Với các startup ở giai đoạn này, nhà đầu tư sẽ đòi hỏi phải nhìn thấy các chỉ số về lợi nhuận, tối ưu hóa vận hành. Ảnh: TL

 
Phi Vũ Thứ Tư | 09/08/2023 15:00

Ngược dòng Edtech

Nhiều startup Edtech Việt Nam công bố huy động vốn thành công trong bối cảnh vốn vào lĩnh vực này trên toàn cầu đang giảm mạnh.

Vuihoc huy động vốn 6 triệu USD là thương vụ Edtech (công nghệ giáo dục) thứ 5 công bố gọi vốn thành công trong 8 tháng đầu năm 2023. Sau Medtech (công nghệ y tế) và fintech (công nghệ tài chính), Edtech tạm thời đang là điểm thu hút vốn nhiều thứ 3 và đứng đầu về số lượng thương vụ ở Việt Nam từ đầu năm tới nay.

3 động lực lớn của Edtech 

Theo báo cáo “Đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam 2023”, tổng vốn đầu tư vào Edtech nửa đầu năm 2023 đã vượt qua con số 30 triệu USD của cả năm 2022. Có thể nói Edtech Việt Nam đang đi ngược chiều trong bối cảnh dòng vốn đầu tư Edtech toàn cầu đã không còn là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư.

Báo cáo HolonIQ cho thấy tính đến quý II/2023, chỉ có hơn 700 triệu USD đầu tư vào các công ty Edtech toàn cầu, giảm so với mức hơn 1 tỉ USD của cùng kỳ năm ngoái. Công ty này dự đoán trong năm 2023 sẽ chỉ có tối đa 3,5 tỉ USD đổ vào các Edtech trên toàn cầu, giảm 67% so với năm 2021 và giảm hơn 83% so với mức đỉnh về huy động vốn hồi năm 2021.

Với kết quả huy động vốn bết bát, 2023 có khả năng là năm mà thị trường sẽ không có các vòng mega round (vòng gọi vốn cực lớn, với quy mô hơn 100 triệu USD) vào các công ty Edtech. Không có mega round cũng đồng nghĩa khó có kỳ lân (startup chưa niêm yết được định giá từ 1 tỉ USD trở lên) Edtech trong năm nay.

Vậy vì sao Edtech Việt Nam vẫn sôi động? Trao đổi với NCĐT, bà Trần Nguyên Thúy My, Phó Chủ tịch Jungle Ventures, đơn vị dẫn đầu vòng huy động vốn 14 triệu USD vào Edtech Edupia (trụ sở Hà Nội) năm 2022 có 3 lý do.

Thứ nhất, Edtech là một trong số hiếm ngành ít chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế do giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu của bố mẹ người Việt đối với con cái. Sự sẵn sàng chi trả không có nhiều dấu hiệu sụt giảm so với các ngành nghề khác.

Thứ 2, nhu cầu học online giảm mạnh sau đại dịch ở các quốc gia khác chỉ đúng với bộ phận nhỏ học sinh ở các thành phố lớn của Việt Nam. Khoảng cách về chất lượng giáo dục, đặc biệt là bộ môn tiếng Anh, giữa các thành phố lớn và các đô thị vẫn là một vấn đề chỉ được giải quyết bằng việc học online nên nhu cầu vẫn còn rất lớn.

Bên cạnh 2 yếu tố thị trường trên, bản thân sức mạnh nội tại của các công ty Edtech ở Việt Nam cũng là một trong những yếu tố nổi bật so với các startup công nghệ khác trong khu vực nhờ vào hoạt động hiệu quả, chi phí phục vụ cho tăng trưởng thấp. “Thậm chí, có nhiều startup Edtech vẫn đạt được dòng tiền dương đi kèm với tăng trưởng về người dùng và doanh thu trong bối cảnh hiện nay”, bà My nói.

2 con đường 

Byju’s, Edtech từng được định giá lớn nhất thế giới với 22 tỉ USD (tháng 10/2022) của Ấn Độ, hiện chỉ được định giá  5,1 tỉ USD và đang thua lỗ nặng. Edtech này được biết đến như cái tên tiên phong trong lĩnh vực e-learning và giới chuyên gia đang đặt câu hỏi liệu câu chuyện Byju’s có “ám” các Edtech đi sau hay không.  

Thực tế, dòng vốn vào Edtech ở Ấn Độ trong quý I/2023 là 2,8 tỉ USD, giảm 75% so với cùng kỳ (theo Tracxn). Bà Nguyễn Ngọc Hương Thảo, Quản lý Đầu tư cấp cao của Quỹ AVV, cho biết câu chuyện của các Edtech Ấn Độ ảnh hưởng đến những startup ở giai đoạn sau (growth stage/late stage) hơn là ngành Edtech.

Với các startup ở giai đoạn này, nhà đầu tư sẽ đòi hỏi phải nhìn thấy các chỉ số về lợi nhuận, tối ưu hóa vận hành. Tuy nhiên, khá nhiều công ty trong giai đoạn tăng trưởng nóng chưa quan tâm đến việc tối ưu và lợi nhuận, dẫn đến khó gọi được vốn lớn từ các nhà đầu tư giai đoạn sau. Một lý do nữa là trong những năm qua khi nguồn vốn dồi dào, có nhiều startup gọi được số tiền lớn ở mức định giá cao bất hợp lý, dẫn đến ở giai đoạn này khi thị trường có sự điều chỉnh, các công ty được định giá lại ở mức thấp hơn nhiều so với trước đây. “Đây là những khó khăn mà các startup này gặp phải, không chỉ riêng ngành Edtech mà ở nhiều ngành khác nhau”, bà Thảo nói.

Ở Việt Nam dù dòng vốn vào Edtech đang là điểm sáng nhưng quy mô vẫn còn khá khiêm tốn, lại không bị tăng trưởng nóng trong thời kỳ dòng vốn dễ dãi nên có thể coi là tạm thời miễn nhiễm với cái bóng Byju’s. Tuy nhiên, vẫn có những điểm cần lưu ý ở các Edtech huy động vốn thành công lần này. Thứ nhất là thiếu vắng các gương mặt mới. Trong tổng số 6 thương vụ Edtech gọi vốn thành công chỉ có Stag là gương mặt mới, phần còn lại đã gọi vốn từ những năm trước đó.

Thứ 2, trước năm 2021, các Edtech dù huy động vốn từ 10 triệu USD trở lên vẫn tập trung vào mảng online, thì nay các công ty bắt đầu mở rộng chi nhánh online như MindX, Teky. Số vốn gọi được cũng tỉ lệ thuận với quy mô cửa hàng vật lý, vì các công ty Edtech offline hay theo mô hình O2O (online-to-offline), OMO (online-merge-offline) luôn cần nhiều vốn hơn để có thể đầu tư vào tài sản cố định, mở cơ sở offline.

Câu hỏi đặt ra là các Edtech ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ đi theo hướng thuần online hay kết hợp O2O? Bà Thảo của AVV cho biết, mô hình thuần online có điểm thuận lợi là đòi hỏi ít vốn để bắt đầu hơn, ít bị rào cản về địa lý nên có thể mở rộng quy mô nhanh hơn, bao gồm việc mở rộng ra thị thị trường nước ngoài.

Còn xu hướng OMO thường được các startup có mô hình dạy kèm/ phụ đạo lựa chọn (tutoring/after-class) để giúp tăng tính tương tác cho học viên (giữa học viên với giáo viên, giữa các học viên với nhau), cũng như nhiều môn học (ví dụ như STEAM) và kỹ năng (như thuyết trình) đòi hỏi phải có môi trường thực hành thực tế.

Việt Nam vẫn là nước du nhập các chương trình giáo dục nên khả năng Edtech Việt Nam đi ra quốc tế là rất khó. Chính vì thế, thị trường trong nước là mục tiêu hàng đầu của các công ty trong sân chơi này.  Thứ đến, đa phần khách hàng của 2 nhóm này là học sinh nên cần sự quản thúc của cơ sở giáo dục. Kết hợp 2 yếu tố trên, nhiều khả năng các Edtech đi theo hướng O2O sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.