Tú Linh Thứ Ba | 07/12/2021 10:00

Để chuyển đổi số, cần “bẻ gãy” trong tư duy

Trong dòng chảy chuyển đổi số, chiến lược “bẻ gãy” - Disruptive Business Strategy là chiến lược đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Vậy thì “Bẻ gãy” từ đâu? Làm sao cho đúng? Trọng tâm là gì? Mang lại hiệu quả như thế nào? Những câu hỏi này được ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long giải đáp chi tiết và thực tế trong buổi talkshow online “Lãnh đạo và chiến lược “bẻ gãy” trong chuyển đổi số” diễn ra vào tối 1/12 vừa qua. 

Đại dịch Covid-19 kéo dài mang đến thách thức lớn cho các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để vượt qua những thách thức đó, doanh nghiệp cần có những chiến lược chuyển đổi số phù hợp. Khảo sát của Tổ chức nghiên cứu toàn cầu về chiến lược (BCG) cho thấy, đại dịch khiến lãnh đạo các doanh nghiệp cảm thấy chuyển đổi số là cấp thiết. Và chiến lược “bẻ gãy” - Disruptive Business Strategy trong chuyển đổi số là vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. 

Trong bối cảnh đó, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Kinh tế Sài Gòn, Saigon Times Club, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA HCM) và BIT Group đã phối hợp tổ chức talkshow online “Lãnh đạo và chiến lược “bẻ gãy” trong chuyển đổi số”.  Chương trình được tổ chức vào tối 1/12/2021 cùng chuyên gia khách mời là ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long. Buổi talkshow diễn ra với sự theo dõi của hơn 1.200 khán giả đang là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trưởng các bộ phận, phòng ban quan tâm đến vấn đề ứng dụng chiến lược “bẻ gãy” trong doanh nghiệp và thực hiện chuyển đổi số để kinh doanh hiệu quả trong và sau dịch.

 

Cần “bẻ gãy” trong tư duy

Tại buổi tọa đàm, ông Cô Gia Thọ đã đưa ra những giải đáp giá trị về chiến lược “bẻ gãy”. Theo ông, chủ doanh nghiệp nên nhìn rộng hơn ra khỏi sự định nghĩa của một chiến lược: đó là sự bẻ gãy trong toàn chuỗi tư duy, phương pháp quản trị và tiếp cận. Ông Thọ giải mã chiến lược này qua phần giải đáp “WHY? - Chuyển đổi số để làm gì?”, “HOW - Bằng cách nào?” và “WHO - Con người & công nghệ, ai mới là chủ?”

Với câu hỏi Why? - Chuyển đổi số để làm gì? Tại sao phải chuyển đổi số? Ông Cô Gia Thọ xác định đây là bước khởi đầu, cũng là bước quan trọng nhất khi xác định rõ mục đích của chiến lược. Hãy “bẻ gãy” tư duy khi cho rằng chuyển đổi số là một quyết định hợp thời bởi những thứ sản sinh ra chỉ vì hợp thời cuộc sẽ chóng tàn cùng với thời cuộc. Ông Thọ khẳng định, sự thành công của chiến lược nằm ở tư duy người lãnh đạo, cần có tư duy rõ ràng như: “Tôi chuyển đổi số vì chắc chắn nó sẽ giúp business tôi tối ưu hơn ở những phương diện cụ thể” chứ không phải làm vì nó… hợp thời!

Và How? – “Bẻ gãy” bằng cách nào? Lãnh đạo Thiên Long Group cho rằng, cần “bẻ gãy” cách tiếp cận “chuyển đổi số” bằng công nghệ. Theo đó, cách tiếp cận đúng là đi từ mục tiêu, tận dụng công nghệ để đạt được mục đích hay dùng công nghệ để trở nên thông minh hơn trong việc ra quyết định. Ngoài những công ty công nghệ, các doanh nghiệp cần sử dụng công nghệ để hướng tới mục tiêu đã đặt ra. Bởi theo ông Thọ, công nghệ vốn sinh ra để phục vụ mục tiêu doanh nghiệp, tự nó không phải là một mục tiêu.

Hơn thế, chúng ta cần xác định được trọng tâm với câu hỏi Who? - Con người và công nghệ, ai mới là chủ? Với lãnh đạo tập đoàn Thiên Long, ông đặt con người là trọng tâm trong mọi chiến lược: “Hãy là business leader, đừng là data reader hay tech follower.” Theo ông, chiến lược “bẻ gãy” sẽ sai khi người lãnh đạo có ý đồ dùng “chuyển đổi số” để tạo ra một cuộc trình diễn công nghệ phức tạp và hoành tráng cho người dùng. Bởi trong suốt 4 cuộc cách mạng công nghiệp, từ động cơ hơi nước đến trí tuệ nhân tạo, tất cả mọi thứ đều thay đổi nhưng vị trí của con người thì không. Con người là chủ thể sáng tạo, phát minh ra công nghệ. Vì vậy, con người sẽ luôn đứng trên công nghệ, dùng công nghệ và không phù hợp khi đem con người ra so găng với công nghệ. 

“Trọng tâm của chuyển đổi số và mọi công nghệ dân dụng trên thế giới này là con người và sẽ phải luôn là con người. Bất kỳ công nghệ nào đi ngược điều đó, sẽ không có chỗ đứng”– Ông Cô Gia Thọ khẳng định, mọi công nghệ được phát minh trong lịch sử loài người đều sinh ra vì con người.

 

Thiên Long Group và những định hướng trong chuyển đổi số

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long cho biết, việc chuyển đổi số ở Thiên Long đơn giản để hiểu nhưng cũng vô cùng thách thức để tiến hành. Đó là giải phóng mọi cấp độ, từ lãnh đạo cấp cao đến nhân viên vận hành khỏi những công việc tay chân, đồng thời cung cấp cho họ công cụ để ra quyết định hoặc vận hành business thông minh hơn, chuẩn xác hơn, với nguồn lực tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, cái khó nằm ở những cạm bẫy khi làm chuyển đổi số. Khi nhà lãnh đạo có trong tay những công cụ mạnh mẽ hơn, bản năng khiến họ trở nên muốn thâu tóm và kiểm soát hơn. Vậy nên, thay vì là một cuộc cách mạng để vận hành đơn giản và hiệu quả hơn, thì nó dễ sa đà thành một chuỗi các đòi hỏi tinh vi và hoá thành một cấp độ mới của sự kiểm soát. Khi đó, nhà lãnh đạo cần nhìn lại lý do chúng ta bắt đầu chuyển đổi số. Theo ông Thọ, chuyển đổi số giúp chúng ta “do smarter, be more human” chứ không phải “control stricter, be more machine”. Nói cách khác, chúng ta làm ra máy móc để loài người được quyền sống và làm việc đúng bản chất con người hơn, chứ không phải trở nên máy móc hơn.

Nói về chiến lược chuyển giao của Thiên Long Group với 3 nhóm thế hệ gồm nhóm Cựu Trào, nhóm Chủ Lực và nhóm Tương Lai, ông Cô Gia Thọ chia sẻ:

“Nhóm Cựu Trào: vì đã trải qua nhiều cuộc thay đổi, trải nghiệm thành lẫn bại đều có, nhưng chắc chắn thấy nhiều cuộc cách mạng thất bại, nên nhóm này thật nhìn thấy rủi ro trước khi nhìn thấy cơ hội. Để tác động được nhóm này, không có công thức nào tốt hơn là kết quả.

Nhóm Tương Lai: rất hừng hực khí thế, chấp nhận rủi ro, thừa quyết tâm nhưng thiếu phương pháp. Với nhóm này, tốt nhất là tự trải nghiệm và tự vấp ngã trong kiểm soát và hướng dẫn.

 Nhóm Chủ Lực: nhóm này dung hoà giữa sự thận trọng của nhóm Cựu Trào và Sức Bật của nhóm Tương Lai. Đây là nơi đầu tiên và quan trọng nhất cần tìm đến khi cần thực hiện những cuộc cách mạng lớn như Chuyển Đổi Số. Với nhóm này, cách drive tốt nhất thường là một kế hoạch hoàn chỉnh và được triển khai bởi một đội ngũ dung hoà, hiệu quả bởi mọi nhóm trong công ty.”

Tuy nhiên trong thực tế, ông cho biết mỗi nhóm sẽ luôn có những ưu điểm và giới hạn. Sẽ luôn có những rủi ro xảy đến nếu người đứng đầu chưa đủ trải nghiệm, chưa vững “tay chèo”. Lúc đó, người lãnh đạo phải biết hòa hợp các nhóm sao cho có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau từ các nhóm. Nếu sự thỏa thuận giữa các nhóm kéo dài thì theo ông Thọ, quyết định cuối cùng là người lãnh đạo cấp cao trong công ty. Trong thực tế, Thiên Long đã thuyết phục được qua nhiều cuộc trao đổi, thuyết phục, chứng minh để vượt qua những lực cản giữa các nhóm. Với hệ sinh thái rộng lớn, Thiên Long luôn mong muốn có những sản phẩm phục vụ khoa học đào tạo, phát triển nhân tài trẻ. Lãnh đạo tập đoàn Thiên Long cho biết, ngoài phát triển bằng nội lực, Thiên Long cũng hướng ra ngoài để tìm những cơ hội đầu tư. Đặc biệt là các Starup, với các bạn trẻ có cùng chí hướng thì Thiên Long sẵn sàng mở rộng cánh cửa hợp tác.

Sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, Thiên Long Group luôn nhận thức, kịp thời đổi mới, trải qua nhiều bước chuyển mình để trở thành một trong những công ty văn phòng phẩm có mức tăng trưởng doanh thu cao. Dưới sự dẫn dắt của một nhà lãnh đạo có tầm, Thiên Long Group đang có những định hướng quan trọng trong ứng dụng chuyển đổi số, bắt đầu từ việc thay đổi tư duy lãnh đạo, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và chú trọng chuyển giao thế hệ nhằm thực hiện chiến lược “bẻ gãy” trong thời kỳ đổi mới.