Đông Sang Thứ Ba | 28/02/2023 07:00

Bay dưới bóng lớn của mẹ

Lối đi riêng của con trai một chủ tiệm may áo dài nổi tiếng tại Sài Gòn.

Cuối tháng 10/2021, thị trường Việt Nam dậy sóng khi Sipher, công ty game tích hợp blockchain, nhận được vốn đầu tư 6,8 triệu USD. Đứng sau sự thành công của Sipher là Nguyễn Trung Tín, Giám đốc Điều hành Trung Thủy Group.

Dấu ấn đầu tiên

Trung Tín sinh năm 1987, con trai của bà Dương Thanh Thủy, người sáng lập Tập đoàn Trung Thủy Group. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Đại học Melbourne (Úc), Trung Tín về nước và bắt đầu sự nghiệp ở vị trí nhân viên tiếp thị tập sự tại Tập đoàn. 

Cái tên Trung Tín được giới kinh doanh nhắc đến nhiều hơn sau dự án Sin Ultra Lounge, mô hình quán bar 5 sao đầu tiên tại TP.HCM. Đây là tiền đề để anh lập liên tiếp 4 công ty trong các lĩnh vực ẩm thực, thiết kế và tổ chức sự kiện.

“Để vượt lên thì mình đâu còn cách nào khác ngoài việc phải bỏ nhiều thời gian và gắng sức hơn

Tuy nhiên, dự án in đậm sự chững chạc trong kinh doanh của Trung Tín phải kể đến co-working Dreamplex, mô hình không gian khởi nghiệp. Năm 2015, thời điểm trào lưu khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam bắt đầu được quan tâm, nhiều dịch vụ hỗ trợ trào lưu này cũng phát triển theo và co-working space là một trong số đó.

Đây là mô hình khó, phải đáp ứng tiêu chí lấp đầy, đồng thời đảm bảo nguồn thu bền vững, khá khó thực hiện với các khách hàng startup. Việc tạm dừng kinh doanh của 2 co-working space nổi tiếng lúc bấy giờ Saigon Hub, The Start Network là minh chứng cho việc này. Để tránh đi vào vết xe đổ của những người đi trước, Dreamplex của Trung Tín đã kết hợp mô hình cho thuê văn phòng và co-working space. Một tầng anh dành cho các nhóm khởi nghiệp, 2 tầng còn lại anh dành cho các doanh nghiệp. Sau 3 tuần khai trương, tỉ lệ lập đầy đạt hơn 87%.

Đây cũng là tiền đề để Trung Tín mạnh dạn mở rộng Dreamplex đồng thời đưa anh vào vị trí điều hành Trung Thủy Group vào tháng 1/2015. Năm đó, Trung Tín tròn 28 tuổi.

Huyền thoại Miss Ao Dai

Xuất phát điểm của Trung Thủy bắt đầu từ một cửa hàng mỹ nghệ trên đường Đồng Khởi. Bà Dương Thanh Thủy (sinh năm 1961) lúc đó đang học năm tư Đại học Y Dược nhưng vì biến cố gia đình phải đứng ra kinh doanh. Thập niên 1990, du khách Nhật đến TP.HCM ngày một đông, dù cửa hàng của bà Thủy bày bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhưng ai đến cửa hàng cũng hỏi: "Ao dzai, ao dzai…?".

Nhận thấy người Nhật bị quyến rũ bởi tà áo dài Việt Nam, bà Thủy đưa ra ý tưởng kinh doanh áo dài và đặt tên cho công ty là Miss Ao Dai. “Có rất nhiều kỷ niệm trên con đường lập nghiệp của tôi. Nhưng khiến tôi nhớ nhất là lần một khách hàng Nhật  gọi điện đến Miss Ao Dai lúc 1 giờ sáng và than phiền áo chúng tôi may không mặc được. Không chỉ vậy, vị khách ấy còn đòi nhân viên giải quyết ngay lập tức”, bà Thủy hồi tưởng.

Mặc dù rất tin tưởng vào tay nghề người may nhưng bà Thủy và nhân viên cũng ngay lập tức đến khách sạn, nơi vị khách Nhật đang ở. Hóa ra, vị khách không biết cài cúc đúng vị trí nên chiếc áo bị xộc xệch. Câu chuyện này đã được chính vị khách kể trên một tạp chí du lịch nội địa, nhờ đó, khách hàng Nhật biết đến Miss Ao Dai nhiều hơn.

Những ngày đầu thành lập, Miss Ao Dai gặp không ít khó khăn, nhưng bà Thủy đã chọn phương thức kinh doanh độc đáo để thu hút khách hàng: may áo dài miễn phí. Bất kỳ du khách nào đến Việt Nam khi muốn có một chiếc áo dài, họ đều có thể mua vải ở bất cứ đâu và mang đến Miss Ao Dai may miễn phí.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chụp hình với gia đình bà Dương Thanh Thủy tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam tháng 5/2016.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chụp hình với gia đình bà Dương Thanh Thủy tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam tháng 5/2016.

Ngay sau khi công bố ý tưởng, rất nhiều công ty du lịch lớn trong nước hưởng ứng, ủng hộ như Saigontourist, Apex... và đã đưa ngay nội dung này của Miss Ao Dai vào chương trình quảng bá du lịch ở Nhật. Nguồn thu chính của cửa hàng bà Thủy khi đó là những món quà lưu niệm. Khi được may áo dài miễn phí, khách đã ủng hộ Miss Ao Dai bằng cách mua những món quà khác như giày, túi xách, khăn quàng cổ, nón...

Hai năm sau, bà Thủy tiếp tục đưa ra những chương trình khác hấp dẫn hơn, như: "Mua áo dài được tặng một đôi giày" hay "Mua áo dài được tặng một giỏ xách"... Cứ thế, lượng khách đến may áo dài và mua hàng lưu niệm mỗi ngày mỗi tăng, cửa hàng ngày càng phát triển. Sau nhiều năm bôn ba, Trung Thủy Group hiện được biết đến là tập đoàn đa ngành, chuyên cung cấp các dịch vụ đầu tư bất động sản, khai thác, quản lý căn hộ, cao ốc văn phòng.

Đã có nhiều dự án đi vào hoạt động như: tòa nhà Lancaster, cao ốc Miss Ao Dai tại TP.HCM, tòa nhà The Lancaster tại Hà Nội, Khu Du lịch cao cấp Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu Du lịch nghỉ dưỡng Trung Thủy (Đà Lạt), Khu tổ hợp căn hộ và dịch vụ (Quận 4, TP.HCM), Khu căn hộ cao cấp - văn phòng - trung tâm thương mại (Quận 1, TP.HCM)... Trung Thủy còn cung cấp các dịch vụ du lịch cao cấp tại Anam Spa, Sen Spa (TP.HCM), các nhà hàng, khách sạn tọa lạc ngay tại trung tâm TP.HCM.

Hành trình mới

Chia sẻ về người con kế thừa Nguyễn Trung Tín, bà Thủy không giấu được niềm hãnh diện. Bà kể có lần vợ chồng bà rủ con đi ăn trưa, Trung Tín xin phép đến trễ vì bận rà lại quy trình sau khi phát hiện hụt mất 2 lon nước ngọt. Trong khi người mẹ cho rằng "vài chục ngàn đồng không đáng gì”, thì người con tiếp cận ở góc độ quản trị, quy trình có lỗ hổng. “Kết quả tìm kiếm ra sao?”, bà hỏi. "Không tìm được. Đến bây giờ vẫn không ra”, Trung Tín trả lời và thừa nhận phải biết chấp nhận sự không hoàn hảo.

Có lẽ cái thiếu lớn nhất của Trung Tín so với thế hệ đi trước là kinh nghiệm. Theo anh, kinh nghiệm là kết quả của hành động.

Với Trung Tín, áp lực thoát khỏi cái bóng quá lớn của người mẹ có ý chí sắt đá, 10 năm đi làm thuê và lập nên cơ nghiệp Trung Thủy Group hiện nay, thật không hề đơn giản. “Không còn cách nào khác là phải chứng minh cho mọi người thấy khả năng của bản thân”, Trung Tín nói.

Từ Sin Ultra Lounge đến ACE Night Club, Mama, Hush Creative, anh đều làm hết sức để không phụ lòng bậc sinh thành. Có dịp tiếp xúc với doanh nhân này, thật khó mà không bị thuyết phục trước cách anh trình bày các dự án kinh doanh. Trung Tín luôn nói rõ về khó khăn và cơ hội anh nhìn thấy được.

Với Sipher, dự án game kết hợp công nghệ blockchain, trào lưu này đang rất được ưa chuộng bởi phong cách play-to-earn (tạm dịch là người chơi nhận được vật phẩm trong game và mua bán qua tiền mã hóa). Theo ông Huy Nguyễn, nhà sáng lập Kardia Chain, công ty cung cấp nền tảng blockchain, cho rằng trên thực tế việc tích hợp blockchain vào game không khó bằng tư duy tạo ra cộng đồng, kết nối và đưa ra các ý tưởng kinh doanh phù hợp. “Nhìn chung, cần cả người làm kinh tế giỏi tham gia nữa”, ông Huy nói.

Và vai trò này, có lẽ Trung Tín hoàn toàn phù hợp khi anh đã có nhiều năm điều hành các dự án giải trí, dịch vụ chất lượng cao. Với Sipher, Trung Tín đặt ra tầm nhìn là tạo ra một thế giới có thể mở rộng để luôn thu hút và giữ chân người chơi trong nhiều năm tới qua việc ra mắt các thế giới mới, nhân vật mới và phe phái/thế lực mới.

Sipher đang phát triển game World of Sipheria, thể loại MOBA (nhiều nguời chơi trực tuyến). Nhân vật NFT (công nghệ giúp việc mua bán vật phẩm trong game ít rủi ro hơn) đầu tiên của Sipher, Sipherian Surge, nằm trong số 10.000 nhân vật Sipher Inu NFT gốc đã được bán hết chỉ trong vòng 15 phút. Hiện các nhân vật được giao dịch qua thị trường thứ cấp trên OpenSea.

Nguồn vốn huy động được dùng để phát hành MVP (Minimum Viable Product, sản phẩm khả dụng tối thiểu) có thể chơi được để mang đến trải nghiệm đầu tiên về World of Sipheria. Phiên bản này sẽ trình làng cách chơi mới, tiếp nhận làn sóng người dùng hiểu về công nghệ blockchain (native blockchain) và người dùng thường (non-native blockchain).

“Tôi có 24 tiếng trong ngày, người khác cũng vậy. Nếu 2 người có điều kiện như nhau mà mình bỏ ra thời gian 8 tiếng mỗi ngày để làm việc như họ thì mình sẽ chỉ đi ngang bằng với người khác. Để vượt lên thì mình đâu còn cách nào khác ngoài việc phải bỏ nhiều thời gian và gắng sức hơn”, Trung Tín chia sẻ.