Bảo Trung Thứ Bảy | 07/08/2021 08:00

Công ty xe điện bán xe nhờ KOLs trên mạng

Quên việc livestream làm đẹp đi, giờ các KOL trên mạng với hàng trăm nghìn người theo dõi đang thi nhau bán xe điện.
 

Meng, hay được biết đến EV Emma với 700.000 người theo dõi, là một trong số những KOL lớn của Trung Quốc về viết blog, vlog và xe hơi nổi trên thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Số tiền Meng kiếm nhiều đến mức cô đã từ bỏ sự nghiệp làm nhà phát triển kinh doanh khu vực của một công ty ở Pháp.

Người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất châu Á đang có một loạt lựa chọn khi nói đến xe điện, từ chiếc Hongguang Mini nhỏ gọn và dễ thương của SAIC-GM-Wuling Automobile Co., chỉ 4.500 USD, đến chiếc crossover Model Y bán chạy của Tesla, có giá khoảng 42.600 USD hay chiếc SUV ES6 của Nio Inc., đứng đầu ở mức hơn 72.000 USD.

Những người như Meng đang giúp định hình lại cách thức bán ô tô ở Trung Quốc. Và tại nước này, việc sử dụng xe điện đang tăng tốc với một tốc độ đáng kinh ngạc. Hiệp hội ô tô chở khách của Trung Quốc đã báo cáo doanh số bán xe chạy bằng năng lượng mới đạt khoảng 1 triệu chiếc trong sáu tháng đầu năm 2021.

Các nhà sản xuất ô tô cũng đang ngày càng sử dụng nhiều KOL - người có ảnh hưởng  mạnh thị trường. Đặc điểm của họ là những người trẻ am hiểu về truyền thông, có thể sử dụng các nền tảng xã hội để thuyết trình và đánh giá xe điện cho hàng trăm nghìn người.

 

Điều này thật sự có ý nghĩa bởi vì thay vì phải đến nói chuyện tại đại lý, nhiều người mua xe điện ở Trung Quốc bây giờ muốn tự mình tìm hiểu trực tuyến. Vì vậy, việc nhận được lời khuyên từ một người có ảnh hưởng đáng tin cậy sẽ đóng vai trò quan trọng hơn cả.

Vào tháng 6, Meng đã thảo luận với ban giám đốc cho Great Wall Motor Co. về khách hàng nữ và nói rằng cô ấy có thể bán được nhiều hơn từ các sự kiện livestream tại chỗ so với việc làm video, blog. Các nền tảng chính cho nội dung xe điện của Meng là Weibo, Zhihu và trang web chia sẻ video Bilibili.

Meng cho biết: “Việc phụ nữ trong gia đình đưa ra quyết định mua hàng cuối cùng rất phổ biến ở Trung Quốc và chúng tôi cũng thấy rằng ngày càng có nhiều tài xế nữ có xu hướng cởi mở hơn với các phương tiện thông minh.”

 

Mặc dù không có bất kỳ số liệu chính thức nào về số lượng KOL đang hoạt động ở Trung Quốc, nhưng sự hiện diện của họ là điều hiển nhiên. Tại triển lãm ô tô Thượng Hải vào tháng 4, gậy tự sướng và đèn vòng ở khắp mọi nơi. Và khoảng một nửa số nhà báo có mặt tại một sự kiện gần đây của General Motors Co. ở Thượng Hải không tới từ các hãng tin truyền thống.

Người phát ngôn của Geely cho biết: “Đây là một trong những cách tốt nhất để xây dựng kết nối với thế hệ khách hàng hiện tại và tiếp theo. Công ty đã tìm ra cách hiệu quả hơn để giao tiếp trực tiếp với khách hàng mục tiêu."

Ngoài việc được các nhà sản xuất ô tô trả tiền trực tiếp cho các lần xuất hiện và lái thử, KOL kiếm tiền bằng cách tính phí cho các bài đăng trên mạng xã hội. Một KOL cho biết có thể kiếm được 10.000 nhân dân tệ (1.550 USD) khi đăng bốn bức ảnh từ triển lãm ô tô Thượng Hải. Họ sẽ được tặng ô tô hoặc được chiết khấu, miễn là họ thường xuyên viết blog về chiếc xe đó và chia sẻ đủ ảnh.

 

Những người có ảnh hưởng quan trọng trong thị trường xe hơi của Trung Quốc đến nỗi ByteDance Ltd., công ty sở hữu Douyin ở Trung Quốc và TikTok ở Mỹ, đã đưa ra sáng kiến lập một đôi KOL truyền thông và tiếp thị cho từ khóa #Dcar.

Giám đốc hoạt động nội dung của Dcar, Ji Chengcheng cho biết: “Giờ đây, nhiều người trẻ sẵn sàng tạo nội dung cho công chúng hơn. Chúng tôi muốn giúp những người sẵn sàng sáng tạo và chia sẻ.”

#Dcar cũng tạo điều kiện cho những KOL mượn xe để lái thử và đánh giá. Những KOL này có thể không bóng bẩy, nhưng họ có khả năng khiến khán giả cảm thấy thoải mái và “tạo niềm tin tốt hơn, do đó có thể dẫn đến việc mua xe nhiều hơn,” Ji cho biết.