Các nhà đầu tư và quản lý tại sàn HOSE. Ảnh: Quý Hoà

 
Ngọc Thuỷ Thứ Ba | 05/10/2021 14:00

Quỹ đầu tư thắng lớn

Diễn biến khả quan của thị trường chứng khoán giúp không ít quỹ ghi nhận mức tăng trưởng vượt xa đà tăng của VN-Index.

Dù có những biến động ngoài dự báo nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm 2020 và 8 tháng đầu năm 2021 khá tích cực, đem lại cơ hội sinh lời không chỉ đối với nhà đầu tư cá nhân mà còn cho hầu hết các quỹ đầu tư. 

Trong số các quỹ đầu tư đạt tỉ suất sinh lời cao có Quỹ Đầu tư tăng trưởng Thiên Việt 2 (TVGF2)  của Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (Thien Viet Asset Management - TVAM) với mức tăng trưởng 43% so với mức tăng 20,6% của VN-Index trong 8 tháng đầu năm. Đáng chú ý, đây là năm thứ 2 liên tiếp Quỹ TVGF2 thuộc nhóm dẫn đầu thị trường về hiệu quả đầu tư. 

Các quỹ khác như 3 quỹ đầu tư thuộc VinaCapital (VCFM) đều có mức sinh lời cao. Cụ thể, ETF VinaCapital VN100 tăng 38,5% trong 6 tháng đầu năm 2021; Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF) tăng 39,1%; Quỹ Đầu tư cân bằng Tuệ Sáng VinaCapital (VIBF) tăng 26,6%.

VN-Index đang thử thách đỉnh 1.500 điểm. Ảnh: Quý Hoà
VN-Index đang thử thách đỉnh 1.500 điểm. Ảnh: Quý Hoà

Theo ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM), Việt Nam đã trở thành quốc gia hiếm hoi trên thế giới có GDP tăng trưởng dương trong năm 2020 (+2,9%) và tiếp tục tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2021 (+5,6%). Do vậy, Việt Nam đã lọt vào top các thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất khu vực châu Á với mức tăng 15% năm 2020 và 27,6% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trong tháng 8, do dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Việt Nam, thị trường chứng khoán đã có những biến động và một số quỹ đã chuyển sang rút ròng. Dù vậy, theo dự báo của SSI Research, từ tháng 9.2021, dòng vốn sẽ khả quan khi Việt Nam chuyển từ “ngăn chặn dịch bệnh” sang “sống chung với COVID-19”. Các quỹ ETF cũng đã bắt đầu ghi nhận tín hiệu tích cực hơn, khi Fubon Vietnam ETF đã ngừng rút vốn từ cuối tháng 8, còn các quỹ khác như ETF VFMVN30, VanEck Vietnam ETF ghi nhận dòng tiền trở lại.

CHIẾN LƯỢC CỦA TVAM

TVAM hiện quản lý tổng số tài sản khoảng 2.000 tỉ đồng, chia thành nhiều quỹ khác nhau và chủ yếu đầu tư vào thị trường niêm yết. Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Đầu tư của TVAM, cho biết: “Mặc dù thị trường chứng khoán và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn kéo dài từ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tình hình dịch bệnh lan rộng toàn thế giới, nhưng hầu hết các quỹ do TVAM quản lý đều đạt mức tăng trưởng cao”.  Trong 8 tháng đầu năm, Quỹ TVGF2 đạt hiệu suất sinh lời 43% so với mức tăng trưởng 20,6% của VN-Index. Trước đó, năm 2020 Quỹ TVGF2 cũng dẫn đầu cách biệt với mức tăng trưởng 39% so với mức tăng 25,2% của VN-Index. 

TVAM đã quản trị cổ phiếu như thế nào để đạt khả năng sinh lời cao và ổn định? Theo ông Nguyễn Duy Quang, đó là nhờ TVAM đã kết hợp nhiều chiến thuật khác nhau. Về lựa chọn cổ phiếu, Công ty tập trung vào 4 nhóm cổ phiếu sau: cổ phiếu có định giá thấp hơn giá trị thực; cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao trong 2 năm tới; cổ phiếu gặp khó khăn tạm thời và bị quá bán; và cổ phiếu của các doanh nghiệp có tài sản lớn nhưng chưa được định giá lại.

Trên thực tế, những khoản đầu tư đóng góp lợi nhuận lớn cho TVAM những năm qua đều thuộc các nhóm cổ phiếu này, như TCM (dệt may), VSC (cảng biển), ACB, TCB (ngân hàng), FPT (công nghệ), HCM (chứng khoán), DXG (bất động sản), PVT (vận tải)... Đến hết tháng 8, theo báo cáo của TVAM, các cổ phiếu mà Quỹ nắm giữ nhiều nhất là DXG của Đất Xanh (15%), FCN của Fecon (8%), PVP của Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (6%). Tính chung, 48% tổng giá trị tài sản của TVGF2 là cổ phiếu và tiền mặt ở TVGF2 vẫn đáng kể, chiếm hơn 50% giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ.

Theo ông Nguyễn Duy Quang, luôn dự trữ tiền mặt là cách để TVAM có thể giải ngân trong những giai đoạn thị trường bị bán tháo. Trong kỳ, Công ty đã mua thêm cổ phiếu PVP, DXG và FCN. Có thể thấy, những cổ phiếu mà TVAM mua thêm đều trong danh mục theo dõi từ trước.

Như xác nhận của ông Nguyễn Duy Quang: “Công ty không đầu tư theo phong trào, tranh mua tranh bán với thị trường. Cách TVAM đi là đón đầu dựa trên tư duy và phán đoán. Công ty không cắt lỗ vội vã trong những giai đoạn thị trường gặp khó khăn do nhân tố bất thường không lặp lại”. 

Cũng theo ông Nguyễn Duy Quang, tùy tình hình nền kinh tế và thị trường chứng khoán, TVAM sẽ có những điều chỉnh kịp thời trong phân bổ tỉ trọng vốn cho các ngành nghề và  thời gian đầu tư, nắm giữ cổ phiếu. Để làm tốt điều này, ông cho biết, TVAM có đội ngũ đầu tư thiết lập được mối quan hệ rộng rãi với các chuyên gia trong ngành. 

CƠ HỘI CHO QUỸ ĐẦU TƯ

Dù diễn biến dịch bệnh theo chiều hướng phức tạp đã ít nhiều tác động tới tâm lý nhà đầu tư, nhưng theo quan sát chung, người tham gia vẫn lạc quan khi nhìn về thị trường chứng khoán năm 2021 và các năm sau. Bằng chứng là chỉ số VN-Index liên tục tăng và đến ngày 28/5 đã đạt 1.320,46 điểm, mức cao nhất trong lịch sử 21 năm thành lập. So với đầu năm nay, VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng gần 20% và nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.

Ông Petri Deryng, người quản lý danh mục của Quỹ PYN Elite Fund (Phần Lan), dự báo đỉnh 1.500 điểm sẽ được lập vào cuối năm 2021. Ông Vũ Quang Đông, Tổng Giám đốc của Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF), cũng nhận định, dù có những rủi ro nhưng thị trường tài chính Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định. Ông Đông tin rằng, cách thức tiếp cận đầu tư của VCBF trong hơn 15 năm qua vẫn sẽ phù hợp cho những nhà đầu tư dài hạn.  

Đối với TVAM, ông Nguyễn Duy Quang cho biết, trong 2 năm tới, Công ty nhìn thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ nhiều nhân tố tích cực như tăng trưởng kinh tế toàn cầu được hỗ trợ bởi chính sách nới lỏng tiền tệ và các gói kích thích kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến giữ lãi suất gần mức 0% cho đến ít nhất hết năm 2021 và có thể kéo dài đến năm 2023. Về phía Chính phủ Việt Nam dự tính cấp phép trở lại các dự án bất động sản và đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ kinh tế, ước có thể đạt 2.750 ngàn tỉ đồng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, tăng 37,5% so với giai đoạn trước. Trong 2 năm tới, Việt Nam cũng có thể đạt mức tăng trưởng GDP trên 6% như trước đây. 

Nhân tố thứ 4 để TVAM tin tưởng là tỉ giá dự báo tiếp tục ổn định trong năm 2021 do chính sách nới lỏng tiền tệ của các quốc gia và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào khi năm 2020, dự trữ ngoại hối đã tăng 21 tỉ USD và chạm mốc 100 tỉ USD, tương đương khoảng 4 tháng nhập khẩu.

Trong bức tranh đó, ông Nguyễn Duy Quang cho biết, ngoài 2 quỹ TVGF và TVGF2, TVAM vừa huy động thành công 1 quỹ đóng TVGF3 với thời hạn hoạt động 5 năm, niêm yết trên HOSE với quy mô 200 tỉ đồng. Theo tiết lộ của ông Quang, đa số các nhà đầu tư lớn, đồng hành với Quỹ trong 5 năm qua đều tham gia góp vốn vào quỹ mới. Ngoài ra, TVAM cũng tìm kiếm các nhà đầu tư mới thông qua 2 công ty fintech có vốn đầu tư của Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) là MoMo và Finhay.

NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN CẦN LÀM GÌ?

Ở góc độ của nhà đầu tư cá nhân, ông Trần Vinh Quang, Giám đốc Điều hành kiêm Giám đốc Đầu tư của TVAM, chia sẻ: “Khi quyết định đầu tư vào một lĩnh vực hoặc một doanh nghiệp, nhà đầu tư nên để ý đến khả năng cải tiến và tích hợp công nghệ của doanh nghiệp đó”.

Chi tiết hơn, ông Vinh Quang cho rằng, nhà đầu tư có thể cân nhắc đến 2 nhóm căn bản: Nhóm hưởng lợi trực tiếp từ chính sách nới lỏng tiền tệ như vật liệu cơ bản, tài chính (ngân hàng, chứng khoán), bất động sản và nhóm có khả năng bứt phá mạnh mẽ từ đáy doanh thu, lợi nhuận sau khi dịch bệnh được kiểm soát (như du lịch, hàng không...).

Theo ông Vinh Quang, ngoài tốc độ tiêm vaccine, thì lãi suất và lạm phát sẽ là các chỉ số cơ bản để dự báo những chuyển biến trong môi trường vĩ mô.  

Tuy nhiên, vì không phải là chuyên gia tài chính cũng không đủ nguồn lực (tài chính, thời gian, kiến thức chuyên môn) nên nhà đầu tư cá nhân thường sẽ không thể nào làm tốt các việc cần thiết trong đầu tư như nghiên cứu kỹ công ty và ban giám đốc, chọn doanh nghiệp tiềm năng, quản trị rủi ro... Đây là lý do để ngành quản lý quỹ ra đời và phát triển rộng rãi.  

Trong trường hợp nhà đầu tư vẫn muốn tự đầu tư, theo ông Vinh Quang, “bạn có thể xem chứng khoán như một kênh đa dạng hóa thu nhập phụ”. Khi đó, nguồn tiền đầu tư nên là tiền nhàn rỗi dài hạn (sau khi đã trích dự phòng cho cuộc sống) và không nên kỳ vọng hiệu suất sinh lời quá cao. 

Nếu muốn mức sinh lời bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng thêm 4-5%, cách thức đầu tư vào các quỹ chỉ số, quỹ mở sẽ khả thi hơn. Bởi theo ông Vinh Quang, lịch sử chứng minh rằng, đầu tư đều đặn vào các quỹ thụ động luôn cho hiệu suất sinh lời cao hơn tiền gửi tiết kiệm theo thời gian. Ngoài ra, theo quan sát của ông Vinh Quang, một số quỹ đóng với quy mô vừa phải, do các công ty uy tín quản lý và đã hoạt động khá hiệu quả trong 3-5 năm là một lựa chọn đáng tham khảo.

Thị trường tài chính Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định. Ảnh: Quý Hoà
Thị trường tài chính Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định. Ảnh: Quý Hoà

Với những nhà đầu tư đã có kiến thức nền tảng và có thời gian, ông Vinh Quang cho rằng, nhà đầu tư có quyền đặt mục tiêu chứng khoán như một kênh thu nhập chính, với mức sinh lời 12-20%/năm, bên cạnh các nguồn thu từ công việc hoặc đầu tư bất động sản. Khi đó, việc duy trì tiền mặt trên tài khoản là cần thiết, để đợi thời cơ tái đầu tư tiếp theo (trừ khi đã trải qua một đợt lãi quá nhiều, khiến số tiền đầu tư lớn đến mức muốn chuyển bớt ra để giảm áp lực tâm lý). 

Theo ông Vinh Quang, những nhà đầu tư này có thể xây dựng danh mục dựa trên các báo cáo phân tích của công ty chứng khoán nhưng nên giới hạn ở nhóm công ty có vốn hóa trung bình và lớn để giảm rủi ro. Bên cạnh đó, có thể tham khảo danh mục 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (Top 50) của NCĐT và xem các doanh nghiệp nào xuất hiện liên tục nhiều năm để đưa vào danh sách đầu tư của bạn. Ông Vinh Quang cho rằng, nhà đầu tư đặt kỳ vọng lợi suất cao bao nhiêu thì cần nỗ lực bỏ ra tương xứng. 

Về quản trị rủi ro, có rất nhiều quan điểm nhưng không có một mô hình, công thức nào có thể theo kịp tốc độ thay đổi liên tục của nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Theo ông Vinh Quang, gốc rễ vấn đề và cũng là điều duy nhất nhà đầu tư có thể làm là kiểm soát ham muốn làm giàu nhanh ở bên trong mỗi người, dù rằng mong muốn này chính đáng và ai cũng từng mong muốn như thế ở một vài thời điểm trong cuộc sống. 

Về phía doanh nghiệp, khi ban lãnh đạo tập trung đưa công ty phát triển một cách hiệu quả và bền vững, đó chính là cách truyền thông tốt nhất cho cổ phiếu. Ngoài ra, theo ông Vinh Quang, những động thái đăng ký mua vào khi cổ phiếu giảm sâu cũng thể hiện mức độ cam kết của ban lãnh đạo đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là điều nhà đầu tư nào cũng mong đợi khi đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp.