Tại Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra hàng loạt mô hình kinh doanh kiểu mới. Ảnh: shutterstock.com.

 
Ngọc Thủy Chủ Nhật | 19/11/2023 14:30

Khám phá tương lai kinh doanh 6.0

Những công nghệ tinh hoa nhất của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang thay đổi cơ bản hoạt động kinh doanh và cách vận hành của nhiều doanh nghiệp.

Việt Nam đang nói nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như một con đường tắt để đi tới mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển. Giới kinh doanh đang nói tiếp về những cuộc cách mạng 5.0, 6.0 để đề cập viễn kiến của một thị trường tận dụng những thành quả tinh túy nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật, dữ liệu lớn…) để thúc đẩy các giải pháp kinh doanh, kết nối các thị trường toàn cầu.

Tương lai thế giới là A.I

Tại Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra hàng loạt mô hình kinh doanh kiểu mới như Grab (giao thông), Traveloka, Trivago, Airbnb (du lịch, đặt phòng khách sạn), Tiki, Lazada, Sendo (thương mại điện tử)… 

 A.I có thể trở thành “cây đũa thần” trong tay doanh nghiệp. Ảnh: Quý Hòa
A.I có thể trở thành “cây đũa thần” trong tay doanh nghiệp. Ảnh: Quý Hòa

Những mô hình kinh doanh mới này tiếp tục hướng đến nấc thang phát triển mới khi tích hợp cuộc cách mạng 6.0. Theo định nghĩa chung, thời đại 6.0 là sự pha trộn của nhiều công nghệ khác nhau như trí tuệ nhân tạo (A.I), internet vạn vật (IoT), Blockchain, Big Data và robot học. Ngay bây giờ, người ta đã cảm thấy sức nóng của thời đại 6.0. Sau cú hích mang tên ChatGPT, hàng loạt công ty công nghệ lớn trên thế giới như Google, Microsoft, Meta, Amazon, Alibaba… đều tham gia cuộc đua nghiên cứu, phát triển và ứng dụng A.I vào các sản phẩm cốt lõi với những kế hoạch đầy tham vọng.

Finbold ước tính, thị phần của A.I có thể đạt 207,9 tỉ USD vào năm 2023 và dự đoán tăng 788,64% để đạt 1.870 tỉ USD vào năm 2030. Còn Precedence Research cho rằng, quy mô thị trường A.I toàn cầu có thể đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 22,97% trong giai đoạn 2023-2032. A.I tiến hóa và đã trở nên phổ biến đến mức nhiều người có thể không nhận ra tác động của nó cũng như sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nó.

 

Ở Việt Nam, báo cáo về Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo của Oxford Insights năm 2022 cho thấy Việt Nam xếp hạng thứ 55 toàn cầu, sau Singapore (thứ 2), Malaysia (29), Thái Lan (31)… Nhưng “Việt Nam không đi sau thế giới về mặt nhận thức công nghệ”, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Kinh doanh, Khối khu vực công và doanh nghiệp lớn, Microsoft Việt Nam, đánh giá. 

Sự xuất hiện của các công nghệ mới và hệ sinh thái dựa trên nền tảng A.I, IoT, Big Data, Blockchain… đã góp phần làm thay đổi cách thức con người làm việc, sinh hoạt và kinh doanh. Ứng dụng A.I đã thay đổi quy trình kinh doanh trong hầu hết mọi ngành, trở thành một chiến lược cấp thiết đối với những doanh nghiệp muốn duy trì lợi thế cạnh tranh.

 A.I có thể trở thành “cây đũa thần” trong tay doanh nghiệp khi giúp họ giảm khối lượng công việc của con người, nâng cao hiệu suất làm việc, duy trì điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số… Đó là khi A.I phân tích dữ liệu khách hàng và tạo các đề xuất, ưu đãi sản phẩm được cá nhân hóa cho từng người mua sắm; kiểm soát chính xác mức tồn kho và tối ưu chuỗi cung ứng; hay những chatbot thay thế hàng trăm nhân viên hỗ trợ khách hàng…

Thế hệ Gen Z được coi là hạt nhân của nền kinh tế số. Ảnh: Quý Hòa.
Thế hệ Gen Z được coi là hạt nhân của nền kinh tế số. Ảnh: Quý Hòa.

A.I thực tế đã hiện diện trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn, Techcombank ứng dụng A.I để đưa lời khuyên tiết kiệm, đầu tư cho người dùng qua việc phân tích lịch sử, hành vi giao dịch. Thậm chí, FPT còn phát triển cả một hệ sinh thái công nghệ gồm akaBot (giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ); akaVerse (giải pháp toàn diện về thực tế ảo - Virtual Reality, thực tế ảo tăng cường - Augmented Reality và thực tế hỗn hợp - Mixed Reality); VoiceDNA (sinh trắc học giọng nói)… Sau 5 năm phát triển, hiện FPT có hơn 20 sản phẩm A.I và phục vụ 11 triệu người dùng cuối, 600 triệu lượt sử dụng 1 năm trong mảng bán lẻ, ngân hàng, sản xuất... 

Và chúng ta gần đây đã có cơ hội trải nghiệm trên chiếc xe mới ra mắt của VinFast có tích hợp công nghệ A.I để nhận diện được chủ xe để thiết lập chế độ điều khiển tự động, nhắc nhở và cảnh báo nguy hiểm. Hay chúng ta có cơ hội tương tác với trợ lý ảo VCB Digibot của Ngân hàng Vietcombank để yêu cầu hàng loạt dịch vụ... Theo ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty FPT Smart Cloud, trong tương lai, A.I sẽ thay đổi hoàn toàn cách vận hành, quản trị, nhất là những doanh nghiệp có quy mô khách hàng lớn. “Chẳng hạn, trong mảng dịch vụ chăm sóc khách hàng, ứng dụng A.I của Công ty giúp hỗ trợ gần 10 triệu khách hàng/tháng với độ chính xác từ 96-98%”, ông Việt chia sẻ.

 

Múi giờ mang tên Gen Z

Thế hệ Gen Z được coi là hạt nhân của nền kinh tế số khi được tận hưởng cũng như làm chủ mọi thành quả của cuộc cách mạng 4.0. Vì thế, thế hệ này luôn được coi là một nhân tố quyết định tương lai của thị trường vừa ở góc độ người kiến tạo và người thụ hưởng. Theo nghiên cứu gần đây của Adobe Document Cloud, Gen Z ước sẽ chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động toàn cầu vào năm 2030. Đáng quan tâm hơn là “giấc mơ làm chủ” của thế hệ này. Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về tỉ lệ giới trẻ khao khát trở thành doanh nhân, làm chủ doanh nghiệp. Cứ 20 bạn trẻ Việt thì có 5 bạn có ước mơ làm chủ doanh nghiệp, tức chiếm 25%. Mong ước làm chủ của nhiều người trẻ đã thành hiện thực nhờ sự bùng nổ của nền kinh tế số. Theo Google & Temasek, nền kinh tế internet khu vực Đông Nam Á ước tăng gấp 3 lên 300 tỉ USD vào năm 2025. Ở Việt Nam, theo báo cáo của Cimigo, năm ngoái nền kinh tế internet đã chiếm 5,7% GDP, tương đương với 23 tỉ USD. 

Từ đây, những mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ như thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới… càng có “đất dụng võ”. Nhiều bạn trẻ không cửa hàng, không nhân viên, chỉ cần máy tính nối mạng có thể tự kinh doanh đủ các mặt hàng từ giày dép, mỹ phẩm, hàng xách tay… Mới đây, Cục Thuế TP.HCM truy thu được số tiền lên tới hơn 9 tỉ đồng từ một cá nhân “bán hàng online” với tổng doanh thu 450 tỉ đồng chỉ trong 2 năm. Trong khi đó, thông tin từ Tổng Cục Thuế cho thấy, gần 70.000 đơn vị bán hàng online qua 280 sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch khoảng 5.500 tỉ đồng đang được ngành thuế quản lý... Những con số khổng lồ này cho thấy sự bùng nổ của thương mại điện tử, cũng đồng thời cho thấy cơ hội của các bạn trẻ khởi nghiệp và tự làm chủ.

Ở khía cạnh công nghệ, ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, nhận định, trong thế giới phẳng, nhờ tiền bộ về dữ liệu lớn, máy học, A.I..., cơ hội kinh doanh được chia sẻ đều cho tất cả các quốc gia và cả các cá nhân. Ông Gijae Seong cũng đánh giá “dư địa để Việt Nam xuất khẩu online vẫn còn rất lớn khi thương mại điện tử xuyên biên giới mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam”. Theo vị này, với tốc độ tăng trưởng kép của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu ước tăng 26% giai đoạn 2022-2026 và Đông Nam Á được đánh giá là khu vực tăng trưởng nhanh nhất, Việt Nam có thể đạt tới quy mô thị trường khoảng 300.000 tỉ đồng sau 3 năm.

Một báo cáo của Econsultancy tiết lộ, mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định mua hàng. Từ đây, đội quân YouTuber, Facebooker, TikToker... đã nhanh chóng làm giàu nhờ phát triển các kênh thu hút được hàng triệu lượt xem. Đơn cử, dù chỉ là một TikToker, Charli D’Amelio (Mỹ) kiếm được 17,5 triệu USD vào năm 2021, cao hơn nhiều CEO ở Mỹ. Còn ở Trung Quốc, theo một số ước tính, ngành công nghiệp phim ngắn trên các nền tảng xã hội có tổng trị giá khoảng 1,4 tỉ USD. 

 

Thực tế, cả YouTube, TikTok đều xây dựng những chính sách để bất cứ ai cũng có thể kiếm tiền từ các nền tảng của họ. Trên YouTube, nhà sáng tạo nội dung có thể kiếm được 55% doanh thu từ quảng cáo do Google đặt trên video của họ. Ngoài ra, từ năm 2023, những nhà sáng tạo nội dung chỉ cần đạt 10 triệu lượt xem trong 90 ngày trên nền tảng video ngắn (Shorts) của YouTube cũng có thể tham gia Chương trình đối tác. YouTube sẽ trả họ 45% doanh thu từ quảng cáo cho các video ngắn. Hay TikTok cũng tạo TikTok Creator Marketplace để các thương hiệu và nhà sáng tạo nội dung có thể cộng tác với nhau. 

Tuy nhiên, Kelly Anne Smith, chủ kênh YouTube về tài chính cá nhân với 50.000 người theo dõi, cho biết nguồn thu nhập lớn nhất của cô không phải đến từ YouTube mà đến từ chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing), quảng cáo và bán các khóa học. Đây được xem như một hình thức thu nhập thụ động. Theo Kevin Leyes, người sáng lập Leyes Media, ban đầu, người mới có thể kiếm được 100 USD, thậm chí 1.000 USD mỗi ngày thông qua hình thức Affiliate Marketing. Càng về sau, 10% nhà tiếp thị liên kết ít nhất kiếm được 37.000 USD/năm. Còn 10% thuộc top đầu có thể kiếm được hơn 70.000 USD/năm. 

Sức hấp dẫn của mô hình kiếm tiền Affiliate Marketing ngày càng lan rộng và thu hút người trẻ Việt dấn bước vì có thể kiếm tiền dễ dàng trong thế tự do, linh hoạt thời gian, thỏa sức sáng tạo. Trong đó, Võ Hà Linh và Phạm Thoại được xem là 2 TikToker nổi bật nhất. Dữ liệu Ubiwiz cho biết, với kênh TikTok có 4 triệu người theo dõi và hơn 102 triệu lượt yêu thích, mỗi video của Phạm Thoại có thể mang về từ 2.400-4.000 USD (khoảng 56-94 triệu đồng). Còn với Hà Linh, theo Ubiwiz, mỗi video của cô cũng kiếm được từ 2.200-3.700 USD (khoảng 51-87 triệu đồng). Đó là chưa tính đến nguồn thu nhập của việc gắn link liên kết sản phẩm, hợp đồng quảng cáo cho nhãn hàng, tự kinh doanh...

Nhưng trang Reliablesoft lưu ý, người tham gia cần sáng tạo một kênh giàu nội dung và phải có thời gian nhất định để các YouTuber, TikToker… tạo được uy tín, thương hiệu. Thực tế, như Jimmy Donaldson lập kênh MrBeast từ năm 13 tuổi. Ban đầu, MrBeast chỉ đăng tải những video thử thách mạo hiểm. Mãi đến năm 2021, khi MrBeast chuyển hướng sáng tạo nội dung bằng những trò chơi mô phỏng bộ phim “Squid Game”, kênh MrBeast mới nổi đình nổi đám khắp thế giới, ước kiếm được 110 triệu USD năm 2022. Với sức ảnh hưởng của MrBeast, Tạp chí Forbes dự đoán MrBeast sẽ là YouTuber đầu tiên trở thành tỉ phú trong một vài năm tới.

Đẩy mạnh kênh quảng cáo, bán hàng qua các nền tảng TikTok, YouTube, Facebook… là cách mà nhiều doanh nghiệp đang làm để không đứng ngoài cuộc chơi này. Ảnh: Quý Hòa.
Đẩy mạnh kênh quảng cáo, bán hàng qua các nền tảng TikTok, YouTube, Facebook… là cách mà nhiều doanh nghiệp đang làm để không đứng ngoài cuộc chơi này. Ảnh: Quý Hòa.

Định hình trong thế giới ảo

Khi một YouTuber, TikToker hay bất kỳ ai có thể tận dụng các nền tảng công nghệ để kiếm tiền tỉ thì các doanh nghiệp không thể ngồi im. Họ một mặt phải xem xét lại tính hiệu quả của mô hình đang kinh doanh, mặt khác cân nhắc đến bài toán điều chỉnh để thích nghi.

Đẩy mạnh kênh quảng cáo, bán hàng qua các nền tảng TikTok, YouTube, Facebook… là cách mà nhiều doanh nghiệp đang làm để không đứng ngoài cuộc chơi này. Đơn cử, Vinamilk trở thành công ty hàng tiêu dùng đầu tiên ở Đông Nam Á nhận Nút Vàng của YouTube. Để đạt được điều này, Vinamilk phải đầu tư rất mạnh cho nội dung, mời cả những YouTuber nổi tiếng như Huỳnh Lập, Thu Trang góp mặt và đã dùng YouTube Masthead, TrueView để đảm bảo video được hiển thị tốt. Kết quả, kênh YouTube của Vinamilk đạt hơn 1 triệu người đăng ký, một con số không phải thương hiệu ngành thực phẩm và đồ uống (FMCG) nào cũng có được.

 

Gần đây hơn, dược phẩm Hoa Linh đã nhờ đến “chiến thần bán hàng” Võ Hà Linh livestream bán hàng. Với lượng người hâm mộ đông đảo, chỉ 30 phút, Võ Hà Linh đã bán được 60.000 đơn hàng, một con số cao kỷ lục và đáng ghen tị với bất kỳ nhà bán hàng nào. Ông Tuấn Hà, Chủ tịch Vinalink, nhận định, sự kiện Võ Hà Linh livestream cho thấy đây là kênh phân phối đáng gờm, thể hiện sự dịch chuyển mới trong doanh nghiệp. Nhưng để đạt doanh số bán hàng khủng trên nền tảng mạng xã hội, theo ông Tuấn Hà, doanh nghiệp phải “dọn kho” trước, tức phải có các chương trình flash sale giảm giá khủng khiếp. Có như vậy, đơn hàng qua livestream mới bùng nổ.

Để chủ động hơn, nhiều doanh nghiệp như Couple TX còn tổ chức đội ngũ livestream riêng và xem đây như một hoạt động bán hàng mỗi ngày. Ông Trần Quang Trường Thanh, CEO Couple TX, cho biết với xu hướng tiêu dùng là mua sắm online, Couple TX sẽ còn đẩy mạnh kênh bán hàng này qua nhiều cách thức. Trước mắt, kênh online cho Couple TX đã đạt tăng trưởng gấp 4 lần trong giai đoạn 2021-2022 so với lúc chưa cải thiện. 

 

Một số doanh nghiệp như FPT còn xây hệ sinh thái riêng và hỗ trợ vốn để nhân viên có thể tự khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung, chưa nhiều công ty Việt Nam cổ vũ nhân viên khởi nghiệp như một cách giữ chân nhân tài.

Trong khi đó, thời đại 6.0 là thời đại robot có thể thay thế con người trong nhiều phần việc. Bằng chứng là A.I ban đầu đóng vai trò hỗ trợ nhưng hiện nay còn cạnh tranh với con người mà vụ kiện của Karla Ortiz, 1 trong 3 nghệ sĩ đã làm đơn kiện tập thể chống lại Stable Diffusion, Midjourney và DreamUp, 3 mô hình sáng tạo hình ảnh bằng A.I là một điển hình. 

Để con người vẫn có chỗ đứng trong thế giới một cách ý nghĩa, bên cạnh thúc đẩy những công việc mới phù hợp với thời đại 6.0 như người bảo dưỡng robot, lập trình viên cung cấp dữ liệu cho robot…, con người cần được đặt vào vị trí làm chủ, tự do sáng tạo như ước muốn của hầu hết mỗi người.