Sự thay đổi lớn tiếp theo diễn ra vào thời điểm hãng bay non trẻ này đang phải vật lộn với khó khăn. Ảnh: TL

 
Thanh Tân Thứ Ba | 20/06/2023 16:06

Bamboo Airways vẫn nặng cánh bay

Bamboo Airways đang có những động thái quyết liệt trong quá trình tái cơ cấu, làm sạch tài sản xấu và phản ánh đúng thực trạng của hãng bay này.

Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa bất ngờ nhận được đơn xin từ nhiệm của toàn bộ 5 thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2019-2024. Động thái này có thể thấy như một tuyên bố về giai đoạn chuyển giao cũng như tái cơ cấu lớn sắp tới. Trước đó, hãng bay này cũng có một số thay đổi ở vị trí lãnh đạo điều hành trong quá trình chuyển giao sang nhà đầu tư mới. Vị trí Tổng Giám đốc có ông Nguyễn Minh Hải được bổ nhiệm từ tháng 5. Hai cựu lãnh đạo Japan Airlines cũng được kỳ vọng mang đến tư duy mới mẻ cho Bamboo Airways.

Sự thay đổi lớn tiếp theo diễn ra vào thời điểm hãng bay non trẻ này đang phải vật lộn với khó khăn. Thực tế, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 cho thấy hãng hàng không này đang có khoản lỗ lên đến 17.600 tỉ đồng năm 2022. Quy mô tài sản của Bamboo Airways tính tới cuối năm 2022 đã giảm 33% so với đầu năm, tương ứng giảm 8.849,9 tỉ đồng, về mức 18.007,6 tỉ đồng. Ngược lại, tổng nợ vay lại tăng 121,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 5.829,9 tỉ đồng, lên 10.623,4 tỉ đồng và chiếm 59% tổng nguồn vốn (đầu năm ghi nhận 4.793,5 tỉ đồng, chiếm 17,8% tổng nguồn vốn).

 

Kể từ tháng 4/2022, nhà đầu tư mới (được ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sacombank, cố vấn) đã tích cực hỗ trợ tái cấu trúc Bamboo Airways và đặc biệt hỗ trợ dòng tiền cho hãng bay thông qua các hợp đồng cho vay lên đến 7.500 tỉ đồng. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Minh Hải, tân Tổng Giám đốc của Bamboo Airways, cho biết Hãng đang trong quá trình hoàn tất chuyển đổi sở hữu từ nhà đầu tư cũ sang nhà đầu tư mới, việc tái cơ cấu tổ chức sẽ cần thời gian.

Tuy nhiên, số lỗ lũy kế năm 2022 vượt vốn điều lệ khiến dư luận nghi ngại Bamboo Airways khó đảm bảo duy trì dòng tiền hoạt động. Dù thực tế, khoản lỗ cũng đến từ việc Công ty đã trích lập các khoản dự phòng phải thu (ngắn hạn/dài hạn) khó đòi. Đây được coi là động thái quyết liệt của Công ty trong quá trình tái cơ cấu, làm sạch tài sản xấu và phản ánh đúng thực trạng của Công ty.

Có thể thấy, kế hoạch bay sẽ phụ thuộc rất lớn vào tiến trình cơ cấu lại Bamboo Airways, đặc biệt là tái cơ cấu tài chính. Nhiều thông tin đưa ra cho thấy, áp lực trả nợ và dòng tiền mới phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways trong thời gian tới sẽ được giải tỏa phần nào khi Đại hội đồng cổ đông mới đây đã thông qua phương án tăng vốn thêm 11.500 tỉ đồng. Trong đó, bao gồm 7.720 tỉ đồng phát hành để hoán đổi nợ và 3.780 tỉ đồng phát hành cho nhà đầu tư chiến lược.

Trong năm 2023, Bamboo Airways đặt kế hoạch tăng trưởng kinh doanh dự kiến trên 2 con số, khoảng 15-20%. Sau khi tách khỏi FLC, các nhà đầu tư mới hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn trong giai đoạn phát triển mới. Về phát triển đội tàu bay, Bamboo Airways sẽ triển khai đề nghị Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương cho phép tăng đội bay lên trên 30 tàu và đầu tư mở rộng đội bay để đáp ứng nhu cầu thương mại. Với thị trường quốc tế dự kiến tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, doanh thu vận tải hành khách và hàng hóa kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 2 con số trong khoảng 15-20% so với các năm trước.

 

Trong bối cảnh này, Bamboo Airways có thể đặt kỳ vọng sáng sủa về hoạt động kinh doanh trong mảng vận chuyển hành khách. Trước thời điểm từ nhiệm, ông Nguyễn Ngọc Trọng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bamboo Airways, cũng thông tin: “Hãng đã gần đạt điểm hòa vốn trong quý I khi đội tàu bay hoạt động hết công suất. Bamboo Airways sẽ lên khỏi mặt đất từ năm 2024 và có lãi từ năm 2025”.Kế hoạch này được coi là khả quan trong thời điểm thị trường hàng không đang có nhiều dấu hiệu tích cực sau giai đoạn dài tê liệt vì dịch bệnh. Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng thị trường hành khách ước đạt 34,7 triệu lượt khách, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2022. Các hãng hàng không đang trên đà phục hồi nhờ lượng du khách quốc tế có dấu hiệu quay trở lại khả quan hơn, nhất là khi Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm các quốc gia được phép du lịch theo nhóm dành cho công dân Trung Quốc từ ngày 15/3. Cả Vietjet Air và Vietnam Airlies ghi nhận quý đầu năm 2023 có lợi nhuận tăng trưởng.

Tuy nhiên, nhìn lại các năm qua, một trong những trụ cột mang lại lợi nhuận ròng trước dịch của Bamboo Airways đến từ hoạt động bán và thuê lại tàu bay (SLB). Nhưng thời điểm hiện nay, với lãi suất ở các thị trường tài chính lớn liên tục tăng lên do lạm phát, các doanh nghiệp toàn cầu về cho thuê máy bay (lessor) cảnh báo sẽ sẵn sàng chuyển phần chi phí tăng này sang cho các hãng bay. Điều này đồng nghĩa chi phí thuê lại tàu bay sẽ cao hơn. Trong khi đó, dù nguồn thu cải thiện tích cực nhưng Bamboo Airways vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng kinh doanh dưới giá vốn. Cộng thêm các khoản chi phí tài chính, chi phí doanh nghiệp đội lên gấp nhiều lần. Nếu không cải thiện những hoạt động này, triển vọng tăng trưởng của Bamboo Airways vẫn còn là dấu hỏi.