Mức độ phổ biến của các điểm đến ở Địa Trung Hải đã giảm 10% so với năm ngoái. Ảnh: thred.com. Ngành du lịch đang thay đổi khi phải đối mặt với nhiệt độ gia tăng và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

 
Báo cáo HSBC Thứ Ba | 12/09/2023 10:16

Kỳ nghỉ nóng nực

Ngành du lịch đang thay đổi khi phải đối mặt với nhiệt độ gia tăng và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Báo cáo gần đây của HSBC cho thấy, đóng góp gần 6% cho GDP toàn cầu và tạo việc làm cho gần 290 triệu người trong năm 2021 (theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới), nhưng ngành du lịch và lữ hành đang phải đối mặt với vô số thách thức đến từ nhiệt độ cực đoan. Những đợt nắng nóng không ngừng gây ra các rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm mất nước và say nắng, khiến khách du lịch không thể ra ngoài khám phá, cản trở các hoạt động sôi động thường thấy của ngành.

Quá nóng để đi du lịch 

Một bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học về Môi trường Toàn diện vào năm 2022 nêu bật bằng chứng cho thấy nhiệt độ tăng 1°C có thể làm tăng khả năng mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng lên 18%. Hơn nữa, các nền kinh tế nhỏ và kém phồn vinh hơn có thể phải vật lộn để đối phó với nhu cầu làm mát ngày càng tăng khi khách du lịch tìm cách trốn khỏi mức nhiệt độ nóng như thiêu như đốt. Nhu cầu ngày càng cao đối với các khu vực gắn điều hòa cũng có khả năng khiến mức tiêu thụ năng lượng tăng mạnh, tạo áp lực cho lưới điện địa phương và tăng lượng phát thải.

Thời tiết oi ả đang ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của người dân. Tháng trước, Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC) đã báo cáo về sự sụt giảm dự định đi du lịch ở châu Âu so với những năm trước. Ngoài ra, mức độ phổ biến của các điểm đến ở Địa Trung Hải đã giảm 10% so với năm ngoái. Mặt khác, các điểm đến như Bulgaria và Đan Mạch ngày càng trở nên phổ biến do nền nhiệt ôn hòa hơn. Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn về cách khách du lịch phản ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng nhiều điểm du lịch nổi tiếng có thể sẽ mất đi sức hấp dẫn, tạo cơ hội tỏa sáng cho một số điểm đến ít được biết đến hơn. Sự thay đổi trong tâm lý của khách du lịch có thể sẽ có tác động đáng kể đến các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ du lịch.

 

Phát thải gia tăng và biến đổi khí hậu tạo thêm những thách thức bên cạnh các vấn đề về nhiệt trước mắt. Những hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy và lũ lụt đã gây ra các rủi ro tức thì. Ngoài ra, các tác động thứ cấp, như mức độ dồi dào của nước và sự lây lan của dịch bệnh, cũng ngày càng dấy lên quan ngại trong các cộng đồng ven biển cũng như khách du lịch.

Rủi ro khi mực nước biển dâng cao

Từ những khu nghỉ mát ven biển đẹp hút hồn đến những thị trấn bên bờ biển long lanh như tranh vẽ, nhiều điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng, chẳng hạn như Maldives, có nguy cơ bị nhấn chìm do mực nước biển dâng cao. Theo NASA, mực nước biển toàn cầu đã tăng 98,5 mm kể từ năm 1993. Trong khi đó, mức độ dâng cao của mực nước biển phụ thuộc vào lượng khí thải và sự hấp thụ nhiệt của các đại dương, 1 tỉ người có thể bị ảnh hưởng vào năm 2050. Thật không may, ngay cả khi đi theo lộ trình phát thải CO2 thấp, trung bình thế giới vẫn có khả năng mất đi 53% bãi biển có cát. Điều này sẽ kéo theo sự sụt giảm 30% số phòng khách sạn và 38% doanh thu du lịch vào năm 2100.

Các rủi ro tiềm tàng bao gồm bờ biển bị xói lở, cơ sở hạ tầng du lịch bị ngập lụt và gia tăng khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể làm giảm giá trị giải trí của những điểm du lịch ven biển nổi tiếng, có khả năng ảnh hưởng đến các đơn vị vận hành kinh doanh, hoạt động thể thao dưới nước và các bên điều hành tour (ví dụ tour lặn với ống thở và lặn với bình dưỡng khí), hoạt động của cảng và hãng hàng không.

 

Sóng nhiệt biển và axit hóa đại dương là những thách thức lớn đối với ngành du lịch ven biển. Cường độ và tần suất sóng nhiệt biển tăng lên có khả năng khiến các rạn san hô trải qua những thay đổi không thể đảo ngược và tàn phá sự sống dưới biển, ảnh hưởng đến nét đặc trưng của cảnh quan ven biển. Qua đó, ảnh hưởng tới một loạt hoạt động liên quan du lịch sinh thái và nông nghiệp; du lịch ở các khu vực có tuyết; du lịch liên quan rừng...

Vượt lên thách thức

Các biện pháp thích ứng, các công cụ dự báo và cảnh báo sớm được cải thiện cũng như quản lý rủi ro thiên tai sẽ đóng vai trò quan trọng trong cách ngành du lịch ứng phó với những rủi ro sắp đến. Cơ sở hạ tầng như kè chắn sóng và kết cấu đê chắn sóng và khu vực bảo tồn các hệ thống tự nhiên như rừng ngập mặn là những biện pháp bảo vệ bờ biển quan trọng. Các chiến lược về nơi ở, chẳng hạn như nâng nền nhà ở và cơ sở hạ tầng chính yếu có thể giúp giảm tác động của lũ lụt. Ví dụ, những ngôi nhà được xây dựng cách mặt đất 1,5 m được chính phủ trợ cấp ở Quần đảo Tuamotu, nơi đặc biệt dễ bị lũ lụt. Một số khu vực cũng đã và đang áp dụng các biện pháp dựa vào hệ sinh thái để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các rạn san hô nhân tạo ngày càng được sử dụng nhiều hơn để hỗ trợ phục hồi rạn san hô ở những quốc gia như Antigua và Grenada. Tại Vanuatu, các doanh nghiệp du lịch đã tham gia thành lập các khu bảo tồn biển để giải quyết những rủi ro liên quan đến khí hậu. Khi tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng, các biện pháp thích ứng sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong việc bảo vệ các khu vực dễ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận sự bền vững lâu dài phụ thuộc vào cách tiếp cận trên diện rộng, kết hợp các chiến lược thích ứng với nỗ lực toàn cầu nhằm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính.