Người dân thôn Phú Thọ, An Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình) chịu cảnh lụt lội .Nguồn ảnh: Hải An

 
Kim Thùy Thứ Hai | 26/10/2020 14:00

Ứng phó và ứng xử với thiên nhiên

Những thảm họa ngày càng tàn khốc đặt ra tư duy mới về cách ứng phó cũng như thái độ ứng xử với thiên nhiên.

Khi khả năng chống lũ của thiên nhiên không thể phục hồi trong ngắn hạn, để nhanh chóng tái thiết lại nền kinh tế cho khu vực miền Trung, đầu tư cơ sở hạ tầng sống bền vững cùng thiên tai đang là giải pháp nhận được nhiều sự quan tâm.

Yếu tố con người trong lũ

Mùa lũ năm 2020 đã vượt tất cả các kỷ lục của trận “đại hồng thủy” ở Việt Nam vào năm 1999, cảnh báo mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm nhất của Việt Nam. Thiệt hại cũng ngày càng nặng nề: tính đến ngày 21.10, hơn 133 người thiệt mạng và mất tích, 136.000 ngôi nhà chìm trong nước lũ, trên 700.000 người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Bên cạnh lũ quét bề mặt và mực nước dâng nhanh, lũ ngầm gây sạt lở đất đồi càng nguy hiểm gấp bội vì chúng diễn ra âm thầm. Theo nghiên cứu của Viện Địa chất và Địa vật lý biển (IMGG), với cấu tạo địa chất thềm lục địa, miền Trung Việt Nam nằm trong hệ đứt gãy Tây Biển Đông thuộc kiểu trượt bằng trái với các ứng suất nén và giãn gần nằm ngang hướng Tây Bắc - Đông Nam và Đông Bắc - Tây Nam.

Những dòng nước ngầm giữa các vết nứt, đột ngột bị thay đổi lưu lượng từ hạn nặng trong các tháng trước sang ứ đọng nước do bão lũ trong các cơn bão tháng 10 đã làm mất thế cân bằng tự nhiên, gây biến dạng, dịch chuyển tương đối lượng đất đá xuống phía Nam của khối Đông Dương so với mảng Biển Đông đang sụt lún.

 

Theo đánh giá của Tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, tất cả các điểm trượt đều xảy ra khi có mưa, hoặc trước đó có mưa lớn kéo dài. Nguyên nhân nội tại hàng đầu gây trượt lở là các hệ thống đứt gãy phát triển rất mạnh. Còn các hoạt động xây dựng của con người lại là tác nhân kích hoạt điểm đứt gãy.

 

Cụ thể, ngoài yếu tố nội sinh đặc điểm địa lý và yếu tố ngoại sinh là các đợt bão áp thấp nhiệt đới thì tình trạng mưa lũ ở Việt Nam trở nên khốc liệt hơn còn bởi yếu tố nhân sinh gồm nạn chặt phá rừng và xây dựng thủy điện không có quy hoạch.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, tỉ lệ đất có rừng che phủ của Việt Nam chỉ đạt khoảng hơn 40%, rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 10%. Chỉ trong 4 năm (2016-2019), mỗi năm Việt Nam mất đi 2.430 ha rừng, tập trung tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, theo Tổng cục Lâm nghiệp.

Thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng lại làm rừng bị mất đi, khiến lũ dữ dội hơn và tàn phá nặng nề hơn. Trung bình mỗi dự án thủy điện được hình thành, sẽ có 125 ha rừng bị xóa sổ. “Việc phát triển ồ ạt thủy điện trên các sông lớn của Tây Nguyên đã và đang gây ra nhiều hệ lụy lớn đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên”, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Hà, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ.

“Theo quy định, công trình thủy điện chiếm bao nhiêu diện tích rừng thì phải trồng đền bù bấy nhiêu. Thế nhưng, đến nay, chưa có chủ đầu tư nào thực hiện việc trồng rừng này đúng quy trình, một bất hợp lý khác là không còn đất để trồng bù”, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam), cho biết.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, để khôi phục một cánh rừng cần mất ít nhất 15 năm, mỗi năm, nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất. Năm nào khúc ruột miền Trung cũng gồng mình chống lũ với những thiệt hại nặng nề. Tình trạng này không thể không đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các giải pháp chống lũ.

Tư duy mới về ứng phó thiên tai 

Là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất trên hành tinh, 60% diện tích của Hà Lan thường xuyên bị ngập lụt, đất nông nghiệp thì giàu than bùn dễ bị sạt lở, sụt lún, đây cũng là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất thế giới từ hiện tượng nước biển dâng nhưng người Hà Lan vẫn sống chung với lũ và ngày càng bồi đắp diện tích đất canh tác.

Không giống như Việt Nam xây đập thủy điện ồ ạt, hay tăng cường xây dựng các tuyến đê cố định để ngăn lũ, từ năm 2006 Chính phủ Hà Lan đã quy hoạch hạ tầng theo hướng tạo không gian cho dòng sông. Thay vì phải liên tục nâng cao hệ thống đê, đập, người Hà Lan tập trung chuyển sang cải tạo đất để tạo những khoảng trống cho nước dâng tự nhiên, hay tạo ra những khu vực làm giảm lực của sóng biển, nhằm giảm sức mạnh của dòng nước tấn công đất liền.

Ông Ahmed Aboutaleb, Thị trưởng Rotterdam (thành phố nằm ở độ sâu 6 m so với mực nước biển) ở Hà Lan, cho biết: “Kể cả về kinh tế và địa lý, nếu như bị ngập, chỉ có thể sơ tán một số ít người, vì vậy, di tản không phải là lựa chọn tối ưu, mà phải học cách sống chung với nước”. Giải pháp này trên thực tế đã được áp dụng từ lâu và đã có tác dụng chế ngự các thảm họa nhưng biến đổi khí hậu lại đang diễn ra nhanh hơn.

 

Bên cạnh đó, hạ tầng nhà nổi cũng là một nét đặc trưng riêng biệt của Hà Lan. Người Hà Lan ý thức được rằng, không thể tiếp tục xây đê cao hơn vì họ sẽ chỉ sống sót với một bức tường cao 10 m mà thôi; thay vào đó, cần cung cấp cho sông nhiều nơi để chảy. Và họ thiết kế những ngôi nhà có thể lên xuống hòa nhịp với mực nước biển dâng.

Ngoài ra, thành phố còn xây dựng các cơ sở như bãi đậu xe trở thành hồ chứa khẩn cấp, các đài phun nước, vòi phun nước, khu vườn, sân bóng rổ luôn sẵn sàng trở thành ao chứa nước trong mùa lũ.

“Tuy Hà Lan đã có những bước đầu thích nghi với thiên tai tương đối tốt, nhưng với diễn biến phức tạp của khí hậu Trái đất, chúng tôi luôn không ngừng nâng cấp và hoàn thiện các giải pháp hiệu quả hơn”, ông Ahmed Aboutaleb chia sẻ thêm với truyền thông Việt Nam.

Trong khi đó, thảm họa năm 1998 đã khiến Chính phủ Trung Quốc phải suy nghĩ lại toàn bộ chiến lược quy hoạch và quản lý lũ lụt. Phương pháp mới (được đưa ra vào năm 2007, nằm trong Chương trình Quốc gia về Chống Biến đổi Khí hậu Trung Quốc) đã chuyển trọng tâm sang các giải pháp dựa vào thiên nhiên để quản lý rủi ro lũ lụt. Nhằm khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, Trung Quốc đã khởi động một số đại dự án phục hồi sinh thái, trồng hàng tỉ cây xanh nhằm ngăn nước trên vùng núi đổ ra sông và giữ thêm nước ở thượng nguồn.

Nhật cũng là quốc gia đầu tư nhiều dự án nhằm thuần hóa thiên nhiên, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai như lũ lụt, động đất gây ra. Tuy nhiên, trước các thách thức thời tiết ngày càng khắc nghiệt, theo ông Shiro Maeno, Giáo sư Đại học Okayama, chính phủ nước này buộc phải điều chỉnh phương án chuẩn bị ứng phó với thiên tai. Thay vì lên kế hoạch cho những cơn bão sẽ xảy ra trong vòng 100 năm nữa, họ đang nghĩ tới những thảm họa với sức hủy diệt lớn hơn trong 1.000 năm tới. Thủ đô Nhật từ cuối năm 2015 đã hoàn tất hệ thống bể ngầm khổng lồ, có độ sâu 76 m, diện tích 14.000 m2, trị giá 2 tỉ USD.

Phép thử ngày càng lớn

Sau sự cố sạt lở Rào Trăng 3, Chính phủ đã vào cuộc kiểm tra, tích cực di dời người dân, tổ chức y tế ra khỏi vùng đệm có nguy cơ sạt lở cao, rà soát lại các trạm thủy điện công suất nhỏ và tiến hành nhiều nghiên cứu để loại dần các công trình thủy điện không có khả năng điều tiết nước. Quảng Nam ngưng triển khai 11 dự án thủy điện, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Chính phủ loại bỏ 424 dự án, tạm dừng 136 dự án và không đưa vào quy hoạch tiềm năng thủy điện 172 vị trí.

Nhiều địa phương Quảng Bình chìm sâu trong nước khi mưa lớn, nước sông dâng cao gây ngập lụt. Nguồn ảnh: Hải An.
Nhiều địa phương Quảng Bình chìm sâu trong nước khi mưa lớn, nước sông dâng cao gây ngập lụt. Nguồn ảnh: Hải An.

“Trong bối cảnh thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, chúng ta cần điều chỉnh tư duy từ ứng phó, khắc phục thiệt hại sang xây dựng năng lực chống chịu và nâng cao khả năng thích ứng. Một căn nhà vững chãi là yếu tố quan trọng đảm bảo bà con khó khăn có cuộc sống an toàn trước mùa mưa bão”, bà Phạm Thị Hương Giang, Chủ tịch Quỹ Sống, người sáng lập dự án Nhà chống lũ, chia sẻ.

 

Tính đến tháng 8.2020, số lượng nhà chống lũ xây dựng đã lên tới hơn 900. Nhưng con số này chẳng đáng kể so với hơn 150.000 ngôi nhà đang chìm trong nước sau trận lụt lịch sử. “Nếu chỉ có 1 căn nhà an toàn không thôi là chưa đủ, cần phát triển gia đình, cộng đồng an toàn. Từ nền tảng nhà chống lũ, chúng tôi đã bắt tay thí điểm dự án mới có tên Làng Hạnh phúc “, bà Hương Giang chia sẻ.

Mô hình nhà nổi và nhà chống lũ đã bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ từ hộ gia đình mà còn các tổ chức và mạnh thường quân. Riêng về giải pháp tạo không gian cho dòng sông, thông qua việc loại bỏ nhiều đập thủy điện tự phát và quy hoạch lại 9.078 km đê ở 21 tỉnh, thành phố phía Bắc và Bắc Trung Bộ sang dạng đê đa năng và bờ kè giữ nước như của Hà Lan vẫn cần thêm nhiều thời gian và tài lực, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai.

Báo cáo của Liên hiệp Quốc công bố ngày 12.10 cho thấy, biến đổi khí hậu là nguyên nhân của hơn 7.000 thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua. Những thảm họa này khiến hơn 1,2 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng tới 4,2 tỉ người. Báo cáo cũng cho biết các thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua đã gây thiệt hại kinh tế lên tới gần 3.000 tỉ USD. Bão và lũ lụt chiếm tới 72% các thảm họa thiên nhiên lớn và số lượng trận lũ lớn tăng gấp đôi trong vòng 2 thập niên qua.

 

Theo báo cáo “Khắc phục khủng hoảng kế tiếp tại châu Á: Biến đổi khí hậu” do HSBC mới công bố, đối với các nước châu Á, tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng được khẳng định là cuộc khủng hoảng thế kỷ của cả khu vực chứ không phải đại dịch COVID-19.

“Chính các quốc gia tại châu Á là một tác nhân gây ra vấn đề khí hậu. Riêng Trung Quốc đã chiếm 60% lượng gia tăng khí nhà kính trên toàn cầu kể từ năm 1990. Phá rừng là nguyên nhân góp phần tạo ra lượng khí thải lớn ở Đông Nam Á khi đô thị hóa gia tăng và đất đai được chuyển sang khai thác trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm phổ biến như dầu cọ”, ông Joseph Incalcaterra, chuyên gia kinh tế trưởng của HSBC phụ trách khu vực ASEAN, nhấn mạnh trong báo cáo.

 Một cây gỗ lớn tại khu vực rừng thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế bị cưa hạ trái phép. Nguồn ảnh: Hữu Phúc.
Một cây gỗ lớn tại khu vực rừng thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế bị cưa hạ trái phép. Nguồn ảnh: Hữu Phúc.

Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong 20 năm qua, mỗi năm, trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP, ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thiệt hại trên biển đã giảm nhưng thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi hiện có xu hướng gia tăng.

Giới khoa học đã lên tiếng, thiên tai hiện tại là kết quả của một “cơn bão” kết hợp giữa biến đổi khí hậu và hành động của con người. Sự gia tăng các thảm họa do thiên tai là phép thử lớn đối với nhiều quốc gia trong chiến lược sống hài hòa với thiên nhiên.

Các quốc gia cần có chính sách xử lý rủi ro lũ lụt một cách tổng thể hơn, dài hơi hơn, thay vì đối phó khi thiên tai xảy ra. Đó là trồng rừng ở thượng nguồn các sông ngòi, để cây to giữ đất tránh sụt lở và thảm rừng xanh thấm nước ngay từ đầu trận mưa. Đó là duy trì các hồ nước gần đô thị lớn có đường dẫn thông với sông ngòi quanh vùng dân cư để điều tiết nước...

Trên hết, con người cần ý thức được việc tránh tác động xấu tới thiên nhiên để tránh những cơn thịnh nộ mà thiên nhiên có thể giáng trả cho sự vô ý thức hoặc lơ là của chúng ta.