Các diễn giả tham gia phiên toạ đàm. Ảnh: Quý Hoà.

 
Quỳnh Như- Kim Quyên- Bảo Hân Thứ Năm | 15/06/2023 14:00

Giữ DNA niềm tin - Giữ sản nghiệp gia đình

PwC vừa công bố Báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2023 với thông điệp chuyển đổi để xây dựng niềm tin.

Ngày 13/6, tại TP.HCM, Hội thảo chủ đề “Giữ DNA niềm tin - Giữ sản nghiệp gia đình” được PwC Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức. Sự kiện quy tụ nhiều diễn giả, các CEO là thế hệ tiếp theo của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam.

Tại sự kiện, PwC đã công bố Báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2023. Theo ông Johnathan Ooi, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân và Gia đình PwC Việt Nam, thông qua khảo sát này, các doanh nghiệp gia đình có thể nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng trong việc rút ngắn “khoảng cách niềm tin”. Đây là chìa khóa để đảm bảo sự phát triển của các doanh nghiệp gia đình trong tương lai. Bởi trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp gia đình đang gặp khó khăn trong việc dành ưu tiên cho các yếu tố nền tảng để xây dựng niềm tin với tất cả các bên liên quan như khách hàng, nhà đầu tư, nhân viên, thành viên gia đình và cả công chúng.

ông Johnathan Ooi, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân và Gia đình PwC Việt Nam,
Ông Johnathan Ooi, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân và Gia đình PwC Việt Nam, phát biểu khai mạc. Ảnh: Quý Hòa.

Khẳng định vai trò, tầm quan trọng cũng như tính đặc thù của Doanh nghiệp gia đình trong nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, ông Peter Bartels, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân và Gia đình của PwC Toàn cầu, nhấn mạnh việc doanh nghiệp gia đình cần phải cân bằng giữa quản trị gia đình và quản lý kinh doanh. Trong đó, yếu tố gia đình vừa có thể là điểm mạnh nhưng cũng có thể là điểm yếu của Doanh nghiệp gia đình. Vì vậy việc xây dựng niềm tin không chỉ ở việc mở rộng giá trị bên ngoài, mà còn phải củng cố nền móng bên trong. 

Ông Peter Bartels, Lãnh đạo Dịch vụ doanh nghiệp Tư nhân và Gia đình của PwC Toàn cầu. Ảnh: Quý Hoà.
Ông Peter Bartels, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân và Gia đình của PwC Toàn cầu. Ảnh: Quý Hòa.

Ông Trần Văn Thắng, Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán PwC Việt Nam, chia sẻ PwC đã tiến hành khảo sát ở 82 vùng lãnh thổ trong khoảng thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023. Với đợt khảo sát toàn cầu lần thứ 11 này, PwC nhận được sự tham gia của 2.043 chủ doanh nghiệp, và trong số này, có 36 đại diện đến từ Việt Nam. Những doanh nghiệp được khảo sát có sự đa dạng trong quy mô kinh doanh cũng như có nhiều ngành nghề khác nhau.

Ông Trần Văn Thắng, Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán, PwC Việt Nam, chia sẻ Báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2023. Ảnh: Quý Hoà.
Ông Trần Văn Thắng, Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán, PwC Việt Nam, chia sẻ Báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2023. Ảnh: Quý Hào.

Từ báo cáo khảo sát của PwC, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam hay thậm chí là trên toàn cầu đều đang đối mặt với sự thiếu hụt niềm tin. Mặc dù các doanh nghiệp đề cao sự tín nhiệm đối với khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư, song họ lại nhận thấy rằng chưa thể hoàn toàn đạt được niềm tin từ các bên chủ chốt này. Các doanh nghiệp gia đình cần phải thu hẹp khoảng cách niềm tin với các bên liên quan chính trước khi thật sự rơi vào cuộc khủng hoảng về khoảng cách niềm tin. Thêm vào đó, chỉ có 28% doanh nghiệp cho rằng niềm tin với các thành viên gia đình góp phần quan trọng vào sự thành công của công ty, khá thấp so với số liệu toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần lượt là 63% và 54%. Trong khi, mức độ niềm tin giữa các thành viên ở công ty gia đình Việt Nam còn khá thấp với tỉ lệ 40%.

Khoảng cách niềm tin giữa doanh nghiệp gia đình và các bên liên quan.
Khoảng cách niềm tin giữa doanh nghiệp gia đình và các bên liên quan.

Xây dựng niềm tin từ bên ngoài

Nói về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp trên thế giới, ông Peter Bartels, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân và Gia đình của PwC Toàn cầu, cho biết mỗi thị trường đều có đặc điểm khác nhau nhưng niềm tin ở đâu thì cũng cần phải có. Trong bối cảnh xu hướng kinh doanh toàn cầu đang xoay quanh 5 yếu tố: công nghệ, chuyển đổi số, nhà cung cấp, truyền thông minh bạch và đổi mới sáng tạo, mức độ minh bạch và giao tiếp sẽ là 2 yếu tố rất tốt để tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, từ đó tạo nền tảng vững chắc trong xây dựng niềm tin với khách hàng.

Phiên tọa đàm 1: Mở rộng giá trị của niềm tin từ bên ngoài doanh nghiệp. Ảnh: Quý Hoà.
Phiên tọa đàm 1: Mở rộng giá trị của niềm tin từ bên ngoài doanh nghiệp. Ảnh: Quý Hòa.

Trong phiên tọa đàm 1, bà Kao Huy Phương, Phó Giám đốc Phụ trách Kinh doanh Công ty Cổ phần Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin từ khách hàng. “Vụ án con kiến” được bà Phương chia sẻ cho thấy nền tảng để có được niềm tin từ khách hàng bắt đầu từ sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh và duy trì chất lượng nhất quán trong các sản phẩm của mình. Cũng theo bà, để có thể đưa ABC thành công “bước chân” vào thị trường Nhật thì những gì một doanh nghiệp cần làm chính là cho khách hàng cảm thấy tin tưởng vào công ty qua từng hành động nhỏ.

Bà Kao Huy Phương, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Cổ phần Bánh kẹo Á Châu (ABC), trong phiên toạ đàm 1. Ảnh: Quý Hoà.
Bà Kao Huy Phương, Phó Giám đốc Phụ trách Kinh doanh Công ty Cổ phần Bánh kẹo Á Châu (ABC), trong phiên toạ đàm 1. Ảnh: Quý Hòa.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Minh Giang, đồng sáng lập và Tổng Giám đốc Lãnh đạo và Văn hóa Công ty Newing, nguyên Tổng Giám đốc Nhân tài và Văn hóa của Mekong Capital, cũng cho rằng “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Điều này có nghĩa là khi có mục đích, có sứ mệnh nhưng không có niềm tin thì không thể tạo ra giá trị cho doanh nghiệp được. Nếu nhìn nhận thực tế, xây dựng niềm tin không cần phải là cái gì đó quá to tát mà chỉ đơn giản bắt đầu từ một lời hứa.

“Các doanh nghiệp mắt nhìn xa nhưng chân thì vẫn phải đạp đất. Doanh nghiệp Việt tập trung đầu tư vào mục tiêu ngắn hạn là không sai nhưng nó phải củng cố cho mục tiêu dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn thì nên làm nhanh còn mục tiêu dài hạn thì nên làm sớm”, bà Giang chia sẻ thêm.

Về góc độ nhà đầu tư khi họ đến và tìm hiểu để hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ tư vấn chiến lược và thương vụ, PwC Việt Nam, chia sẻ rằng các nhà đầu tư trước khi rót vốn đều đặt quan tâm đến mức độ tin cậy, kinh doanh bền vững và khả năng nâng tầm doanh nghiệp Việt. Điều đó đặt yêu cầu các doanh nghiệp gia đình Việt Nam cần mở rộng ưu tiên của mình, cân bằng các mục tiêu ngắn và dài hạn để sẵn sàng thu hút vốn các nhà đầu tư.

Một điều khác là, theo báo cáo của PwC, mặc dù hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm được sản xuất có đạo đức, bền vững, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến các vấn đề ESG. Cụ thể, khi được yêu cầu xếp hạng năm ưu tiên hàng đầu trong 2 năm tới, chỉ 17% số người được hỏi chọn tăng cường trách nhiệm xã hội của tổ chức; 6% chọn cải thiện kết quả thực hiện liên quan đến tính đa dạng và hòa nhập; không ai chọn giảm phát thải carbon của tổ chức và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Đây là lúc các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, chuyển trọng tâm và nguồn lực vào ESG như một cách để cho khách hàng nhìn thấy được hành động của doanh nghiệp. 

Phiên tọa đàm 1 với sự góp mặt bất ngờ của ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery). Ảnh: Quý Hoà.
Phiên tọa đàm 1 với sự góp mặt bất ngờ của ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery). Ảnh: Quý Hòa.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn ESG, Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo, PwC Việt Nam, chia sẻ các doanh nghiệp gia đình có thể bắt đầu từng bước nhỏ bằng cách tập trung vào các vấn đề ESG chính có liên quan đến ngành và các bên liên quan.

Củng cố niềm tin bên trong

Xét về khía cạnh bên trong của một doanh nghiệp, nhân viên nội bộ hay thành viên trong gia đình giữ vị trí lãnh đạo công ty cũng đều là những nhân tố “làm nên chuyện”. Theo ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Indevco, ông tin tưởng vào niềm tin và giao tiếp trong một hệ thống công ty. Công thức là tìm ra định hướng chung để hướng đến phương thức làm việc tốt nhất. Hoặc ít nhất, chỉ cần mỗi một cá nhân trong công ty có thể hoàn thành tốt vai trò của mình cũng đã góp thêm phần củng cố niềm tin nội bộ.

Phiên tọa đàm 2: Củng cố nền móng niềm tin bên trong doanh nghiệp. Ảnh: Quý Hoà.
Phiên tọa đàm 2: Củng cố nền móng niềm tin bên trong doanh nghiệp. Ảnh: Quý Hòa.

Trong khi đó, bà Vưu Lệ Quyên, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's), cho biết bà luôn hướng đến mô hình nhân viên làm việc “hiệu quả - hạnh phúc”. Niềm tin từ nhân viên trong nội bộ Công ty đóng góp phần quan trọng trong sự phát triển thịnh vượng của một doanh nghiệp. “Một doanh nghiệp bền vững đến từ con người bền vững. Nếu trong chính bản thân con người hay thành viên gia đình không có sự hiệu quả và hạnh phúc trong công việc thì làm sao có thể cống hiến cho xã hội một cách bền vững”, bà Quyên chia sẻ. 

Qua những chia sẻ của mình, bà Quyên đánh giá một người lãnh đạo doanh nghiệp gia đình cần có kỹ năng nhìn nhận “những tảng băng vấn đề” trong niềm tin của nhân viên công ty và tìm ra cách để khiến “băng tan”. Xây dựng niềm tin từ nhân viên sẽ giúp các doanh nghiệp gia đình hướng đến mô hình làm việc “hiệu quả - hạnh phúc”, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong kinh doanh.

Bà Vưu Lệ Quyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's), trong phiên toạ đàm 2. Ảnh: Quý Hoà.
Bà Vưu Lệ Quyên, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti's), trong phiên toạ đàm 2. Ảnh: Quý Hòa.

Trong báo cáo khảo sát của PwC, niềm tin thành viên trong gia đình đang bị xem là ít quan trọng nhất. Về điều này, ông Siew Quan Ng, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp tư nhân và gia đình của PwC khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết hầu hết các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đều còn non trẻ, vẫn trong thế hệ đầu tiên nên sự tín nhiệm giữa các thế hệ vẫn chưa nằm trong những vị trí ưu tiên. 

Như vậy, đối với vấn đề này, cần có sự chuyển giao nhịp nhàng giữa 2 thế hệ. Trong khi thế hệ lãnh đạo đương nhiệm cần học cách chuyển giao sản nghiệp gia đình thì thế hệ kế thừa cần học cách tiếp nhận sự chuyển giao, thông qua đó thiết lập vị trí của mình trong doanh nghiệp. 

Ông Siew Quan chia sẻ rằng các công ty gia đình cần tìm ra cách chuyển giao đặc trưng của doanh nghiệp bằng cách tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp châu Á đã thành công trong vấn đề này.

Ông Siew Quan Ng, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp tư nhân và gia đình của PwC khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong phiên thảo luận 2. Ảnh: Quý Hoà.
Ông Siew Quan Ng, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp tư nhân và gia đình của PwC khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong phiên thảo luận 2. Ảnh: Quý Hòa.

Ở một phương diện khác, các doanh nghiệp gia đình nên đề cao mở rộng trọng tâm cũng như đổi mới sáng tạo chuyển đổi để xây dựng niềm tin. Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin 2 chiều với các bên liên quan hay giữa các thế hệ, xây dựng niềm tin thông qua minh bạch và cần lên tiếng về các vấn đề xã hội. Mấu chốt ở đây là sự thay đổi trong cái nhìn, quan điểm và hành động trong quá trình giao tiếp giữa các bên từ bên trong nội bộ công ty, hay thậm chí là ra bên ngoài.

Kết thúc chương trình, ông Siew Quan Ng chia sẻ quá trình chuyển giao giữa 2 thế hệ cần phải thực hiện sớm để người kế thừa kịp thích ứng với tình trạng doanh nghiệp. Đồng thời thế hệ đương nhiệm cũng cần phải học cách làm quen với việc không còn tiếp quản doanh nghiệp để tránh những vấn đề can thiệp về sau.

Chi tiết Báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2023 được PwC công bố, truy cập tại đây.

Có thể bạn quan tâm:

Thách thức bền vững và ứng xử của Tập đoàn PAN