ 7.000-10.000 tỉ đồng mỗi ngày.

Đối tượng hưởng lợi của chính sách này nên là ai? TheoTiến sĩ Trần Minh Hải, dòng vốn trực tiếp nên hướng về người nông dân và tùy thuộc vào chính sách cụ thể của từng tỉnh, thay vì các tập đoàn lớn. “Đừng để tiền này lọt vào tập đoàn lớn. Họ không cần hỗ trợ về tiền mà cần chính sách, người nông dân mới cần tiền thật sự”, ông Hải nhận định. Như vậy, các trung gian tài chính cũng chính là nơi Nhà nước cần đặt “tai mắt” giám sát để sàng lọc ngay từ khâu đầu tiên, nhằm đảm bảo nguồn vốn được đưa đúng đến tay người dùng. Chưa tin tưởng vào hiệu suất sinh lời của các dự án nông nghiệp hoặc thiếu căn cứ đối chứng rủi ro đối với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chính là hai điểm mấu chốt khiến cho nguồn vốn bị ứ đọng ở các tổ chức trung gian và không ít trong số vốn đó dùng sai mục đích. Điều này cũng đặt bản thân ngân hàng và cơ quan giám sát vào nhiều thách thức.

Nông hộ khát vốn

Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia nông nghiệp cho rằng chính sách nông nghiệp của Việt Nam dường như chạm tới nông dân dù có mục tiêu phù hợp. Chẳng hạn, Quyết định 65 giảm tổn thất sau thu hoạch, thay thế cho Quyết định 62 về việc hỗ trợ cho vay mua máy móc nông nghiệp trong và ngoài nước, nhưng điều kiện để được nhận tiền mua máy là phải có hóa đơn. Mãi đến Quyết định 68 mới khơi thông được, sau khi có kèm thêm Thông tư 04 của Bộ Nông nghiệp quy định rõ danh mục máy móc cho thuê và Thông tư 88 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn triển khai vay vốn.

4,4 ty USD co cuu duoc nong nghiep cong nghe cao?
 

Mới đây, từ những đồi chè xanh mát ở Thái Nguyên đến những vựa thanh long rực đỏ ở Bình Thuận, câu chuyện “thể nhân và pháp nhân” mới được vay vốn tín dụng theo Thông tư 39 đã tạo nên nhiều nghi ngại. Lấy ví dụ về mối băn khoăn của ông Vĩnh Tiến, chủ hộ sản xuất chè lớn tại vùng Tân Cương, Thái Nguyên, người đã hơn 20 năm thu mua chè nguyên liệu từ các hộ dân vùng trung du, sơ chế và bán lại cho thương lái. Xưởng của ông có hơn 50 lao động thường xuyên, doanh thu năm ngoái hơn 3 triệu USD, việc tiếp cận với vốn ngân hàng hầu hết dựa vào uy tín và quỹ đất đai tích lũy trong nhiều năm. Với quy định mới về việc chỉ thể nhân hoặc pháp nhân là các công ty mới được ngân hàng cấp vốn khiến ông khá hoang mang vì bản thân ông chưa từng có quan hệ tín dụng với ngân hàng. Hơn nữa, kiếm đâu ra nhân sự kế toán doanh nghiệp để tuân thủ báo cáo thuế theo quy định pháp luật, giữa vùng núi trung du bạt ngàn cách trung tâm thành phố Thái Nguyên cả 30km đường đồi sỏi.

Theo Tiến sĩ Trần Minh Hải, nhìn rộng ra, nông nghiệp Việt Nam luôn đi kèm với các gói hỗ trợ tín dụng nông nghiệp, nhưng việc tiếp cận của các nông hộ từ trước đến nay luôn khó khăn. Còn bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp phụ trợ, Bộ Công Thương Việt Nam trong hội thảo về Tài trợ chuỗi cung ứng đã đưa ra một ví dụ thực tiễn khác. Một hộ chế biến hồ tiêu tại Đắk Lắk khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính để mua máy sơ chế hồ tiêu. Loại máy này mỗi chiếc có giá 400 triệu đồng, nhưng việc đổ trụ xây phần đế máy bằng bê tông nhằm giữ cố định máy cũng có giá thi công tổng thể khoảng 300 triệu đồng. Bà Bình bức xúc thay cho nông hộ này rằng “ngân hàng chỉ đồng ý cho vay một phần tiền mua máy, còn phần trụ đỡ có giá trị lớn ấy thì khách hàng phải tự “xoay”. Rõ ràng, những chính sách tín dụng “vô cảm” và “vô lý” còn gây tác động trải dài trên hàng ngàn hecta hồ tiêu tại cao nguyên này.

Văn bản mới nhất là Nghị định 55 của Chính phủ ban hành năm 2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thay thế cho Nghị định 41 ban hành năm 2010, đi kèm theo các thông tư hướng dẫn liên quan. Theo đó, những cải thiện đáng kể là ngân hàng đã chấp nhận cho vay tín chấp, lãi suất bình quân thấp hơn, đối tượng cũng được mở rộng hơn (người thành thị đầu tư tại nông thôn đã được vay) và hạn mức tín dụng tối đa cao hơn. Tuy nhiên, tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều điều bất hợp lý. “Dù cho vay tín chấp nhưng ngân hàng “giữ giùm” tài sản để làm tin”, ông Hải nói.

4,4 ty USD co cuu duoc nong nghiep cong nghe cao?
Việc tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng của các nông hộ từ trước đến nay luôn khó khăn. Ảnh: Sơn Phạm

Thủ tục nhiêu khê cũng là một trở ngại lớn khi người dân mất đến 6 tháng trình hồ sơ qua 3 cửa: Liên minh hợp tác xã, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp rồi phải xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân tỉnh có ý kiến, cuối cùng sẽ được Ngân hàng Nông nghiệp giải ngân với lãi suất ưu đãi 6,5%. Tỉnh An Giang có quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã quy mô 8 tỉ đồng, nhưng chỉ giải ngân được 1,5 tỉ đồng sau 6 năm. Một số tỉnh năng động hơn thì cho phép Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tự quyết các hồ sơ vay dưới 500 triệu đồng. Dù vậy, một thực tế chung dễ nhận thấy là có ít tỉnh triển khai được các gói vay nông nghiệp. Trong khi đó, rất nhiều tỉnh đưa ra chiến lược nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian gần đây. Nếu không cẩn trọng, gói hỗ trợ tín dụng cho nông dân dễ biến thành cuộc chạy đua gọi vốn công nghệ cao giữa các tỉnh.

Con đường từ sáng kiến ban đầu của Thủ tướng cho đến các văn bản “giấy trắng mực đen” còn rất dài, chờ đợi 3 đầu mối quan trọng là Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Nhà nước. Thực tế triển khai chính sách ưu đãi tín dụng nông nghiệp trước đây cho thấy các cơ quan quản lý dù có thay đổi theo hướng tích cực hơn nhưng lại mất thời gian quá lâu, cần phải có đến 3 cơ quan trên có văn bản triển khai cụ thể thì đồng vốn mới tới được nông dân. Hơn nữa, điểm quan trọng hơn là từ trước đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa có công cụ để khuyến khích, ép buộc và kiểm soát đồng vốn đi vào lĩnh vực nông nghiệp. “Ý tưởng hay nhưng rõ ràng cần có thêm sự chỉ đạo cụ thể. Chỉ cần triển khai được 30.000 tỉ đồng là dân mừng lắm rồi”, ông Hải nói.

Chỉ có gần 4.000 doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số hơn 420.000 doanh nghiệp còn đang hoạt động tại Việt Nam là các con số cho thấy lĩnh vực nông nghiệp không được ưa chuộng đầu tư trong nhiều năm qua. Nông nghiệp còn thiếu rất nhiều chính sách đồng bộ khác, chứ không hẳn là vốn. Trong lịch sử từ trước đến nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp nông sản, thủy sản có quy mô vốn lớn lâm vào tình trạng phá sản ngay trong chính lĩnh vực có thế mạnh của mình. Thực trạng này vẫn đang tiếp diễn.

Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác, Trường cán bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II:
Xét về quy mô 100.000 tỉ đồng, số tiền này không thấm vào đâu so với nhu cầu đầu tư thực tế ở nông nghiệp ở Việt Nam, nhưng đây vẫn là một con số lớn trong điều kiện ngân sách hiện nay.
1 ha nông nghiệp công nghệ cao đầu tư đàng hoàng không dưới 6 tỉ đồng. Rõ ràng phải đi kèm theo tín dụng mới làm được công nghệ cao. Nhưng phải hiểu công nghệ cao là một ý tưởng sâu xa, vĩ mô hơn, chứ không phải là chỉ đơn thuân xây nhà kín hay mua thiết bị. Hàng loạt các tỉnh quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao đang vấp phải điều này. 
Cho vay các dự án nông nghiệp thường rủi ro cao. Vì vậy, các ngân hàng cũng không dễ dàng cho vay. Về lâu dài, Chính phủ nên nghĩ đến nguồn quỹ nào đó để Ngân hàng Nhà nước có thể triển khai được. Có như vậy nông dân mới tiếp cận được nguồn vốn.
Mô hình tốt nhất là nên cho vay thông qua hợp tác xã nông nghiệp có đủ năng lực. Điều này giúp giải quyết 2 vấn đề: vừa có vốn để sản xuất theo quy trình công nghệ cao, đồng thời có thể thực hiện được các chương trình chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn như nâng cao chất lượng sản phẩm hay chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Vì vậy, từng địa phương nên có chính sách ưu đãi cụ thể và linh hoạt về hướng tiếp cận cũng như đối tượng. Cái nào dành cho nông dân, cái nào là khu công nghệ cao dành cho nhà đầu tư bên ngoài cần phải rõ ràng.

Việt Dũng - Nguyệt Nguyễn